Vào ngày 26/1/1972, Vesna Vulovic, nữ tiếp viên 22 tuổi, bay từ Stockholm đến Beograd trên chiếc máy bay McDonnell Douglas DC-9-32 của hãng hàng không Nam Tư (JAT). Khi máy bay bay qua Hermsdorf của Đức, nó biến mất khỏi radar. 46 phút sau khi khởi hành, chiếc máy bay phát nổ trên không trung. Người ta cho rằng quả bom được mang lên máy bay bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc Croatia-Ustashe. Các mảnh vỡ rơi xuống gần làng Srbska Kamenice ở Tiệp Khắc.
Trong số 28 người có mặt trên chuyến bay, chỉ có Vulovic sống sót. Cô bị nứt xương sọ, gãy ba đốt sống, hai chân, khung xương chậu, hôn mê trong vài ngày. Nhưng sau đó cô bất ngờ tỉnh lại và việc đầu tiên là xin thuốc lá. Điều thú vị là, do nhầm lẫn của hãng hàng không, cô gái đã lên chuyến bay thay cho vị trí của một tiếp viên khác có cùng tên (Vesna Nikolic). Vào thời điểm gặp nạn, nữ tiếp viên này vẫn chưa tốt nghiệp và chỉ có mặt trong phi hành đoàn với vai trò là một thực tập sinh.
Điều gì đã cứu Vulovic, người đã có 3 phút rơi tự do? Cô được cho là sống sót nhờ mắc kẹt trong ống xả hình nón ở đuôi mát bay, vì vậy mà không bị cuốn ra ngoài khi máy bay phát nổ. Ngoài ra, những cành thông và một lớp tuyết dày cũng làm giảm lực va chạm và lực tác động khi chiếc máy bay lăn xuống triền núi.
Một người đi rừng đã nghe thấy tiếng kêu cứu của cô. Đó là Bruno Henke, người từng là bác sĩ trong quân đội Đức quốc xã giai đoạn Thế chiến II. Ông đã sơ cứu, giúp cô gái cầm cự cho đến khi được chăm sóc y tế.
Vulovic đã trải qua 10 tháng với tình trạng liệt phần dưới cơ thể (từ thắt lưng đến chân). Sau đó, cô được điều trị thêm 6 tháng nữa, rồi hồi phục và thậm chí còn yêu cầu được tiếp tục bay trên các chuyến bay của JAT. Nhưng JAT đã từ chối và thay vào đó bố trí cho Vulovic một công việc bàn giấy tại văn phòng của hãng.
Tâm lý không sợ hãi đó được giải thích bởi thực tế là Vesna Vulovic không hề nhớ gì về vụ tai nạn cũng như làm sao bà được cứu sống. Trong cuộc phỏng vấn năm 2008, bà thừa nhận rằng mình chỉ nhớ lúc chào đón hành khách khi máy bay cất cánh từ sân bay Copenhagen, và sau đó là lúc tỉnh dậy trong bệnh viện và nhìn thấy mẹ mình.
Vulovic bỗng chốc trở thành người hùng của đất nước: cô được Tổng thống Josip Broz Tito tiếp đón – điều thời đó được coi là vinh dự lớn cho một công dân Nam Tư. Họ viết những bài hát về người phụ nữ này và mời cô đến những chương trình truyền hình nổi tiếng nhất. Cái tên Vesna thậm chí còn được nhiều bà mẹ đặt cho con của mình vì nghĩ rằng, điều này sẽ đem lại may mắn.
Vesa Vulovic đã sử dụng danh tiếng của mình cho các mục đích chính trị: cô phản đối chính quyền của Slobodan Milosevic, và sau đó vận động cho một trong các đảng trong cuộc bầu cử.
Đỉnh cao sự nổi tiếng quốc tế của Vulovic là vào năm 1985, khi bà được mời đến London để ghi danh vào Sách kỷ lục Guinness. Ở đó, Vulovic nhận danh hiệu là người sống sót sau cú rơi mà không cần dù từ độ cao cao nhất. Giải thưởng được trao cho người phụ nữ bởi nhạc sĩ Paul MacCartney, một thần tượng của bà.
Vesna nói rằng, bà “sống sót” cũng giống như những người dân Serbia khác: “Chúng tôi, những người dân Serbia, đều thực sự sống sót. Chúng tôi sống sót qua chiến tranh, nghèo đói, cuộc ném bom NATO, các lệnh trừng phạt và Milosevic. Chúng tôi chỉ muốn một cuộc sống bình thường”.
Vào ngày 23/12/2016, Vesna Vulovic được phát hiện đã chết tại nhà riêng ở Beograd: cảnh sát tiến hành mở căn hộ của người phụ nữ theo yêu cầu của người thân, những người báo rằng bà không trả lời các cuộc gọi. Nguyên nhân cái chết vẫn chưa được xác định, nhưng, theo người thân của Vulovic, sức khỏe của bà trong giai đoạn này đã giảm sút nghiêm trọng.
Bình luận