Trao đổi với VTC News về vấn đề này, Luật sư Trần Chu Nam, công tác tại Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: "Trường hợp của Robot Sophia hết sức mới mẻ, chưa từng có tiền lệ. Do đó, việc coi Robot Sophia là công dân hay chỉ là một con robot lại tùy thuộc vào từng quốc gia, mỗi quốc gia có một quy định khác nhau".
Theo ông Nam, dù cho Sophia có trí thông minh và có khả năng ngôn ngữ, nhưng khi đến Việt Nam, Sophia chỉ được coi là một chú robot, cho nên sẽ nhập cảnh theo thủ tục quy định dành cho robot, máy móc, đi theo người mang cô robot này tới Việt Nam.
Còn theo một chuyên gia an ninh (giấu tên), nếu coi Sophia giống như một con người bình thường, có quyền công dân, thì robot đó cần có đầy đủ giấy tờ theo quy định như: Thị thực (visa), hộ chiếu, vé máy bay,... thì mới có thể được nhập cảnh tại Việt Nam.
Robot Sophia là robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới, đất nước cấp quyền công dân cho cô là Ả Rập Xê Út.
Kể từ khi có quyền này, Sophia làm việc không ngừng nghỉ cho các chương trình CES - Triển lãm Thế giới số, Hội nghị Công nghiệp Sáng tạo, sử dụng tài khoản Twitter của mình để quảng bá cho du lịch ở Abu Dhabi, sử dụng điện thoại thông minh, tham gia một số kênh truyền hình...
Trong 2 ngày 12 - 13/7 vừa qua, Robot Sophia đến Việt Nam và tham dự sự kiện Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm về Công nghiệp 4.0 tổ chức tại Hà Nội.
Tại đây, cô có màn giao lưu với báo chí và người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, để giao lưu được với Sophia, người nói chuyện bắt buộc phải có giọng tiếng Anh chuẩn. Dù gặp bất đồng ngôn ngữ và Sophia không thể trả lời được nhiều câu hỏi của khách tham dự triển lãm, vẫn có hàng trăm người đổ tới địa điểm tổ chức để được một lần chiêm ngưỡng cô robot xinh đẹp này.
Video: Khán giả Việt Nam khiến robot Sophia ngơ ngác
Bình luận