• Zalo

Ronaldo tuyệt hay, nhưng Bồ Đào Nha có thể sớm phải chia tay World Cup

World Cup 2018Thứ Năm, 21/06/2018 17:10:00 +07:00Google News

Thành tích lịch sử của Cristiano Ronaldo sẽ bị che mờ nếu Bồ Đào Nha không vượt qua được vòng bảng World Cup, điều có thể xảy ra ở loạt trận cuối cùng.

Bồ Đào Nha đang cho thấy bước tiến khá chắc chắn ở World Cup 2018 với 4 điểm/ 2 trận đầu tiên. Ở lượt trận mở màn, đội bóng được mệnh danh là "Brazil châu Âu" cầm hòa Tây Ban Nha với tỉ số 3-3 bằng màn rượt đuổi ngoạn mục trong 90 phút. Trong trận gặp Morocco, Bồ Đào Nha có chiến thắng đầu tay theo "chuẩn Fernando Santos" khi giành trọn 3 điểm dù không chơi hay bằng đối thủ.

Khởi đầu ấn tượng nói trên giúp Cristiano Ronaldo cùng các đồng đội tạm xếp đầu bảng cùng Tây Ban Nha (cùng điểm số, hiệu số, thành tích đối đầu). Với cá nhân Ronaldo, chân sút đang khoác áo Real Madrid cũng chạm tới kỷ lục khi trở thành cầu thủ châu Âu có thành tích ghi bàn tốt nhất trong màu áo các đội tuyển quốc gia (85 bàn) và vươn lên dẫn đầu danh sách ghi bàn ở World Cup năm nay với 4 pha lập công. Với Bồ Đào Nha, mọi thứ vẫn đang diễn ra như một giấc mơ.

Nhưng hiện tại "màu hồng" có thể khiến người ta quên đi một điều: Bồ Đào Nha vẫn có thể bị loại ngay ở vòng bảng khi phải đối đầu trực tiếp với Iran ở lượt trận cuối.

iran

 Cục diện bảng B sau 2 lượt trận

Bồ Đào Nha có 4 điểm, xếp trên Iran với 1 điểm nhiều hơn. Nếu đội bóng của HLV Fernando Santos bại trận trực tiếp trước đối thủ, họ sẽ phải nhìn Iran bước tiếp vào vòng 1/8.

Xét về chênh lệch thực lực, đây là điều không dễ xảy ra khi Bồ Đào Nha vượt trội Iran về đẳng cấp, thực lực, kinh nghiệm, song nên nhớ, Tây Ban Nha cũng vượt trội Iran mà phải nhờ tới một chút may mắn mới đánh bại được đối thủ này với tỉ số tối thiểu.

Iran không chiến đấu bằng sức mạnh thể chất và tinh thần thuần túy. Dưới thời HLV Carlos Queiroz, Iran chơi bóng vô cùng kỷ luật với hệ thống phòng ngự được siết chặt để hướng tới kết quả tốt nhất.

Đội bóng Tây Á này là "vua phòng ngự" ở vòng loại World Cup khu vực châu Á với thành tích giữ sạch lưới 8/10 trận, đồng thời mới để lọt lưới 1 bàn duy nhất sau 2 trận đầu tiên tại World Cup, dù đối thủ sở hữu hàng tấn công rất mạnh như Tây Ban Nha hay Morocco.

Xem trận đấu hôm qua, khán giả sẽ phải "ngả mũ" trước dấu ấn mà Queiroz để lại trong lối đá của Iran. Cả Andres Iniesta, David Silva, Diego Costa hay Sergio Busquets đều bị "bóp nghẹt" không gian chơi bóng và phải liên tục dạt cánh để tìm kiếm khoảng trống. 45 phút đầu tiên, Tây Ban Nha chỉ có 1 cơ hội nguy hiểm - điều hiếm khi xảy ra với La Roja. Ngay cả Bồ Đào Nha cũng không phòng ngự chắc chắn được như thế trước Tây Ban Nha.

i6

 Iran (áo đỏ) chơi bóng rất khó chịu.

