• Zalo

Robot Captain Eye - bài thuốc cho chứng cận thị, gù lưng của trẻ nhỏ

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 06/07/2018 12:53:00 +07:00Google News

Robot made in Vietnam giúp bảo vệ trẻ khỏi chứng cận thị, gù lưng trong thời gian học tập.

Trong những năm gần đây, bệnh cận thị học đường diễn ra ngày càng phổ biến với độ tuổi mắc bệnh trung bình dần giảm xuống. Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu R&D thuộc Công ty Cổ phần VIROBO nghiên cứu và thiết kế thành công chú robot 100% made in Vietnam giúp những bậc phụ huynh bảo vệ trẻ khỏi chứng cận thị, gù lưng trong quá trình học tập.

Đây là một trong những sản phẩm lọt vào “Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình, trẻ em” trong Chương trình bình chọn “Top 100 - Sản phẩm, Dịch vụ tốt nhất cho Gia đình, Trẻ em” lần thứ 5 năm 2018 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo tổ chức.

Để tìm hiểu rõ hơn về chú robot đặc biệt này và đơn vị thiết kế, chế tạo, sản xuất ra nó, VTCNews có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh, Công ty Cổ phần VIROBO.

anh-2 3

Ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh, Công ty Cổ phần VIROBO

So với các thiết bị chống cận thị đang có mặt trên thị trường, Robot Captain Eye có những điểm ưu việt, nổi bật nào, thưa ông?

Hiện nay, ở Việt Nam và thế giới, bệnh cận thị học đường đang có chiều hướng gia tăng, một trong nguyên nhân là do trẻ ngồi sai tư thế khi học, vẽ, đọc sách. Mặt khác, việc ngồi sai như vậy còn gây ra cả bệnh cong vẹo cột sống. Do đó, đã có rất nhiều sản phẩm trên thị trường như cằm chống cận, áo chống cận… để giúp cho trẻ em, học sinh ngồi đúng tư thế. Tuy nhiên, các sản phẩm trên đều gây ra cảm giác khó chịu và không thoải mái cho trẻ, vì vậy, hiệu quả đạt được là không cao.

Captain Eye là robot có khả năng tự động nhắc nhở, cảnh báo khi trẻ ngồi sai bằng hình ảnh, âm thanh giúp trẻ ngồi vào bàn với tư thế đúng. Chú robot này có ưu điểm nổi bật là giúp trẻ ngồi đúng tư thế học mà không phải tiếp xúc trực tiếp với trẻ, không tạo cảm giác khó chịu. Là sản phẩm công nghệ nhưng robot sử dụng rất dễ dàng. Đặc biệt với thiết kế đáng yêu, Captain Eye như người bạn song hành cùng trẻ trong suốt quá trình học tập.

Đây là robot “made in Vietnam” 100%, vậy từ đâu mà nhóm nghiên cứu lại nảy ra ý tưởng phát triển một chú robot chống cận thị như vậy?

Chúng tôi tự hào tuyên bố đây là robot made in Viet Nam 100%, R&D 100% Việt Nam. Chúng tôi tự thiết kế, đặt khuôn đúc nhựa, tự thiết kế mạch và sản xuất, lắp ráp PCB cũng như tự phát triển hệ điều hành nhúng cho mạch tích hợp và phát triển hệ thống Cloud Server.

Về nguồn gốc của ý tưởng, nó xuất phát từ những vướng mắc của gia đình và xã hội, cũng như trong chính thực tế cuộc sống của các cổ đông trong VIROBO. Khi các con lên học lớp 1, các cha mẹ đều phải đứng điều chỉnh tư thế ngồi đúng cho con vì trẻ khi viết hay ngồi quá sát mặt bàn gây nên cận thị và gù lưng, chưa kể còn nhắc, giám sát con học bài.

