Theo New York Times, chiếc V-22 Osprey của Phi đội Thủy quân Lục chiến số 3 đóng tại căn cứ Mirama gặp nạn vào khoảng 13h chiều tại một khu vực hẻo lánh gần Quốc lộ 78.
Los Angeles Times dẫn nguồn tin liên bang cho biết có 5 binh sỹ trên máy bay và 4 người đã thiệt mạng.
"Chúng tôi có thể xác nhận rằng một chiếc máy bay thuộc đơn vị 3rd Marine Aircraft Wing đã bị rơi gần Glamis. Những người phản ứng đầu tiên của quân đội và lực lượng dân sự đã có mặt tại hiện trường", phát ngôn viên Duane Kampa của Thủy quân lục chiến Mỹ cho hay.
Ông Kampa cũng phủ nhận thông tin lan truyền trên mạng xã hội trước đó rằng máy bay gặp nạn trong lúc diễn tập có chở "vật liệu hạt nhân".
"Trái ngược với các báo cáo ban đầu, không có vật liệu hạt nhân nào trên máy bay. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin khi chúng tôi nhận được", ông này cho biết thêm.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ rơi máy bay.
Vụ tai nạn xảy ra gần 3 tháng sau vụ 4 thành viên phi hành đoàn trên một chiếc V-22 Osprey của quân đội Mỹ gặp nạn khi đang tham gia các cuộc tập trận quân sự mang tên Cold Response 2022 (Phản ứng Lạnh 2022) của NATO, được tổ chức tại Na Uy.
V-22 Osprey là loại máy bay có thiết kế độc đáo, có khả năng cất cánh và hạ cánh như trực thăng. Loại máy bay này được Lầu Năm Góc đặt hàng phát triển từ năm 1983, với mục tiêu tạo ra máy bay phản lực có thể hoạt động ở các địa hình nhỏ hẹp như rừng rậm, đường băng dã chiến cực ngắn hoặc tàu sân bay trực thăng.
Được mệnh danh là "chim ưng biển, V-22 Osprey có chiều dài 17,5 m, chiều rộng (cả cánh) 25,8 m, trọng lượng cất cánh tối đa 27,4 tấn, tầm hoạt động 1.600 km. Nó có thể chở theo 24 binh sĩ hoặc 9 tấn hàng hóa, khí tài quân sự.
Nhờ trang bị hai động cơ АЕ1107С Liberty có công suất 6.150 mã lực, V-22 Osprey có thể đạt vận tốc tối đa 510 km/h ở chế độ phản lực, 184 km/h ở chế độ trực thăng. Với tốc độ nhanh và khả năng cơ động cao, V-22 Osprey được xem là loại máy bay phù hợp để triển khai bộ binh cũng như tham gia tấn công ở nhiều chiến trường khác nhau.
V-22 Osprey cũng được lục quân Mỹ sử dụng trong các chiến dịch cứu hộ-cứu nạn đặc biệt nhờ khả năng chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn cùng độ linh hoạt khi có thể cất và hạ cánh ở nhiều loại địa hình phức tạp.
Bình luận