Song song với khả năng phòng ngự, Iran cũng cho thấy khả năng tấn công ấn tượng khi biết chắt chiu cơ hội để đe dọa khung thành đối phương. Đội bóng của HLV Queiroz tạo được tới 3 cơ hội nguy hiểm trong hiệp 2, có 1 lần đưa bóng vào lưới khung thành của De Gea (nhưng bị trọng tài từ chối sau khi tham khảo công nghệ VAR). Pha xâu kim của Amiri với Gerard Pique là hình ảnh tiêu biểu cho phong cách chơi bóng của Iran: rất thực dụng song biết cách ngẫu hứng khi cần.

Quan trọng hơn cả, Iran còn có "quân bài" lợi hại trên băng ghế chỉ đạo, đó là HLV Queiroz - một người Bồ Đào Nha "chính gốc" và rất hiểu nền bóng đá nước này. Chính Queiroz là người mài giũa Ronaldo từ tài năng trẻ "mỏng cơm" và ưa biểu diễn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Queiroz cùng là trợ lý mà Sir Alex Ferguson tin tưởng nhất với khả năng phân tích đối thủ và ứng biến xuất sắc. 7 năm dẫn dắt Iran, chiến lược gia người Bồ Đào Nha đã biến đội bóng này trở thành tập thể cực khó bị đánh bại.

Tầm hiểu biết về bóng đá Tây Ban Nha của Queiroz đã giúp Iran khống chế hoàn toàn sức mạnh của đối thủ, và Bồ Đào Nha rất có nguy cơ lâm vào tình cảnh tương tự khi Queiroz thậm chí hiểu tường tận nền bóng đá nước này hơn cả Tây Ban Nha. Từng đào tạo nên Ronaldo, "thuyền trưởng" của Iran sẽ biết cách phong tỏa sức mạnh của chân sút số 1 bên phía Bồ Đào Nha.

Bo Dao Nha Maroc Ronaldo (3)

Iran sẽ mang đến trải nghiệm rất khác cho Ronaldo. (Ảnh: Getty Images)

Thêm nữa, sức mạnh của Bồ Đào Nha chỉ được "phát tiết" khi đội bóng này được chơi phòng ngự - phản công theo đúng sở trường. Đội bóng của HLV Santos đá hay trước Tây Ban Nha - đối thủ chơi với hàng thủ dâng cao và Morocco - đội sở hữu hàng thủ tương đối... ngờ nghệch. Nhưng Iran sẽ mang đến trải nghiệm rất khác với hàng thủ kiên cố và trung thành tuyệt đối với nhiệm vụ được giao.

Bồ Đào Nha không giỏi (nếu không muốn nói là kém) trong việc khoan thủng những hàng thủ kiểu này. Ronaldo cùng các đồng đội từng bất lực tới... "phát khóc" khi đương đầu với sự sắt đá và thực dụng của Iceland, Áo, Ba Lan (EURO 2016), Mỹ (World Cup 2014) hay Thụy Sĩ (vòng loại World Cup 2018). Những đội bóng mà Bồ Đào Nha đánh bại để vô địch châu Âu đều là những đối thủ thiên về tấn công như Croatia, Xứ Wales hay Pháp.

Sau cùng, Bồ Đào Nha chỉ thắng đúng 1 lần trong 8 trận vòng bảng gần nhất ở World Cup và EURO - chính là chiến thắng may mắn trước Morocco tối qua. "Brazil châu Âu" vẫn tiến về phía trước trên đôi chân của Ronaldo cùng nền tảng chắc chắn được HLV Santos xây dựng, nhưng đội bóng này không phải không có vấn đề. Trận đấu với Iran sẽ là thử thách "dễ mà khó", đặt Bồ Đào Nha vào thử thách cân não ở vòng bảng trong lượt trận cuối cùng.

Mà ở 2 kỳ World Cup và EURO gần nhất, chưa khi nào Bồ Đào Nha thắng được trong những trận vòng bảng buộc phải thắng như vậy.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn