Đề tài trên xuất sắc đạt giải nhất Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức. Sản phẩm robot cũng được đưa vào ứng dụng thí điểm tại Bệnh viện Hoà Vang, nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và được đánh giá cao.
Nhóm sinh viên chế tạo sản phẩm gồm: Phan Thị Mai, Nguyễn Văn Thuần và Nguyễn Đắc Quy (Khoa Điện) với sự hướng dẫn khoa học của TS Nguyễn Hoàng Mai. Nhóm trải qua 8 tháng nghiên cứu chế tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế cần có phương tiện hỗ trợ phục vụ cách ly, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp để phòng chống COVID-19 tại các bệnh viện.
Robot có công năng tự động vận chuyển đồ ăn, đồ dùng cá nhân, thuốc men, dụng cụ y tế đến tận giường bệnh dưới sự điều khiển từ xa (qua ứng dụng điện thoại di động hoặc bằng tay). Robot cũng có camera hỗ trợ theo dõi hình ảnh và loa mini để bác sĩ, nhân viên y tế giao tiếp, hướng dẫn phục vụ bệnh nhân.
Điểm nổi bật cải tiến so với các sản phẩm tương tự trên thị trường là robot của nhóm sinh viên Khoa Điện có thể di chuyển leo dốc (tối đa 30 độ) và nâng được tải trọng tự mang lên tới 90kg. Robot còn có các cảm biến tự động phát hiện vật cản để tránh va chạm. “Robot có thể hoạt động cả ngày mà chỉ cần một lần sạc với thời gian hoạt động liên tục được thiết kế tối thiểu 12 giờ”, sinh viên Nguyễn Văn Thuần chia sẻ.
Đại diện nhóm tác giả cho biết đang nỗ lực cải tiến để robot hoàn thiện, tự động hoá hoàn toàn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và sử dụng cảm biến để tái lập bản đồ di chuyển “thông minh” hơn, tránh vật cản, vượt chướng ngại trên đường. Cùng với đó, nhóm sẽ phát triển bộ phận tự động khử khuẩn giúp Robot đáp ứng được nhu cầu ứng dụng phù hợp trong các khu vực cách ly không chỉ cho bệnh nhân COVID-19 mà còn đối với các bệnh truyền nhiễm khác.
"Ý tưởng, nhiệt huyết đáng ghi nhận của nhóm là mong muốn giúp các y bác sĩ, nhân viên y tế vơi bớt khó khăn, vất vả trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Việc bảo vệ an toàn cho đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết nhất trong điều kiện kiểm soát an toàn, thích ứng linh hoạt phòng chống dịch hiện nay”, sinh viên Phan Thị Mai bày tỏ.
Vượt qua khó khăn trong điều kiện làm việc nhóm hạn chế, phần lớn trao đổi, tương tác online nhưng nhóm sinh viên Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã nỗ lực, hoàn thành sản phẩm bước đầu được đánh giá cao trong quá trình thử nghiệm, ứng dụng thực tế tại Bệnh viện Hoà Vang.
Bình luận