Cuộc sống của những người bám trụ tại "rốn lũ" Nam Phương Tiến trong những ngày ngập sâu.
Gần 7h, bà Lý Thị Hồng (67 tuổi), cư dân thôn Nam Hải, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chèo chiếc thuyền tự chế từ lốp ô tô để đi tìm đàn vịt vừa sổng chuồng. Đến 10h, bà vẫn chưa thể tìm thấy chúng giữa biển nước mênh mông. May thay, 3 con bò và đàn gà độ chục con vẫn an toàn trong nhà sau 5 ngày ngập lụt.
"Đứt ruột" nhìn 40-50 con gà chết mỗi ngày
“Nhà tôi có 6 người, các con đã di tản hết từ ngày đầu lụt, chỉ còn mình tôi ở lại chăm sóc cho con bò, đàn gà, đàn vịt. Đêm qua cái chuồng vịt vẫn còn ở trong sân, sáng nay ra đã không thấy còn thấy đâu nữa rồi”, bà Hồng cho biết.
Như những người dân khác ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, bà Hồng phải chịu cảnh cuộc sống đảo lộn, thất thoát tài sản sau khi hồ Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy. Ba thôn Nam Hải, Nhân Lý, Hạnh Bồ ngập rất sâu, có điểm lên tới 3m. Nơi đây trở thành “rốn lũ” của Hà Nội. Đợt lụt này được đánh giá là gây thiệt hại nặng nề nhất kể từ trận lụt lịch sử năm 2018.
Cùng với vợ, ông Nguyễn Văn Hòa (59 tuổi) ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến cắt bỏ giàn mướp đang cho thu hoạch của mình. Phía dưới giàn, các loại rau xanh được trồng để tận dụng quỹ đất như mồng tơi, khoai lang, rau dền đều đã hỏng. Mấy cây đu đủ vốn cao khoảng 3m nay chỉ nhô phần ngọn lên khỏi mặt nước, những chiếc lá héo rũ xuống ôm lấy đàn quả non xanh lúc lỉu không còn cơ hội lớn thêm. Ngâm quá lâu trong nước, những cây này khó sống nổi.
“Thế là mất hết rồi. Nay tôi cắt đi tất, không thì mấy bữa nữa nó lại thối hết cả ra”, ông Hòa vừa dọn giàn mướp vừa buồn rầu nói.
Nhưng thiệt hại nặng nhất của gia đình ông vẫn là về gia cầm. Đàn gà gần nghìn con được nhốt trong chuồng nổi làm bằng phao tự chế. Không gian vừa chật hẹp vừa ẩm ướt khiến chúng ốm chết như ngả rạ, mỗi ngày chết đến 40 - 50 con. Những con đang kỳ sinh sản cũng ngừng đẻ trứng. Nhẩm tính số tiền tổn thất, mặt ông Hòa thần ra vì xót ruột.
"Mỗi ngày, tôi đều phải ra dọn xác những con gà chết, đau lòng vô cùng", ông nói, giọng như kiệt sức.
Theo thống kê sơ bộ, huyện Chương Mỹ có 24 thôn, xóm bị ngập, với 1.343 hộ ngập sâu từ 0,5-2m; 1.501 hộ bị ngập lối đi. Diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% là 715 ha; thiệt hại từ 30-70% là 444 ha. Diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 242 ha; thiệt hại từ 30-70% là 86 ha. Xã Nam Phương Tiến là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Để giảm tổn thất được chừng nào hay chừng đó, khi thấy nước lụt dâng lên, nhiều hộ nông dân vội đem gia cầm, gia súc, chó mèo gửi đến những nhà có địa thế cao hơn. Nhà bà Nguyễn Thị Sáu (55 tuổi) ở thôn Nam Hải, ngay sát thôn Hạnh Bồ, cũng là nơi giữ hộ vật nuôi cho gia đình hàng xóm.
“Mới hôm qua có nhà đi di tản gửi đàn vịt ở chỗ tôi đây này. Gia đình tôi chuyên nuôi chim, nay đưa hết vào nhà rồi nên cũng chật chội”, bà Sáu chia sẻ. Nhà bà xây cao hơn mặt đường nửa mét nhưng nước vẫn tràn vào.
Khu chuồng trại xây cao hơn 1,5m nên vẫn an toàn, nhờ thế các gia đình khác có nơi gửi gắm. Khu nhốt gia cầm chỉ rộng khoảng 80m2 nên nhanh chóng được lấp đầy bởi lũ chim, gà, vịt... Chuồng bò bên cạnh có khoảng 5, 6 con. Mùi phân động vật cùng mùi ẩm ướt bốc lên xộc sâu vào mũi mọi người.
Bà Nguyễn Thị Sáu và chồng chăm lo cho những gia cầm, gia súc mà hàng xóm gửi đến. (Ảnh: Đức Anh)
Không tìm được nhà nào để gửi, nhiều nông dân trước khi di tản đã đem đàn gia cầm của mình thả vào những khu vực công cộng có nền cao hơn mặt đường như nhà văn hóa rồi quây rào chắn lại. Mỗi ngày, họ đi thuyền vào cho ăn một lần, còn thì đành phó mặc chúng tự sinh tự diệt.
Những nhà có bò, chó chết vì nước lụt cũng vội vã đem ra chỗ đỡ ngập để khẩn trương làm thịt, vừa tận dụng nguồn thực phẩm vừa tránh để chúng ngâm nước và phân hủy, bốc mùi hôi thối.
Nhiều đàn gia cầm được thả lên chỗ đỡ ngập, thỉnh thoảng chủ mới ghé qua.
Đã trải qua không ít lần lụt lội, nhiều gia đình kịp chuyển đồ đạc giá trị lên những nơi cao hơn. Tuy nhiên, đôi khi những món đồ giá trị lớn vẫn bị bỏ lại do quá nặng, không kịp sơ tán, như ô tô, xe máy.
Sống "cách ly" ở nơi không điện, không nước sạch
Những ngày xã Nam Phương Tiến trở thành rốn lũ, người dân ở những điểm ngập sâu có 2 sự lựa chọn. Một là di tản đến nhà người quen, hay thuê phòng nghỉ ở nơi cao. Hai là sống trong cảnh không điện, không nước do tất cả đều đã bị cắt. Dù chính quyền khuyến khích di tản, nhiều người không tìm được điểm phù hợp để đi, hoặc vì có nhà cao tầng nên vẫn cố trụ lại.
Những hộ gia đình ở vùng ngập nông hơn có thể dùng thuyền nhỏ của gia đình để di chuyển đến chỗ khô thoáng. Ở vùng này, hầu như gia đình nào cũng trang bị sẵn một chiếc thuyền, một chiếc bếp củi, bếp than để phòng lụt. Những ngày sống trong biển nước, người dân chỉ chèo thuyền đi ra ngoài khi thực sự cần thiết và hầu như không ra khỏi nhà khi tối trời.
Cả xã Nam Phương Tiến chỉ có 3 chiếc thuyền máy và 1 chiếc xe công nông cải tạo có thể đi vào vùng nước sâu, vì thế chúng phải hoạt động tối đa. Mỗi ngày, từ 6h đến 22h, anh Nguyễn Văn Tấn (36 tuổi), chủ nhân của một trong 3 chiếc thuyền máy, phải đi 20 chuyến để chở những người khách từ vùng ngập sâu ra mặt đường cao, để họ đi mua thực phẩm và sạc điện thoại, sau đó đón họ về nhà.
Mỗi chuyến anh chở được tối đa 4 người, số hàng cũng rất hạn chế. Vì thế dù rất thiếu nước sạch, mỗi khách chỉ có thể mang về một bình nước 20 lít cùng vài nhu yếu phẩm khác. Họ hy vọng nước sẽ sớm rút, gia đình cố gắng dùng tiết kiệm là có thể cầm cự qua ngày.
Trong 5 ngày qua, ông Nguyễn Văn Quang (56 tuổi, ở thôn Hạnh Bồ) cùng vợ và 2 người cháu chỉ dùng hết một bình nước 20 lít và 1 thùng mỳ tôm, đến hôm 30/7 mới đi thuyền ra ngoài mua thêm nhu yếu phẩm.
Cũng như các gia đình khác trong thôn, với nhà ông Quang, những sinh hoạt thiết yếu như tắm giặt nay đều là điều không ai nghĩ đến, vì chút nước ít ỏi chỉ đủ dùng để uống, nấu mỳ và lau người qua loa. Quần áo thay ra cứ để vậy.
Không có điện, vào ban đêm, anh Vũ Đình Nghì (48 tuổi, thôn Hạnh Bồ) soi sáng bằng đèn pin, nấu mỳ bằng bếp than tổ ong trên căn gác lửng. Ngôi nhà cấp 4 của anh ngập đến 2/3, nước gần chạm đến gác lửng. Vì không có thuyền, anh không thể đi đâu. Hàng xóm giúp đỡ bằng cách mang đồ ăn nước uống cho anh qua ô cửa sổ nhỏ áp mái.
Giữa cảnh nước ngập mênh mông, trong thôn vẫn có một hàng tạp hóa mở cửa, ngoài cửa có 3 thân cây chuối để khách đến neo đậu thuyền. Mỗi lần có người đến, bà chủ Phùng Thị Sinh (42 tuổi) bì bõm lội nước đi ra. Tuy nhiên, những mặt hàng bán chạy nhất như nước sạch, nước ngọt thì đã hết từ lâu, trong cửa hàng chỉ còn chút lương khô, mỳ tôm và vài đồ ăn vặt khác.
Chị Sinh là người duy nhất trong gia đình 6 người còn ở lại thôn để trông quán và bán hàng. Chồng chị đã đưa mẹ già và 3 con di tản từ mấy ngày trước. Chị khoe mình rất may vì kịp cứu những món đồ quý.
“Trong nhà giá trị nhất là 5 cái tủ lạnh thì đã kịp kê lên trước khi nước vào nhà. May lắm đấy, nước vào ngập rất nhanh, tôi phải nhờ hàng xóm sang cùng bê lên, không thì cũng hỏng hết”, chị Sinh cho biết.
Trong những người không di tản có những người bám trụ vì công tác, như cô giáo Nguyễn Thị Xuyên (50 tuổi), Trường mầm non Nam Phương Tiến. Mỗi sáng vào lúc 8h, cô lại chèo thuyền đến trường để kiểm tra tình hình trường, đo đạc mực nước.
Cô cho biết trường dự kiến đón học sinh trở lại vào ngày 1/8, nhưng với tình hình ngập lụt hiện nay, kế hoạch này gần như chắc chắn không thể thực hiện.
Con đường bê tông trắng chạy xuyên cánh đồng dẫn đến Trường mầm non Nam Phương Tiến hiện nay không còn dấu vết vì đã chìm giữa mênh mông nước. Cổng trường ngập đến hơn nửa.
Với kinh nghiệm trải qua lũ lụt nhiều năm và sự cố ở một số công trình thủy lợi hiện tại (vỡ vai đập, đê đôi chỗ sạt lở), nhiều người ước tính, phải mất khoảng 20 ngày nước mới rút hết để có thể vệ sinh hoàn toàn nhà cửa, trường lớp, thực sự trở lại cuộc sống bình thường.
Nghĩ đến học sinh, cô Xuyên bần thần: "Sắp đến năm học mới mà trường ngập đến mức này thì không biết bao giờ các con mới đi học được. Như mọi năm thì nước rút nhanh, với mức nước này chỉ mất 2 tuần, nhưng giờ đê vẫn chỉ tràn lên thôi nên mức nước rút rất là chậm. Hy vọng nước rút sớm để các con còn đến trường".
Bình luận