• Zalo

Rơi nước mắt gia cảnh hai vợ một chồng

Thời sựChủ Nhật, 17/08/2014 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Một câu chuyện hy hữu ở xứ Nghệ khi vợ tìm mọi cách cưới vợ hai cho chồng, đằng sau nó là cả câu chuyện buồn của gia đình sống bằng nghề biển.

(VTC News) - Một câu chuyện hy hữu ở xứ Nghệ khi vợ tìm mọi cách cưới vợ hai cho chồng, đằng sau nó là cả câu chuyện buồn của gia đình sống bằng nghề biển.

Từ xưa đến nay, chuyện vợ chết chồng đi bước nữa là không có gì phải bàn, nhưng ở xóm Thành Công, xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) lại có một trường hợp độc nhất vô nhị ở xứ Nghệ, hai người phụ nữ lấy chung một chồng và sống chung dưới một mái nhà.

Hai người con trai mất trong một ngày

Một ngày đầu tháng 8, phóng viên VTC News tìm về xóm Thành Công, dừng xe đầu làng, chỉ cần hỏi nhà hai bà vợ chung chồng thì đến đứa trẻ cũng nằm lòng. Không khó để chúng tôi tìm đến được ngôi nhà 3 gian mới hoàn thiện, nằm sâu sau những con đường ngoằn ngoèo, bụi bặm.
Ngôi nhà nơi hai bà vợ chung chồng ở, nó được xây dựng bằng tiền bán một nửa đất ngay trước nhà 
Sau một vài câu chuyện xã giao, biết được hai người đàn bà chung chồng này là Nguyễn Thị Hợp (75 tuổi) và Trần Thị Trinh (46 tuổi). Bà Trinh có một con trai năm nay lên lớp 9, còn bà Hợp có 6 người con nhưng mất 3 còn 3.

Nhắc về cái chết của 3 người con, bà Hợp nghẹn ngào nước mắt: cô con gái đầu mất do bệnh tật đã đành, nhà có hai đứa con trai Tô Thái Bình (SN 1970) và Tô Văn Phú (SN 1975) thì cả hai chết trong một lần đi biển.

Lúc đó vào thời điểm tháng 8/1995, hai người con trai của bà và hai người nữa trong làng cùng nhau ra khơi đánh bắt cá. Do thuyền nhỏ, mọi người chỉ đánh bắt được gần bờ, khi đang quăng lưới thì chiếc thuyền gặp sự cố do sóng biển đánh vào. Chiếc thuyền chìm dần, trong phút chốc cả 4 ngâm mình trong nước, 2 người kia biết bơi may mắt thoát nạn. Riêng anh Phú không biết bơi cũng khiến người anh trai kiệt sức chết theo.

"Tui nghe 2 đứa trong làng trở về nói lại, thuyền gặp nạn do trời động, sóng lớn. Đến biết bơi như họ phải vật lộn mới sống được. Còn thằng Phú mới đi nghĩa vụ về liền theo anh đi biển, có biết bơi gì đâu. Anh em nó ôm nhau, thằng em thì bảo anh thả ra nếu không chết cả hai. Thằng anh thì giữ lấy em, bảo anh phải đưa em vào. Rồi thằng anh cũng kiệt sức mà chết, ngày tìm thấy xác hai anh em nó còn tư thế ôm chặt lấy nhau..." - bà Hợp không cầm được nước mắt.

Ngày hai người con trai mất, di ảnh cũng không có để thờ do cả hai anh em chưa kịp chụp một tấm kỷ niệm, một phần cũng bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mấy năm sau, bà Hợp mới nhờ thợ vẽ được một chiếc ảnh chân dung người anh theo mô phỏng của bà.

Cũng kể từ ngày 2 người con trai mất đi, ông Tô Văn Quỵnh (chồng bà Hợp, nhiều hơn vợ 3 tuổi) buồn chán, là trưởng tộc, được hai người con trai nay không còn ai, vợ lúc này cũng 60 tuổi không còn khả năng sinh đẻ. Bà Hợp cũng không chịu ăn uống vì xót thương con, thương chồng, người ngày một xanh xao.

Muốn có con nối dõi, lấy vợ hai cho chồng

Thấy chồng đau buồn, bà Hợp động viên chồng lấy thêm người nữa để kiếm đứa con trai nối dõi, 3 người con gái cũng đồng tình khuyên bố đi lấy thêm vợ nhưng ông nhất quyết không chịu.

"Chị em bàn với bố, con gái lấy chồng rồi biết sau này có chăm sóc được bố mẹ hay không, bố lấy thêm dì kiếm đứa con, được con trai thì tốt, còn lo cho bố mẹ sau này. Nói mấy bố cũng gạt đi, nhất quyết một hai chỉ ở với mẹ. Sau mẹ con bàn nhau đi lấy vợ về cho bố" - chị Tô Thị Yên (38 tuổi, con gái út bà Hợp) trao đổi.

Một thời gian tìm hiểu, mẹ con cũng hỏi cho ông Quynh được một người phụ nữ mới gần 35 tuổi ở gần làng, về sống cảnh hai bà một ông. Thời gian sau bà hai sinh hạ được một bé trai, những người có tuổi trong họ tộc đặt tên Tô Huy Ước.
Bà Hợp (bên phải) và bà Trinh sống chung trong một nhà, họ thương yêu và đùm bọc nhau, cùng lo lắng chăm sóc cho cháu Ước 
Khổ nỗi, tính tình chậm chạm nên ngày bà hai sinh hạ ra cậu con trai cả nhà vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ông Quynh và bà Hợp tinh thần đã phấn chấn hẳn lên. Còn lo vì bà hai không biết xử trí lúc con đau ốm, đến đi viện chị em trong nhà cũng phải xoay xở bồng đi.

Một thời gian sau, ông Quynh cũng phát hiện mình bị căn bệnh ung thư quái ác. Ông qua đời để lại hai người vợ góa và đứa con nhỏ, cuộc sống tạm bợ qua ngày bằng những thứ cây trái trong vườn.

Có lẽ thấu hiểu được sự quan tâm của bà Hợp và các chị, Ước lớn lên được mọi người trong làng khen ngoan ngoãn và thương cả mẹ đẻ lẫn mẹ cả. Có lần bà Hợp chuẩn bị nón và cuốc ra vườn làm rau, cậu mang đem giấu đi, sau mới biết lý do là cậu lo cho sức khỏe của mẹ đã cao.

Năm rồi, Tô Huy Ước học hết lớp 8 và có giấy khen. Thế nhưng, cậu bé có ý định dừng việc học hành để theo anh rể ra khơi. Bắt đầu học hỏi để trở thành một người con của biển cả.

"Một người thì già, một người thì chậm, gia đình hộ nghèo cũng chỉ được hỗ trợ mỗi tháng 30 ngàn tiền điện. Tiền kiếm không ra, bây giờ Ước đòi nghỉ học theo chồng tôi đi biển. Tôi không cho, hai anh trai của tôi đã phải bỏ mạng ngoài biển rồi. Khó khăn lắm mới kiếm được cậu" - Chị Yên nghẹn lời, nước mắt lăn dài trên má.
Chị Yên không cầm được nước mắt khi kể lại chuyện Ước đòi bỏ học đi biển 
Gạt vội những dòng nước mắt, chị Yên chỉ tay về phía trước nhà nói: "Căn nhà cấp 4 chúng tôi mới xây là tiền bán một nửa lô đất, hoàn thiện hết 360 triệu, trong khi tiền bán đất chỉ được 290 triệu. Hiện gia đình vẫn nợ 70 triệu. Số tiền này hai chị em phải nhờ chồng giúp trả dần. Một chị nữa có vấn đề về thần kinh".

» Đớn đau những số phận mãi mãi thuộc về đại dương

Hồng Thắng
Bình luận
vtcnews.vn