• Zalo

Rau quả Trung Quốc ùn ùn về Việt Nam đón Tết

Kinh tếThứ Hai, 02/01/2017 16:56:00 +07:00Google News

Càng sát Tết, rau củ quả từ Trung Quốc càng tấp nập nhập vào Việt Nam.

Nhiều tiểu thương đã hô biến cam Trung Quốc thành cam Việt chỉ sau vài chục phút... Cam Trung Quốc về chợ đầu mối được một số tiểu thương bóc nhãn để biến thành cam Việt.

a0e80ed6

Ảnh: C.Trung

Hiện hằng đêm tại chợ đầu mối thực phẩm nông sản Thủ Đức, TP.HCM tiếp nhận hàng trăm tấn cam được trữ lạnh có nhãn mác chữ Trung Quốc. Nhiều người bán đã xé nhãn để hô biến thành sản phẩm Việt Nam hoặc nhập từ Mỹ, Úc rồi bán với giá cao.

Toàn cam Trung Quốc

Thời tiết TP.HCM se lạnh dịp cuối năm nhưng khu vực nhập trái cây ngay cổng chợ đầu mối thực phẩm nông sản Thủ Đức vẫn rất “nóng”. Có mặt tại đây khoảng 2h sáng một đêm cuối năm, chỉ khoảng ba giờ có tới 50 - 60 xe container chở cam, táo, hồng... có bao bì Trung Quốc vào “nhả hàng”.

Một chủ vựa ở đây thừa nhận phục vụ cho lễ, tết nên hai tháng cuối năm lượng hàng Trung Quốc đổ về nhiều gấp đôi thời điểm khác. Cùng lượng về dồn dập, giá bán các loại trái cây được nói thẳng có nguồn gốc từ Trung Quốc khá thấp.

Chỉ cách vài bước chân, trong nhà lồng chợ đầu mối Thủ Đức, cam sành miền Tây giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, còn tại cổng chính chợ này, cam được rao của Trung Quốc loại nhỏ chỉ 120.000 - 130.000 đồng/sọt 18 - 20kg (chỉ khoảng 6.000 đồng/ký).

Nho đen trái to chỉ từ 100.000 - 120.000 đồng/thùng 7kg (khoảng 17.000 đồng/ký); hồng 100.000 - 110.000 đồng/thùng 9kg (hơn 9.000 đồng/ký), táo 60.000 đồng/thùng 8kg (7.500 đồng/ký)... Nhiều chủ vựa còn cho biết nếu mua số lượng nhiều, giá giảm thêm 10-15%.

Cầm trên tay quả cam bóng mướt, chị Thanh - tiểu thương chuyên lấy trái cây tại chợ nông sản Thủ Đức - công nhận “đây là cam Trung Quốc nhưng người tiêu dùng bây giờ họ nghe nói hàng Trung Quốc là ngó lơ. Để bán được hàng, chúng tôi buộc phải thay tên đổi họ. Loại cam này có thể để hơn một tuần mà không héo như cam miền Tây” - chị Thanh nói.

Bà Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - cho biết số lượng trái cây nhập về chợ mỗi đêm ước tính khoảng 2.100 tấn, trong đó 1.510 tấn là trái cây trong nước và 600 tấn trái cây ngoại nhập. Bà Hà nêu dù có kiểm soát lượng hàng trái cây về mỗi đêm nhưng cũng không kiểm soát được thông tin về xuất xứ hàng mà tiểu thương trao đổi với khách hàng.

Mới đây, chợ đầu mối cũng ký kết với Hà Giang về lượng cam sành nhưng số lượng hạn chế, không nhiều như tiểu thương bán ngoài chợ.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, ngoài cam ra thì quýt kim, táo... phần nhiều có xuất xứ từ Trung Quốc. “Chúng tôi đang thống kê các loại hàng của Trung Quốc. Như cam sành có in logo hàng Trung Quốc nhưng tiểu thương đã xé nhãn này khi bán cho khách hàng” - bà Hà nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa, trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, cũng xác nhận ở chợ đầu mối có hai loại cam rất giống nhau là cam sành Hà Giang và cam Trung Quốc. Theo bà Thoa, cam Hà Giang chỉ đóng trong sọt giỏ chứ không có nhãn hiệu gì, còn cam có logo màu đỏ và được vận chuyển bảo quản bằng container lạnh là cam Trung Quốc.

Ra chợ lẻ thành hàng Việt, hàng Thái...

Ngoài một số tiểu thương khi bán ở chợ đầu mối nói thẳng là rau quả TQ, có nhiều người bóc logo in hình ghi chữ Trung Quốc và công bố đây là hàng Việt Nam.

Đang loay hoay ghi chép số lượng tiểu thương lấy hàng, ông H. - chủ sạp bên tay phải cổng chợ - cho biết gần hai ngày trái cây mới được vận chuyển từ Hà Giang về đây. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc về logo giỏ cam in hình Trung Quốc thì người này quát 
“hàng Tàu thì có sao nào...”.

Hơn 5g sáng, chúng tôi theo chân bà T. khi bà vừa lấy hai giỏ cam từ container biển số 51R... được đóng gói hộp chữ Trung Quốc và được tiểu thương chợ đầu mối khẳng định là hàng Trung Quốc.

Tới điểm bán của bà Tâm ở một chợ lẻ trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận), khi vào hỏi mua lô hàng mới vừa về được vài phút, chồng bà T. đứng bán đã khẳng định ngay đây là cam Hà Giang. Hỏi thêm, ông lưỡng lự “thấy rẻ lấy về bán chứ ai biết được cam Hà Giang hay Trung Quốc?!”.

Tương tự, dù cách hơn 2km nhưng hai thùng quýt có xuất xứ từ Trung Quốc mua tại chợ đầu mối Thủ Đức đã được ông B. (Q.12) lột sạch nhãn ghi chữ Trung Quốc trước khi bày bán tại An Phú Đông (Q.12) với giá cao gấp 4-5 lần. “Quýt Thái đây, hàng miền Tây hẳn hoi, đang vào mùa nên giá chỉ 35.000 đồng/kg” - ông T. chỉ vào thùng quýt rao...

Hàng Trung Quốc bảo quản được lâu

Chợ Văn Quán - một trong những chợ hoa quả, rau củ đầu mối lớn nhất phía tây Hà Nội - 4h sáng đã tấp nập, rau củ quả được chở tới đây bằng đủ loại phương tiện. Chị Loan, tiểu thương bán các loại củ quả tại chợ Văn Quán, cho biết rau củ Việt Nam giá cao, nguồn hàng đáp ứng nhu cầu lớn lại “phập phù”, trong khi hàng Trung Quốc rất dễ nhập, đặc biệt là cà rốt và củ cải, khoai tây, hành, tỏi... nên tại chợ đầu mối rau quả Văn Quán, hàng được nhập từ nhiều nơi song phần nhiều từ Trung Quốc.

Dọc cung đường Lê Đức Thọ (TP.HCM), rau củ quả được bày bán tràn cả ra đường. Trực tiếp khảo sát thị trường, ông Nguyễn Công Thừa - chủ nhiệm HTX nông nghiệp Anh Đào (Lâm Đồng) - cho biết các loại rau củ như cà rốt, khoai tây, bắp cải, cải thảo, cà chua... được nhập từ Trung Quốc rất nhiều.

“Giá các loại rau củ của Trung Quốc rất rẻ khiến nông dân không thể cạnh tranh” - ông Thừa nói. Vị này cũng nhận định trung bình mỗi ngày tại thị trường TP.HCM tiêu thụ khoảng 200 tấn rau củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Sản phẩm nhập từ Trung Quốc bảo quản được lâu hơn, mẫu mã đẹp và giá lại rất rẻ nên vẫn được các nhà hàng, bếp ăn... lựa chọn sử dụng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hoa quả và rau củ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam ngày một tăng. Dù là nước nông nghiệp, song ước tính mỗi năm chúng ta chi khoảng 4.000 tỉ đồng để nhập hàng trăm nghìn tấn hành, bắp cải, táo, cam, nho... từ Trung Quốc.

Tổng cục Hải quan cho hay lượng rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh, 10 tháng đầu năm đã lên tới khoảng 3.800 tỉ đồng. Đứng đầu là hành tây, khoai tây, cà rốt, củ cải...

Không chỉ rau củ, Tổng cục Hải quan nêu trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập tới 63.000 tấn táo, 19.600 tấn cam và hơn 15.000 tấn nho từ Trung Quốc... Dịp cuối năm âm lịch này hàng về càng nhiều, nhưng rau củ quả gắn nhãn Trung Quốc trên thị trường lại rất ít...

Cam Trung Quốc siêu rẻ?

Theo số liệu của cơ quan hải quan, khoai tây Trung Quốc nhập vào Việt Nam có giá khai báo chỉ 4.000 đồng/kg, hành tây 2.800 đồng/kg; cam có giá bình quân 3.700 đồng/kg, táo 2.900 đồng/kg, nho có giá nhập cao nhất nhưng cũng chỉ 10.000 đồng/kg.Không có nhiều cam nội cho TP.HCM

Theo ông Dụng Quý Đông - chủ trang trại cây ăn trái Quý Đông (Bình Phước), cam miền Nam cuối năm sản lượng rất ít.

Ông Nguyễn Hữu Hải, phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang, nói hiện thị trường tiêu thụ chính của cam Hà Giang vẫn ở phía Bắc, lượng vào chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chỉ khoảng 1-2 container/ngày.

Khác với cam bán ở TP.HCM chủ yếu màu xanh, ông Hải cho biết cam sành Hà Giang ngả vàng khi chín, ruột màu vàng, trái hơi dẹt. Ông Hoàng Quyết Thắng, HTX cam VietGap Vĩnh Hảo (Hà Giang), nhấn mạnh cam Hà Giang chủ yếu bán đã ngả sang màu vàng.

Bà Tạ Thị Thu, giám đốc Trung tâm cây ăn quả huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), cũng nêu cam Hàm Yên hiện trái đã ngả vàng. Bà Thu 
nêu đặc điểm cam Trung Quốc khác với cam Việt là thường không có hạt.

Lo lắng…

Lượng rau củ, hoa quả được nhập khẩu về Việt Nam ngày càng tăng mạnh luôn khiến nhiều người tiêu dùng, hộ nông dân, doanh nghiệp lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Mọi, phó chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận, cho biết vùng trồng nho Ninh Thuận có hơn 1.000ha. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 300ha ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP nên tiêu thụ ổn định tại các siêu thị. Còn lại, hơn 600ha vùng trồng nho (tương ứng khoảng 260.000 tấn) phải đưa tiêu thụ ở các chợ truyền thống, cạnh tranh trực tiếp với nho Trung Quốc. Trong khi đó, nho Trung Quốc có giá rẻ hơn từ 15-20%.

Tại vùng trồng cam Cao Phong (Hòa Bình), các nhà vườn cũng rất lo lắng khi có một số lượng không nhỏ cam TQ “đội lốt” cam Cao Phong. Chị Hạnh, một nhà vườn, cho biết để ngăn chặn tình trạng này, vùng trồng cam Cao Phong đã thành lập Hội Nhà vườn cam Cao Phong, liên kết chặt chẽ với nhau.

Tuy nhiên, chị Hạnh cho biết cũng chỉ ngăn chặn được tình trạng cam Trung Quốc “đội lốt” ở khâu phân phối của chính nhà sản xuất, còn các khâu sau thì rất khó.

GS Nguyễn Lân Dũng, chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng nếu kiểm dịch được hết mầm bệnh, thuốc bảo vệ thực vật thì phải có những phòng thí nghiệm lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ mẫu chuẩn và cần mất khá nhiều thời gian. “Do đó, cố gắng kiểm soát chặt và hạn chế nhập khẩu những loại hoa quả, thực phẩm mà chúng ta cũng đã có sẵn và còn có cả khả năng xuất khẩu” - GS Lân Dũng nói.

Clip: Ngã ngửa trước những mánh khóe lừa đảo của gian thương Trung Quốc

Nguồn: Tuổi trẻ
Bình luận
vtcnews.vn