Cuộc sống bộn bề công việc như hiện nay đâu phải lúc nào bậc phụ huynh cũng có thể thường xuyên làm việc này, thậm chí, đôi lúc việc kèm con học lại trở thành nguyên nhân gây ra mâu thuẫn trong gia đình. Do đó, ý tưởng về một chú robot đáng yêu giống như người bạn của con làm giúp bậc phụ huynh các việc trên như Captain Eye được hình thành.

anh 1

Robot Captain Eye, “bài thuốc” cho chứng cận thị, gù lưng của trẻ nhỏ

Bên cạnh đó, trong rất nhiều ý tưởng sản phẩm, chúng tôi lựa chọn robot chống cận thị vì nó chứa đựng khát vọng được cống hiến, vận dụng kiến thức học được để tạo thành sản phẩm có giá trị mà mỗi gia đình Việt Nam đều có thể sử dụng được; giấc mơ đưa robot chính hiệu made in Vietnam ra thế giới, bằng bàn tay khối óc của người Việt.

Nhóm đối tượng chính hướng đến của sản phẩm này là trẻ em trong độ tuổi nào?

Với trẻ em cấp tiểu học, đặc biệt là lớp 1, 2 khi chưa hình thành các thói quen và trẻ dễ bị ảnh hưởng tâm lý khi đang được chơi chuyển sang học. Vấn đề hay gặp phải là khi tập viết mắt cúi sát mặt bàn mà không biết dần sẽ dẫn đến cận thị và gù lưng. Bên cạnh đó, trẻ ở độ tuổi này thường vừa học, vừa chơi, ngủ muộn, dậy muộn, không học xong bài nên cần bố mẹ phải giám sát thường xuyên.

Vì vậy, robot Captain Eye là giải pháp tổng thể để giải quyết các vấn đề trên cho học sinh cấp 1.

Xin ông cho biết cấu tạo và cách thức hoạt động của chú robot này?

Captain Eye được cấu tạo từ 4 thành phần chính:

Thứ nhất, phần cảm biến đo khoảng cách vị trí tới hạn, vi phạm là cảm biến siêu âm (ultrasonic sensor) nguyên lý giống con dơi săn muỗi trong đêm hoặc cảm biến ánh sáng (Lidar) giống như các hệ thống dò dường của ô-tô tự lái. Về nguyên lý cả 2 loại trên sẽ phát ra một chùm sóng (âm thanh hoặc ánh sáng) va chạm vào vật thể rồi phản hồi lại. Từ đó, chúng ta đo được cũng như khoảng cách từ robot đến trẻ.

Thứ hai, Phần đồng hồ thời gian thực và bộ nhớ tích hợp: Robot có bộ nhớ dữ liệu dùng để lưu lại thời khóa biểu và lịch đặt của người sử dụng; có đồng hồ thời gian thực kết hợp với lịch, thời khóa biểu đã lưu trong bộ nhớ, nên có thể nhắc nhở theo lịch và thời khóa biểu một cách chính xác.

Thứ ba, phần truyền thông bao để kết nối trực tiếp với điện thoại, giao tiếp, cài đặt trong phạm vi 10m (với bluetooth) và cài đặt đồng bộ với Cloud Server không phụ thuộc vào khoảng cách (với wifi).

Thứ tư, phần cảnh báo với các mức cảnh bảo bằng hình ảnh, tiếng kêu, lời ghi âm tương ứng với các mức vi phạm khoảng cách, vi phạm giờ học, vi phạm giờ nghỉ, vi phạm đặt lịch…

Trong quá trình phát triển và đưa Captain Eye ra thị trường, ông nhớ nhất những dấu mốc thời gian nào?

Hành trình phát triển và đưa robot ra thị trường có rất nhiều cảm xúc. Đầu tiên là thành công trong việc tập hợp được nhóm những người có năng lực đồng hành cùng trí hướng, mục tiêu. Đó là thời gian cách đây 2 năm. Khởi nghiệp luôn khó khăn, vất vả. Có người vừa kết hôn, người đang làm cho công ty Nhật Bản, người lại làm Outsource, có công việc ổn định nhưng họ vẫn dám bỏ tất cả về cùng xây dựng VIROBO và phát triển Captain Eye. Đó là những con người mang năng lượng tuổi trẻ và dám thực hiện giấc mơ.

Dấu mốc quan trọng nữa là thời kỳ chuẩn bị lần đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Dù đã chuẩn bị kiểm tra thị trường, sản xuất xong xuôi nhưng lúc đó phương án đưa ra chưa được tốt, cả về tính năng robot và phương pháp làm thị trường. Tuy nhiên, sau cuộc họp trong đúng một buổi tối, chúng tôi đã quyết định hủy lần đó. Nhờ vậy mà sản phẩm mới có màu sắc, cảm xúc, có ghi âm của bố mẹ, có kết nối Cloud Server và cách làm thị trường hiệu quả như bây giờ…

anh 3

Ông Nguyễn Hữu Cường đại diện Công ty Cổ phần VIROBO nhận Chứng nhận “Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho gia đình, trẻ em” cho sản phẩm robot Captain Eye.

Tháng 6/2017, Captain Eye được nghiên cứu hoàn thành và sản xuất 100 mẫu để chạy thử và kiểm tra đến tháng 9/2017 thì cho thử nghiệm trải nghiệm thị trường và hoàn thiện các lỗi. Đến tháng 3/2018, robot được đưa vào sản xuất và tung ra thị trường 500 sản phẩm. Tháng 5/2018, VIROBO chính thức tổ chức ra mắt và triển lãm sản phẩm tại IT Techmart 2018 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Vạn sự khởi đầu nan, với việc nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm này thì sao, thưa ông?

Khó khăn đầu tiên phải kể đến là ngành phụ trợ công nghiệp của Việt Nam còn yếu và thiếu. Do đó, với mục tiêu made in Vietnam 100% của chúng tôi, đây chính là một thử thách. Bởi để hoàn thiện một chú robot thương mại thì phải có từ khuôn mẫu, sản xuất mạch, đóng gói… rất nhiều công đoạn. Điều này khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian trong việc tìm kiếm đối tác gia công sản xuất.

Khó khăn nữa là hiện nay, ở Việt Nam, có rất ít các nhóm phát triển robot hoàn thiện 4.0, do đó, chúng tôi khó có cơ hội trao đổi cách thức hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo robot. Do đó, hy vọng rằng chính chúng tôi sẽ hình thành được một nhóm hỗ trợ khởi nghiệp 4.0 để chia sẻ, trao dồi kinh nghiệm và giúp các nhóm khởi nghiệp đi sau không vấp phải những khó khăn vất vả mà VIROBO đã gặp phải.

Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ, hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức liên quan và báo trí truyền thông đưa tin đã tạo điều kiện cho VIROBO vượt qua khó khăn và đưa Captain Eye tiếp cận thị trường nhanh hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng có một hậu phương vững chắc là gia đình và đồng nghiệp luôn động viên, giúp đỡ trong quá trình khởi nghiệp.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu cũng như Công ty Cổ phần VIROBO dự định cải tiến Captain Eye và mở rộng thị trường như thế nào?

Hiện nay, để chuẩn bị cho năm học mới, mỗi tháng công ty ra khoảng 3000 robot. Trong tương lai, VIROBO sẽ phát triển nâng cấp sản phẩm đề có tính năng phù hợp với học sinh cấp 2, 3…  với nhiều tính năng hữu dụng khác vào Captain Eye, như: cảm biến ánh sáng để biết được vị trí ngồi học có đủ ánh sáng hay không, camera để bố mẹ tương tác hình ảnh động (video call) với con ngồi học ở nhà… Ngoài ra chúng tôi còn phát triển hệ sinh thái gia sư thông minh với robot Captain Eye.

Mặt khác, chúng tôi cũng tiếp xúc và tìm các đối tác thị trường ở các nước Nhật, Hàn Quốc, Đông Nam Á, các nước EU và Mỹ…

Ngoài Captain Eyes, Công ty Cổ phần VIROBO đang nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ nào khác không, thưa ông?

Robot Captain Eye là sản phẩm điển hình của công nghệ 4.0, có chứa đầy đủ các bước kỹ thuật, công nghệ như phần cứng, firmware, hệ điều hành nhúng, phần kết nối cloud server và khai thác dữ liệu lớn… Do đó, chúng tôi thừa hưởng lõi (core) đó, phát triển các sản phẩm khác như vận chuyển thông minh, nhà thông minh, thành phố thông minh…

Xin chân thành cảm ơn ông!

Video: Kết nối chuyển giao công nghệ: Vật liệu Composite

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn