Khi EURO 2024 khởi tranh sau đây 3 năm, Cristiano Ronaldo sẽ tròn 39 tuổi. Siêu sao người Bồ Đào Nha là biểu tượng "trường sinh" trong thể thao, nhưng đá một giải lớn, chơi với cường độ lớn ở độ tuổi tứ tuần là điều không tưởng.
Ronaldo hiểu rõ điều này. Bước vào vòng knock-out, trận đấu nào của Bồ Đào Nha cũng có thể trở thành trận cuối cùng của CR7 ở EURO. Ronaldo đã cháy hết mình, nhưng anh không thể cứu vớt con tàu đắm.
Ronaldo bất lực
Hành động ném băng đội trưởng không thể chấp nhận trong mọi hoàn cảnh, nhất là với ngôi sao mà từng khoảnh khắc trên màn ảnh được định giá hàng nghìn USD như Ronaldo.
Đẳng cấp của một ngôi sao được thể hiện trong lúc thất bại. Lúc thắng, ai cũng có thể hành xử đẹp. Chỉ khi thua, bản chất con người mới lộ rõ. Tuy nhiên, nếu xem hành động của Ronaldo trên góc nhìn thuần túy cảm xúc, dễ hiểu vì sao tiền đạo 36 tuổi ức chế.
Ronaldo chơi rất nỗ lực. Anh đứng đầu tập thể Bồ Đào Nha trên bốn chỉ số thống kê: thắng không chiến (5 lần), qua người thành công (4 lần), dứt điểm (4 lần), tạo cơ hội dứt điểm (3 lần).
Trong trận đấu quan trọng nhất giải, Ronaldo đã thay đổi cách chơi. Anh không còn "đóng đinh" trong vòng cấm như thói quen. Trong hiệp 1, Bồ Đào Nha phản công với đội hình lùi sâu, nên Ronaldo chơi ở thế quay lưng, đối đầu với 3 trung vệ kỳ cựu của Bỉ trong mỗi lần cầm bóng.
Sang hiệp 2, Bồ Đào Nha ép sân. Ronaldo di chuyển rộng để kéo bóng, dạt biên mở khoảng trống cho đồng đội, đóng vai trò "chim mồi" nhằm giải phóng không gian cho Diogo Jota, Joao Felix băng lên. Chỉ 1/6 số cú sút của Bồ Đào Nha ở trận này (4 trong số 24) thuộc về Ronaldo. Anh sút ít hơn, nhưng đảm đương khối lượng công việc nặng nề hơn.
Ở trận giao hữu với Tây Ban Nha, CR7 từng thực hiện pha bứt tốc cứu đường chuyền hỏng của đồng đội trong tiếng vỗ tay phấn khích của khán giả. Ronaldo nỗ lực, dù đó là trận giao hữu.
Video: Ronaldo ghi bàn vào lưới Đức
Để sút tung lưới Đức ở vòng bảng, Ronaldo cũng chạy tới 100m trong khoảng thời gian 15 giây. Anh đánh đầu phá bóng để phát động đường phản công, rồi tự mình kết thúc tình huống.
Nhưng bất chấp thay đổi của ngôi sao số 1, Bồ Đào Nha vẫn thua. Theo ký giả Rob Dawson của ESPN, đội bóng của HLV Fernando Santos duy trì cách chơi phòng ngự có phần thận trọng và thụ động, dù sở hữu lực lượng tấn công đẳng cấp hơn nhiều so với 5 năm trước.
Bồ Đào Nha tạo ra 23 cơ hội, gấp bốn lần Bỉ, điều đó cho thấy tiềm lực tấn công của Bồ Đào Nha rất tốt. Các học trò của Santos có thể mạnh dạn cầm bóng, thay vì chỉ chờ đợi Ronaldo.
"Bồ Đào Nha bị ám ảnh bởi 6 bàn thua phải nhận trước Đức và Pháp, nên họ muốn giữ sạch lưới trước. Bồ Đào Nha chơi tốt hơn trong cả trận, nhưng Bỉ vẫn thắng nhờ tận dụng tốt sai lầm", Sami Khedira phân tích.
Tất nhiên, HLV Santos được trả lương để chiến thắng. Ông không có nghĩa vụ chiều lòng Ronaldo. Dù vậy, hoang phí tiềm năng của những cầu thủ đang có là con đường ngắn nhất dẫn triều đại của Santos ở Bồ Đào Nha đến giai đoạn tự diệt.
Cái bóng của Ronaldo
Ở tuổi 36, Ronaldo vẫn rất hấp dẫn, cả về chuyên môn lẫn thương hiệu. Chỉ với hành động di chuyển chai Coca-Cola, Ronaldo đã khiến cả thế giới nhắc đến tên mình với gần 200 triệu kết quả tìm kiếm trên Google.
Ronaldo chưa hết thời. Anh đã cho Chủ tịch Andrea Agnelli của Juventus thấy được sức hút của một ngôi sao thể thao thực thụ, xứng đáng với mức lương 30 triệu euro sau thuế nhận được ở thành Turin.
Nhưng, câu chuyện của Ronaldo ở Bồ Đào Nha cũng giống Lionel Messi ở Argentina. Một ngôi sao kiệt xuất có thể kéo tập thể đi lên, song tầm ảnh hưởng quá lớn của cầu thủ này có thể lấn át phần còn lại.
Theo ký giả Mark Ogden của ESPN, Ronaldo đã phủ bóng che mờ Bruno Fernandes - cầu thủ tấn công xuất sắc nhất Manchester United, nhưng là con số 0 ở Bồ Đào Nha.
"Bruno không có quyền thể hiện cảm xúc như khi cáu gắt, bất mãn với đồng đội, bởi anh ấy không thể làm phật ý Ronaldo. Nếu Ronaldo còn ở đấy, Bruno đừng hy vọng có quyền sút phạt đền hay sút phạt gián tiếp, bởi đó là đặc quyền của CR7", Ogden nhấn mạnh.
Lần gần nhất "đội bóng một người" tạo tiếng vang ở các giải lớn là trường hợp của Pháp năm 2006. Một mình Zinedine Zidane đã kéo Pháp vào chung kết World Cup, dù sau đó chính anh trở thành tội đồ với cú húc đầu tai tiếng với Marco Materazzi.
Sự thống trị của Tây Ban Nha (giai đoạn 2008-2012), Đức (2014), Pháp (2018) cho thấy một tập thể tốt vẫn đáng tin hơn là một cá nhân giỏi.
Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016, nhưng dấu ấn cá nhân của Ronaldo ở giải này là không ấn tượng. Xét về đóng góp, CR7 chưa chắc nổi trội hơn Renato Sanches, Nani hay Ricardo Quaresma. Giải cứu Bồ Đào Nha ở chung kết cũng là Eder - một người hùng vô danh. Bồ Đào Nha phi thường khi Ronaldo bình thường, và ngược lại.
Một Ronaldo phi thường, đang trên đường phá kỷ lục ghi bàn của huyền thoại Ali Daei dường như lại khiến Bồ Đào Nha tầm thường hơn, dù anh đã nỗ lực và không có lỗi trong thất bại.
Đôi khi bóng đá, đó còn là câu chuyện của cái duyên. Duyên vô địch giữa Ronaldo và Bồ Đào Nha có lẽ đã chấm hết từ năm 2016 rồi.
Bình luận