Khi chảy máu cam, nên cúi mặt hay ngửa cổ?
Chảy máu cam (hay còn gọi là chảy máu mũi) là hiện tượng máu đột ngột chảy ra từ hốc mũi với mức độ nhiều ít khác nhau. Chảy máu cam xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là do số lượng tiểu cầu trong máu giảm hoặc có những bất thường làm rối loạn đông máu.
Thứ hai là do viêm nhiễm phần thành mạch mũi hoặc do cơ thể thiếu vitamin C dẫn đến suy giảm chức năng bảo vệ, làm mũi dễ chảy máu. Thứ ba, do huyết áp tăng cao làm tăng áp lực thành mạch, gây nứt vỡ thành mạch, thường xảy ra nhiều nhất với người cao tuổi. Ngoài ra, phần mũi bị va đập mạnh hay mũi bị tổn thương do thói quen ngoáy mũi, cạy gỉ cũng là nguyên nhân dẫn đến chảy máu cam.
Khi bị chảy máu cam, cúi mặt hay ngửa cổ đều gây nguy hiểm cho cơ thể
Khi gặp hiện tượng này, theo thói quen chúng ta sẽ ngửa đầu ra sau để tránh làm máu chảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc làm này không những không có tác dụng cầm máu mà còn gây nguy hiểm cho cơ thể.
Khi ngửa cổ ra sau sẽ làm cản trở đường ra của máu và làm máu trào ngược xuống cổ họng. Máu có thể chạy qua lỗ thông khí và gây sặc máu. Nếu chúng ta nuốt phần máu cam này xuống dạ dày sẽ dễ gây ra hiện tượng khó thở, buồn nôn và ói mửa.
Một số người khi gặp hiện tượng chảy máu cam thì chọn cách cúi hẳn mặt xuống để dốc hết lượng máu chảy ra ngoài. Đây cũng là cách không nên áp dụng vì khi đó, áp lực dồn lên phần mặt rất lớn, dễ khiến cơ thể bị hoa mắt, chóng mặt, thậm chí là cảm giác đầu đau buốt.
Cách xử lý nào mới đúng?
Chảy máu cam là triệu chứng không gây nguy hiểm nếu chúng ta biết cách xử lý kịp thời. Cách chuyên gia y tế khuyên rằng, khi bị chảy máu cam, đầu tiên chúng ta nên bình tĩnh ngồi xuống, để đầu hơi cúi về phía trước. Sau đó nới lỏng quần áo, nhất là phần cổ cho dễ thở. Dùng ngón tay ấn chặt phần cánh mũi đang chảy máu rồi dùng khăn giấy sạch thấm hết phần máu đã chảy ra.
Bình thường, máu cam chỉ chảy một lúc với số lượng không nhiều. Nếu đã sơ cứu mà sau 5-10 phút không thấy máu ngừng chảy thì nên đến bệnh viên ngay lập tức để được xử lý và xác định nguyên nhân gây chảy máu.
Chườm lạnh lên cánh mũi cũng là một cách giúp hạn chế máu chảy ồ ạt hiệu quả. Tuy nhiên, các bác sỹ cảnh báo là không nên dùng đá lạnh chườm trực tiếp lên mũi nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì nước đá sẽ gây nguy cơ bỏng nặng cho vùng da nhạy cảm ở đây. Tốt nhất là nên chườm lạnh qua một lớp khăn mỏng.
Khi bị chảy máu cam, nên ngồi xuống, đầu hơi cúi về trước, lấy tay ấn chặt cánh mũi bị chảy máu. Ảnh: Internet.
Chúng ta cũng không nên làm những việc sau khi bị chảy máu cam:
- Nhét gạc, bông gòn vào sâu trong mũi: không nên để các vật liệu thông thường, không đảm bảo vô khuẩn tiếp xúc trực tiếp với lớp niêm mạc mũi.
- Không nằm khi bị chảy máu cam vì sẽ làm huyết áp trong đầu tăng lên. Huyết áp tăng lại làm máu xuống tĩnh mạch nhiều hơn rất khó cầm lại. Hơn nữa, khi nằm máu sẽ chảy xuống cổ họng gây nôn mửa.
- Không tự ý lấy dị vật ra khỏi mũi: Nếu bị chảy máu cam do nhét dị vật vào trong mũi thì nên đến trạm y tế gần nhất. Không tự ý lấy dị vật ra ngoài vì có thể làm tình hình trở nên xấu hơn.
- Sau khi máu ngừng chảy, không bôi kem, vaselin hay dùng thuốc xịt vì nó không giúp phục hồi độ ẩm của niêm mạc mà có thể làm niêm mạc mũi bị nhiễm trùng.
- Tránh khịt mũi trong vài giờ.
- Tuyệt đối không nuốt máu cam để tránh nuốt phải chất độc do máu phân hủy thành.
Để phòng tránh trường hợp bị chảy máu cam, chúng ta nên vệ sinh mũi họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý nhất là đối với trẻ nhỏ. Hạn chế tối đa việc va đập mạnh lên vùng mũi. Trong thời tiết nóng bức nên có các biện pháp bổ sung độ ẩm để không gây tổn thương đến niêm mạc mũi. Thường xuyên bổ sung vitamin C giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm nguy cơ bị chảy máu cam.
Bình luận