Tại chương trình đào tạo y khoa liên tục do BV Chợ Rẫy phối hợp Medtronic tổ chức tại TP Đà Lạt, ngày 9/11, BS.CK2 Kiều Ngọc Dũng, Trưởng Khoa Điều trị rối loạn nhịp đưa ra khuyến cáo: Không nên chủ quan khi có các triệu chứng rối loạn nhịp tim, cần nhanh chóng thăm khám với bác sĩ tim khoa tim mạch - rối loạn nhịp để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Hội nghị cập nhật các thay đổi trong điều trị các bệnh lý rối loạn nhịp - cơ xương khớp và bệnh lý nội khoa thường gặp, thu hút gần 400 bác sĩ đang công tác ở các cơ sở y tế tại hơn 50 bệnh viện từ 7 tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên và TP.HCM tham dự.
Rối loạn nhịp là tình trạng bất thường chức năng tạo nhịp hoặc bất thường dẫn truyền xung động điện trong tim, làm cho tim đập quá nhanh (tần số > 100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/ phút), nhịp tim không đều. Nhiều bệnh nhân ít biểu hiện bất thường về mặt nhịp tim, chỉ khi đo điện tâm đồ mới thấy bất thường dẫn truyền xung động điện tim.
Theo bác sĩ Dũng, nguyên nhân gây rối loạn nhịp có thể do bẩm sinh hoặc do sự thoái hóa hệ thống dẫn truyền điện trong tim. Tình trạng này cũng có thể do hậu quả của các bệnh lý tim mạch dẫn đến hệ thống dẫn truyền nhịp trong tim bị tổn thương. Bất thường hoạt động hệ thống phát nhịp hoặc dẫn truyền điện tim khiến tim suy giảm, mất chức năng tạo nhịp tim hoặc co bóp không đồng bộ. Hậu quả là bệnh nhân dễ ngất, xỉu, ngưng tim, đột tử hoặc suy tim.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có 17,9 triệu người tử vong do các bệnh lý tim mạch, chiếm 32% tổng số người tử vong trên toàn thế giới. Riêng bệnh lý rối loạn nhịp tim chiếm tỷ lệ từ 1,5 đến 5% trong dân số nói chung.
Những triệu chứng thường gặp trong rối loạn nhịp gồm hồi hộp, cảm giác đánh trống ngực, tim đập mạnh, hụt hơi, khó thở, ran ngực, yếu sức, đau ngực, vã mồ hôi, chóng mặt, hoa mắt, tối sầm mắt, gần ngất hoặc ngất, mệt đừ… Bệnh xuất hiện ở mọi độ tuổi, không phân biệt giới tính, với triệu chứng đa dạng và mức độ khác nhau. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi và phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Để phòng ngừa rối loạn nhịp tim, Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Trong đó, cần kiểm soát tốt huyết áp, cholesterol máu (đặc biệt là LDL-cholesterol), giảm cân khi cần thiết; Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim; Tránh khói thuốc lá và thuốc lá điện tử; Tích cực tham gia hoạt động thể chất.
Hiện nay, việc điều trị rối loạn nhịp ngày càng tiến bộ, với các thuốc nội khoa hoặc dùng thiết bị điện hỗ trợ tim cấy dưới da như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, máy tái đồng bộ tim. Bệnh nhân cũng có thể được chỉ định triệt đốt điện sinh lý bằng năng lượng sóng radio, bằng bóng lạnh hoặc bằng từ xung.
Ở nhiều nước phát triển, điều trị rối loạn nhịp bằng thiết bị điện hỗ trợ tim cấy dưới da rất phổ biến, ước tính khoảng 1.000 máy cho mỗi một triệu dân. Trên toàn cầu, tổng số thiết bị điện hỗ trợ tim cấy dưới da trong điều trị rối loạn là một triệu máy mỗi năm. Trong bối cảnh tuổi thọ tăng cao, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng nhiều, việc điều trị rối loạn nhịp bằng các thiết bị điện hỗ trợ tim cấy dưới da giúp khôi phục chức năng tim và chất lượng sống đáng kể cho bệnh nhân.
Ông Thomas Sander, Giám đốc kinh doanh cấp cao ngành hàng tim mạch Medtronic, cho biết, công ty luôn nỗ lực trong việc không ngừng đưa ra những gỉải pháp vượt trội và dịch vụ đa dạng trong các lĩnh vực như quản lý nhịp tim và các liệu pháp liên quan đến tim mạch khác. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, Medtronic đảm bảo tích hợp các công nghệ một cách liền mạch, luôn thúc đẩy đổi mới và cải thiện kết quả tối ưu cho bệnh nhân.
Với sứ mệnh giảm đau, phục hồi sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, công ty cam kết trang bị cho các bác sĩ những kiến thức và nguồn lực cần thiết để giải quyết các thách thức sức khỏe tim mạch phức tạp, chẳng hạn như quản lý rối loạn nhịp tim và chăm sóc suy tim, ông Thomas Sander nói.
Bình luận