Vừa qua, tại buổi giới thiệu thông tin về Dự án Riverside Garden đã xảy ra việc một số cổ đông của Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex tụ tập, căng băng rôn với nội dung đất đai đang tranh chấp, khuyến cáo khách hàng không nên mua.
Trước việc này, ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Prosimex khẳng định hành vi của cổ đông là vi phạm pháp luật, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tin về quá trình thực hiện dự án, ông Lữ Văn Sơn cho biết: Ngày 24/5/2014, ĐHĐCĐ thường niên Công ty Prosimex đã thông qua phương án liên doanh liên kết để triển khai dự án văn phòng nhà ở tại khu đất 349 Vũ Tông Phan. Khi đó, Tờ trình số 29/2014/Ttr-HĐQT đã được 99,28% cổ đông biểu quyết đồng ý thông qua.
“Chỉ có 1 cổ đông không đồng ý nhưng cổ đông này không nằm trong nhóm 57 cổ đông đang có mâu thuẫn với Công ty”-ông Đoàn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty Prosimex cho biết.
Thực hiện ủy quyền theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, Công ty đã triển khai thực hiện dự án với đối tác liên doanh liên kết là Công ty Videc. Theo hợp đồng hợp tác đầu tư ký kết giữa hai bên vào năm 2014, Prosimex góp 10% bằng giá trị lợi thế quyền quản lý, sử dụng dất, tài sản trên đất, chi phí di dời cơ sở sản xuất, chi phí hỗ trợ... Công ty Videc góp 90%, chịu chi phí tiền sử dụng đất, chi phí thực hiện dự án.
Công ty Prosimex ủy quyền toàn bộ cho Công ty Videc thực hiện các hạng mục dự án, được nhận lại 75 tỷ đồng và 1.000m2 sàn văn phòng tại Dự án Riverside Garden khi dự án hoàn thành.
Tiếp đó, Công ty Videc đã tiến hành các thủ tục chuẩn bị và đầu tư dự án. Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trợ lý Tổng Giám đốc, Trưởng phòng Hành chính – Kinh doanh Công ty Videc cho biết, đến nay Dự án Riverside Garden đã đủ điều kiện mở bán căn hộ theo quy định của pháp luật. Công ty Videc thực hiện đầy đủ những nội dung thỏa thuận và ký kết hợp tác liên doanh với Công ty Prosimex.
Cụ thể, từ năm 2015, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 7219/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Prosimex chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 8.800m2 đất tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) để thực hiện dự án Khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ - Riverside Garden.
Quyết định này cũng nêu rõ cho phép chuyển đổi sang đất nhà ở để thực hiện dự án Riverside Garden, trong đó Prosimex hợp tác với Công ty Videc thực hiện. Công ty Prosimex và Công ty Videc có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...; làm thủ tục về xây dựng, cấp phép xây dựng; sử dụng diện tích đất đúng vị trí, mốc giới, diện tích, mục đích.
“Sau đó, chúng tôi đã triển khai dự án và đã được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo Giấy phép số 17/GPXD-SXD ngày 18/3/2016. Đến nay dự án đã hoàn thành phần móng, có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện ký hợp đồng bán, thuê mua; được Ngân hàng PV Com Bank bảo lãnh mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, được Sở Công Thương Hà Nội chấp nhận đăng ký hợp đồng mẫu” – ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
“Tranh chấp nội bộ của Công ty Prosimex khiến việc kinh doanh của Công ty Videc lâm vào khó khăn. Trên thực tế, đất để thực hiện dự án không phải là tài sản cá nhân của các cổ đông, không có chuyện đất đai tranh chấp và chúng tôi đã tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Nếu cổ đông cho rằng quyền lợi của họ không bảo đảm thì họ phải làm việc với HĐQT, Ban điều hành Công ty Prosimex, thậm chí giải quyết ở Tòa án với Công ty Prosimex chứ không thể ra Dự án căng băng rôn như vậy” – ông Nguyễn Quốc Dũng nói.
Trước ý kiến cho rằng hành vi của nhóm cổ đông căng băng rôn như vậy là gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, đại diện Công ty Videc khẳng định hành vi này là sai trái, đã yêu cầu Công ty Prosimex giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở tôn trọng các cổ đông, đồng thời đề nghị Công an phường Khương Đình, quận Thanh Xuân vận động, cung cấp tính pháp lý của dự án, thông tin về việc hợp tác kinh doanh cũng như quyền và nghĩa vụ của cổ đông. Chỉ khi Dự án thành công, mới đảm bảo quyền lợi cho cả hai doanh nghiệp trong đó có cả quyền lợi của các cổ đông. .
Bình luận