• Zalo

Rớt giá kỷ lục, đồng Euro liệu có phục hồi?

Kinh tếThứ Ba, 06/01/2015 07:37:00 +07:00Google News

Đồng Euro rớt giá thảm hại trong vòng 9 năm trở lại đây và liệu có thể phục hồi khi đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như hiện nay?

(VTC News) - Đồng Euro sụt giá kỷ lục trong vòng 9 năm trở lại đây đã làm cho bức tranh kinh tế khu vực Eurozone ngày càng trở nên u ám và liệu đồng tiền này có khả năng phục hồi khi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay?

Lép vế trước đồng USD

Vào ngay phiên làm việc đầu tiên tại châu Âu sau 2 tuần nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới (5/1), giá đồng euro đã tiếp tục tụt xuống chỉ còn 1.195 USD/euro và trở thành mức thấp nhất kể từ 9 năm qua.

Theo tờ CNN đánh giá thì hiện nay sự sụt giảm giá trầm trọng của đồng euro chủ yếu là do sức mạnh của đồng bạc xanh đang ngày càng lớn dần.

Chỉ trong vòng nửa cuối của năm 2014, đồng Đô la Mỹ đã tăng giá đáng kể khiến cho không chỉ đồng euro mà các đồng tiền lớn khác như bảng Anh, franc Thụy Sĩ và yên Nhật cũng bị yếu đi.

 Tính đến ngày 5/1, giá đồng Euro đã tụt xuống chỉ còn 1.195 USD/euro 

Thực tế cho thấy hiện nay nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ và tăng tốc không ngừng trong việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Trong khi đó, khu vực châu Âu lại đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức kỷ lục cùng với nền kinh tế trì trệ và có nguy cơ giảm phát trầm trọng. 

Theo dự báo tăng trưởng kinh tế mùa thu của Ủy ban châu Âu (EC), mức tăng trưởng của 18 nước thành viên Eurozone trong năm nay chỉ đạt 0,8% và thấp hơn tới 1,4% so với mức dự báo đã đưa ra trước đó.

Ông Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cho rằng tỉ lệ lạm phát thấp đang dần trở thành một vấn đề nan giải đối với nền kinh tế khu vực EU, đe dọa tiềm năng tăng trưởng kinh tế của khu vực này. 

Theo ông Mario Draghi, chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết lạm phát thấp có thể khiến “đóng băng” niềm tin mua sắm. Và đó là những triệu chứng đầu tiên của hiện tượng giảm phát, sự giảm giá trên diện rộng sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty, dẫn đến cắt giảm nhân sự hàng loạt và xảy ra tình trạng thất nghiệp.

 Ngân hàng Trung ương châu Âu muốn giữ mức lãi suất thấp trong một thời gian nữa

Chưa kể hiện tại Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn muốn giữ mức lãi suất thấp (0,05%) trong một thời gian dài nữa thì Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại đang bắt đầu có dấu hiệu sẽ nâng lãi suất cơ bản dường như đã đóng băng ở mức gần 0% trong sáu năm qua. Chính vì vậy mà các nhà đầu tư đã tìm đến đến với đồng USD nhiều hơn là đồng euro. 

Theo thống kê, đồng đô la đã tăng 13% tính từ tháng 9 đến giờ lên mức cao nhất trong gần 6 năm. Các ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley còn dự đoán tỷ giá trao đổi giữa đồng Euro và USD có thể xuống tới 1,15 USD/Euro trong năm 2015.

Video: Hàng triệu USD rơi trên đường

Lo ngại từ khủng hoảng Hy Lạp 

Thêm một áp lực nữa đặt lên đồng euro hiện nay được CNN chỉ ra đó là những rủi ro xuất phát từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp, đặc biệt là từ cuộc bầu cử Quốc hội của Hy Lạp sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 1 tới đây hiện đang được dự đoán đảng cực tả Syriza chủ trương chống kế hoạch khắc khổ, sẽ giành thắng lợi.

Trong khi đó đảng này đang muốn đàm phán lại các điều khoản trong gói cứu trợ thứ nhất trị giá 240 tỷ euro mà Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã trao cho Hy Lạp để cứu quốc gia này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất lịch sử vào năm 2010. 

 Ảnh minh họa

Kịch bản xấu nhất đã được nhắc đến là Syriza sẽ đòi giảm bớt một khoản lớn trong nợ công của Hy Lạp vốn đang chiếm 175% GDP nước này và nếu không đạt được thỏa thuận thì Hy Lạp có thể sẽ bị vỡ nợ và bị đẩy ra khỏi vùng euro.  

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng dù có thắng cử thì đảng Syriza cũng sẽ phải thay đổi lập trường của mình để ứng xử một cách “mềm dẻo” hơn với các chủ nợ. 

Hơn thế nữa từ cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp lần trước, vùng euro đã thiết lập những “hàng rào phòng thủ” như cơ chế ổn định châu Âu để bảo vệ đồng tiền chung của khu vực. Và lần này Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã cam kết bằng mọi giá sẽ bảo vệ đồng Euro đến cùng..

Ấp ủ kế hoạch QE, đồng Euro liệu có phục hồi?

Phát biểu với phóng viên của tờ Handelsblatt (Đức), chủ tịch Mario Draghi cho biết, rất có thể Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ thực hiện gói nới lỏng định lượng (QE) nhằm giảm bớt nguy cơ giảm phát của khu vực này và kìm hãm sự trượt giá mạnh của đồng euro so với đồng USD.

 Ông Mario Draghi và ECB sẽ khó khăn trong việc giải bài toán cứu đồng euro - Ảnh minh họa

Dự kiến kế hoạch này sẽ được đưa ra trước kỳ họp tiếp theo của ECB vào ngày 22 tháng 1 tới đây. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn đang được ECB cân nhắc và tính toán một cách kỹ lưỡng bởi nếu không bơm thêm tiền vào thị trường thì sẽ khó lòng kích thích được tăng trưởng kinh tế, mà nếu lượng tiền này quá lớn sẽ lại làm đồng euro càng bị mất giá hơn. 

Chưa kể việc Ngân hàng Trung ương châu Âu thực hiện gói kích thích EQ thông qua hình thức mua lại trái phiếu chính phủ của các nước đang khủng hoảng như Hy Lạp, Tây Ban Nha thì giá trị của đồng tiền chung châu Âu sẽ lại càng giảm mạnh bởi phải gánh chịu thêm nhiều rủi ro.

Video: Tiền in hình dê dành cho năm Mùi

ECB đang phải đối mặt với bài toán khó khi phải tính toán để làm sao kích thích được nền kinh tế tăng trưởng, duy trì lạm phát từ 0-2% và cân bằng nhiều yếu tố khác nữa mà vẫn không làm Euro bị rớt giá thêm.

Việc đồng Euro có thể phục hồi được hay không phụ thuộc khá nhiều vào những quyết định của ECB mà dự kiến sẽ sớm được công bố vào cuối tháng này cũng như những nỗ lực cải cách của các nước thành viên Eurozone trong thời gian tới.

Trước đó tại buổi phỏng vấn với tờ Handelsblatt, ông Draghi cũng đã nhấn mạnh nếu các nước thành viên của Eurozone không đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu, linh động hóa thị trường lao động hay giảm bớt quan liêu và cắt giảm thuế thì kinh tế của khu vực cũng sẽ khó có thể phục hồi.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn