“Cháu muốn trở thành lính cứu hỏa để giúp đỡ người khác”, Mukhlis Abdul Holik (tên thân mật là Adul), cậu bé 8 tuổi người Indonesia, nói bằng giọng khàn khàn vì cổ họng bị tật bẩm sinh.
Dù biết hành trình thực hiện ước mơ rất khó, Adul vẫn lặng lẽ nỗ lực dùng đôi tay bò 3 km đi học mỗi ngày.
Đôi tay đi dép đến trường mỗi ngày
Tháng 4/2010, vợ chồng Dadan Hamdani và Pipin ở thành phố Sukabumi, tỉnh West Java, đón đứa con thứ tư. Không may mắn, Adul chào đời với đôi chân khuyết tật.
Sau 8 năm, cậu bé chỉ cao đến eo bạn cùng lớp và đi lại rất khó khăn. Để từng bước tự chăm lo cho bản thân, em học cách di chuyển trên đôi tay có phần gầy gò, yếu ớt hơn bạn cùng lứa.
Đó là cách em đến trường 3 năm nay - dùng tay và chân bò qua chặng đường núi dốc, gập ghềnh để đến trường, tiến gần hơn với ước mơ. Nhà nằm trên đồi, hàng ngày, em phải bò lên, xuống để vượt quãng đường 3km không hề bằng phẳng. Tính cả đi, về, em phải bò qua 6 km đường núi.
Thực ra, khoảng cách giữa nhà Adul và trường học dài đến 5km. Nhưng thấy cậu bé đi lại khó khăn, Hiệu trưởng trường Trung học Al Bayan cho phép em đi tắt qua trường mỗi lần đến lớp hay khi tan học về nhà.
Hàng ngày, Adul vẫn theo mẹ và anh trai (11 tuổi, đang học lớp 6), tự mình vượt qua quãng đường núi đó. Bằng đôi tay của mình, em leo lên, xuống các con dốc, vượt qua cây cầu tre nhỏ mà không cần mẹ hay anh phải bế hay dìu.
Hành trang đến trường của cậu bé 8 tuổi là ba lô cặp sách mang trên lưng và hai đôi dép, một ở chân, một ở tay để bảo vệ khỏi đá làm xây xát hay sức nóng từ mặt đường.
Nếu nhà không nghèo, con đường đi học của Mukhlis Abdul Holik sẽ không vất vả đến thế. Nếu họ không cần phải sống cảnh ăn bữa nay, lo bữa mai, vợ chồng chị Pipin đã cố gắng dành dụm lấy 7.000 rp mỗi ngày để bắt xe ôm cho con, cậu bé đã không phải bò trên đường.
“Không có tiền, thằng bé đành chịu khó bò đi bò về. Đường khó như thế, nhưng nó chưa bao giờ kêu ca một lời. Nắng hay mưa, Adul vẫn đều đặn tới trường”, người mẹ nghèo kể.
Đường núi vốn không dễ đi, vào ngày mưa, hành trình đến lớp của cậu bé khuyết tật càng thêm gian nan, nguy hiểm. Những con dốc trơn trượt khiến em khó lê đôi tay và có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.
Ước mơ vào đại học, làm lính cứu hỏa
Bất chấp chặng đường tới lớp quá khó khăn, Adul luôn nỗ lực học hành để đạt kết quả tốt nhất. Em luôn là một trong những người có thành tích học tập cao nhất lớp. Hồi lớp 1, em thậm chí lọt vào top 5.
Euis Hodijah, giáo viên của em, không tiếc lời khen ngợi cậu học trò nhỏ. Cô cho biết dù thiệt thòi hơn các bạn, Adul không bao giờ cảm thấy tự ti. Bỏ qua những cách biệt về thân thể cũng như hoàn cảnh gia đình, Adul luôn hòa đồng, chơi vui vẻ với bạn cùng lớp.
Em tin tưởng những nỗ lực của bản thân sẽ giúp em, một ngày nào đó, thực hiện được giấc mơ. Cậu bé 8 tuổi cũng không ngần ngại chia sẻ khát vọng về tương lai.
Em mong muốn trở thành lính cứu hỏa để giúp đỡ người khác lúc nguy nan, khốn khó. Adul cũng mong ước được làm bác sĩ để trợ giúp những người xung quanh vượt qua đau đớn, bệnh tật. Nam sinh còn đặt ước mơ thành phi hành gia.
Hành trình đến trường của Mukhlis Abdul Holik trở thành đề tài của báo chí Indonesia. Những nỗ lực đáng quý ấy giúp cậu bé nghèo trở thành hiện tượng mạng tại đất nước 260 triệu dân.
Không chỉ giới hạn ở những truyền thông trong nước, câu chuyện của Mukhlis Abdul Holik còn xuất hiện trên báo chí nước ngoài, truyền cảm hứng cho hàng triệu người.
Đầu tháng 12, nghị lực sống phi thường mang lại cho Adul cơ hội gặp gỡ Tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo. Buổi nói chuyện đơn giản với lời tâm sự chân chất của em khiến tổng thống rất ngạc nhiên và xúc động.
“Lúc hỏi cậu bé có cần tôi giúp gì không, tôi đã nghĩ Adul sẽ muốn tôi tặng một món quà. Nhưng cậu bé không đòi gì, chỉ nói mình muốn vào đại học”, ông Widodo nói.
Bình luận