Ngân hàng thừa tiền, bí đầu ra nên đang rao nhiều chương trình ưu đãi cho vay nhưng đa số doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận các chương trình vốn rẻ không dễ.
Ngân hàng duy trì lợi nhuận
Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-8%/năm.
Riêng lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-13%/năm đối với trung và dài hạn.
Với một số khoản vay, DN có thể được hưởng lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu, nhưng sau đó lại bị nâng lên cao hơn để cân bằng.
Trong khi đó, lãi suất huy động tiền đồng đang phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng; 6-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm.
Phản ánh mới đây, một số DN tại TP.Huế cho biết vẫn phải vay vốn với lãi suất cao. Một DN trong lĩnh vực xuất khẩu tiết lộ, vẫn phải đang vay vốn NH với lãi suất 13%/năm, dù lĩnh vực sản xuất kinh doanh là ưu tiên. Trong khi Chính phủ yêu cầu các ngân hàng áp lãi suất cho vay tối đa với lĩnh vực này hiện đang ở mức 7-8%.
Các ngân hàng đang thừa tiền, bí đầu ra nên đang rao nhiều chương trình ưu đãi cho vay.
Sở Công Thương tỉnh Bến Tre mới đây cũng cho biết, có tới 56% DN tại địa phương này phản ánh lãi suất cho vay trung hạn và ngắn hạn còn cao.
Đại diện Công ty cổ phần Đông Hải cho rằng lãi suất trung hạn 12%/năm làm rất khó có lãi, phải dưới 10% thì DN mới dám vay để đổi mới thiết bị, công nghệ. Còn đại diện Công ty cổ phần Dược Bến Tre cho biết lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay là 8%/năm vẫn cao, lợi nhuận của DN không đủ bù đắp.
Lý giải về mức lãi suất cho vay cao, một số NH cho biết, giá vốn huy động bình quân của nhiều NH vẫn cao. Trong khi đó, lãi biên được các NH mặc định khoảng 3-4%, tùy vào đối tượng vay.
Tuy nhiên, mức lãi biên này được tính toán trên lãi suất tham chiếu là giá vốn bình quân của ngân hàng, chứ không phải tính trên trần lãi suất huy động hiện hành. Chính vì vậy mà các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay thêm.
Nhiều ý kiến cho rằng do nợ xấu cao, trong khi các NH phải đảm bảo có lợi nhuận để xử lý nợ xấu, sức ép đó khiến cho chênh lệch lãi suất vẫn cao và đang gây khó khăn cho các DN.
Ngoài ra, do tín dụng tăng trưởng thấp, các NH đã phải dành một lượng lớn tiền mua trái phiếu với lãi suất thấp. