• Zalo

Rời Nhà Trắng, ông Trump quay lại kinh doanh thế nào?

Doanh nhânThứ Hai, 09/11/2020 17:05:10 +07:00Google News

Công ty của ông Trump có thể tự do trong việc làm ăn khi ông rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, mọi chuyện còn phụ thuộc vào tham vọng chính trị của ông và gia đình.

Theo New York Times, ông Donald Trump từ lâu đã phàn nàn rằng việc làm tổng thống Mỹ khiến ông thiệt hại hàng tỷ USD. Hồ sơ thuế của ông cũng phản ánh rõ điều này. Trong khi đó, các con của ông Trump từng thừa nhận công ty gia đình Trump Organization đã bị bỏ qua hàng chục thương vụ tiềm năng trên khắp thế giới kể từ khi cha bước chân vào Nhà Trắng.

Sau khi đắc cử, Tổng thống Trump từ chối bán bớt cổ phần tại Trump Organization. Thay vào đó, ông thông qua một kế hoạch mà ông cho là loại bỏ được xung đột lợi ích. Công ty của ông cũng cam kết từ bỏ các giao dịch mới tại nước ngoài và thuê cố vấn đạo đức để sàng lọc nhiều dự án trong nước.

Phản ứng lại, đảng Dân chủ và nhiều người khác cho rằng các hạn chế trên chỉ là nửa vời. Họ cho rằng điều này không ngăn được tổng thống đương nhiệm biến các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và các bất động sản cá nhân thành món ăn lợi ích cho các nhà vận động hành lang, các nhà tài trợ và lãnh đạo doanh nghiệp.

Rời Nhà Trắng, ông Trump quay lại kinh doanh thế nào? - 1

Công ty gia đình của ông Trump trở thành đề tài cho các nhóm chỉ trích khi ông tham gia vào lĩnh vực chính trị. (Ảnh: The Washington Post)

Tự do làm ăn ở nước ngoài

Kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống, Trump Organization đã bị bỏ lại trong nhiều giao dịch khách sạn mới. Ý định xây dựng chuỗi khách sạn bình dân vào năm ngoái cũng phải tạm dừng. Báo cáo tài chính của Trump Organization trong nhiều năm gần đây cho thấy lợi nhuận thu về từ các tài sản tạo nguồn thu chính cho công ty đều đi ngang.

Năm ngoái, ông Trump tuyên bố việc trở thành tổng thống Mỹ đã lấy đi của ông 3-5 tỷ USD, nhưng không đưa ra bằng chứng.

Lệnh cấm đối với các giao dịch mới tại nước ngoài có lẽ là đòn giáng mạnh nhất. Trước khi đắc cử, tỷ phú New York đã để mắt đến việc mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc, cũng như tìm hiểu khả năng hợp tác mới ở Colombia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giờ đây, khi bị khước từ cơ hội lãnh đạo nước Mỹ thêm 4 năm nữa, ông Trump có thể quay lại sự nghiệp kinh doanh. Công ty của ông cũng thoải mái hơn để làm ăn ở thị trường nước ngoài khi không còn bị ràng buộc bởi các quy định tránh xung đột lợi ích của tổng thống đương nhiệm.

Dù vậy, sẽ có nhiều trở ngại đối với sự phục hồi của công ty này, như dịch Covid-19, cuộc chiến pháp lý và quan điểm chia rẽ sâu sắc của người Mỹ đối với vị tổng thống thứ 45.

Thêm vào đó, trong thế giới lệch chuẩn của Tổng thống Trump, một lựa chọn có thể xảy ra là ông sẽ tái tranh cử vào năm 2024. Điều đó nghĩa là Trump Organization vẫn nên dè chừng với những thương vụ bên ngoài Mỹ nếu không muốn tự tạo điểm yếu cho đối thủ chỉ trích.

Rời Nhà Trắng, ông Trump quay lại kinh doanh thế nào? - 2

Công ty ông Trump có thể tự do làm ăn tại nước ngoài khi ông không còn là tổng thống Mỹ. Ảnh: Business Insider.

Theo NYT, cách nhanh nhất để Trump Organization huy động vốn là tiếp cận các thỏa thuận quốc tế, cấp phép cho đối tác sử dụng thương hiệu "Trump" cho các dự án bất động sản như khách sạn hay chung cư.

Thương hiệu “Trump” là thành quả chính của ông trong nhiều năm với tư cách là một doanh nhân, và sẽ không ngạc nhiên khi tỷ phú bất động sản tận dụng sự nổi tiếng khác thường của mình để kiếm tiền.

Khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng vào đầu năm 2017, các lãnh đạo của Trump Organization cho biết công ty đã phải hủy bỏ hơn 20 thương vụ dùng thương hiệu “Trump” tại Trung Quốc, Israel và Nam Mỹ. Bốn năm sau, khi ông rời nhiệm sở, thương hiệu và uy tín của “Trump” càng được đánh giá cao.

Ngoài ra, các giao dịch dùng thương hiệu phần lớn không gây rủi ro đối với công ty, vì chúng không yêu cầu đầu tư vốn và thường mang lại từ 500.000 USD đến 1 triệu USD mỗi năm trong thời gian đầu. Con số này sẽ giảm sau khi dự án được sang tay khách hàng, trừ khi công ty thực hiện các thỏa thuận song phương để quản lý tài sản.

Rủi ro pháp lý và gánh nặng nợ nần

Dù có rời nhiệm sở, ông Trump vẫn phải đối mặt với thách thức pháp lý. Quốc hội có thể không còn tập trung vào các hoạt động kinh doanh của ông, nhưng các công tố viên ở New York vẫn sẽ tiếp tục điều tra.

Văn phòng công tố quận Manhattan đang điều tra ông Trump cũng như công ty gia đình ông về các nghi vấn sai phạm tài chính và thuế. Giới luật sư New York cũng đang tiến hành một cuộc điều tra dân sự riêng biệt về những nghi ngờ công ty tổng thống đã gian lận trong việc khai báo sai giá trị tài sản, nhằm giảm thuế hoặc vay nợ. Phía Trump Organization phủ nhận tất cả thông tin này.

Ở một diễn biến khác, ông Trump sẽ có thêm nhiều đối tác mới khi rời Nhà Trắng. Trong 4 năm qua, Bobby R. Burchfield, một luật sư ở Washington, từng là cố vấn cho Trump Organization. Công việc của ông là xem xét, sàng lọc các giao dịch và đối tác kinh doanh tiềm năng, nhằm tránh xung đột lợi ích cho tổng thống.

Trump Organization theo đó đã phải bỏ lỡ nhiều đối tác quan trọng. Nhưng giờ đây, sự giám sát kỹ lưỡng này không còn nữa, và công ty ông Trump sẽ được tự do trong việc lựa chọn mối làm ăn.

Dù vậy, với khoản nợ hơn 300 triệu USD sắp đáo hạn do cá nhân ông Trump đứng ra bảo lãnh, Trump Organization có thể sẽ sớm phải gác lại các thương vụ kinh doanh mới. Ngoài ra, một phán quyết bất lợi trong cuộc chiến kiểm toán với Sở Thuế vụ Mỹ có thể khiến ông mất hơn 100 triệu USD, NYT đưa tin hồi tháng 9.

Rời Nhà Trắng, ông Trump quay lại kinh doanh thế nào? - 3

Công ty nhà ông Trump đang đối mặt với khoản nợ hàng trăm triệu USD sắp đáo hạn, phần lớn đến từ ngân hàng Deutsche Bank (Đức). (Ảnh: Vanity Fair)

Một quốc gia phân cực và đại dịch kéo dài cũng có thể cản trở sự phục hồi của Trump Organization. Những tài sản sinh lợi nhất của ông nằm ở các thành trì của đảng Dân chủ, như New York và Chicago. Trong khi mảnh đất béo bở nhất của ông là khu nghỉ dưỡng kiêm sân golf Doral ở Florida, lại bị nhiều công ty và tổ chức lớn xa lánh vì các hành động gây chia rẽ của tổng thống.

Với tư cách là người lãnh đạo nước Mỹ, Donald Trump đã cố gắng lấp đầy khoảng trống đó, ít nhất là một phần, thông qua các sự kiện được đặt trước tại các khu nghỉ dưỡng của ông. Khách sạn Trump International Hotel nằm gần Nhà Trắng thường là nơi hội ngộ của các đồng minh đảng Cộng Hòa.

Không rõ sự ủng hộ đó sẽ còn tiếp tục, hay phe phản đối có quay lại thuê bất động sản của ông hay không. Tuy vậy, dịch Covid-19 vẫn là bài toán khó đối với ngành dịch vụ khách sạn và bất động sản thương mại, vốn là trọng tâm trong danh mục kinh doanh của Trump Organization.

Tham vọng chính trị

Tương lai của Trump Organization còn phụ thuộc vào tham vọng chính trị sau này của gia đình ông. Cuối năm ngoái, ông từng cho biết có ý định tái tranh cử vào năm 2024. Và tất nhiên, cuộc tranh cử tổng thống sẽ tác động lớn tới việc kinh doanh của gia đình trong các năm tới, ít nhất là liên quan tới Trung Quốc.

Tỷ phú cũng có thể không phải là người nhà Trump cuối cùng tham gia tranh cử. Donald Trump Jr và Ivanka Trump có khả năng vẫn giữ nguyện vọng chính trị trong tương lai.

Rời Nhà Trắng, ông Trump quay lại kinh doanh thế nào? - 4

Ivanka Trump có khả năng theo đuổi mục tiêu chính trị trong tương lai. Ảnh: AP.

Cuối cùng là tình yêu của ông Trump dành cho truyền hình. Không ai có thể phủ nhận tổng thống có tài ăn nói. Ông gần như mê hoặc được đám đông khi biến những triết lý thành lời nói đùa trong các cuộc vận động. Trước khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump được biết đến là một ngôi sao, MC nổi tiếng trong series truyền hình thực tế The Apprentice.

Việc ông Trump tái định vị bản thân như thế nào là vấn đề thu hút nhiều sự chú ý khi ông rời Nhà Trắng. Trong 4 năm tại vị, tổng thống đã giao cho con trai cả phụ trách công ty cùng một nhóm giám đốc điều hành khác. Ngay cả trước đó, ông đã phần nào rút lui khỏi các thương vụ làm ăn và để các con đảm nhiệm.

Còn giờ đây, ông có thể trở lại với niềm đam mê truyền hình với tư cách một chuyên gia chính trị hoặc một vai trò khác.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn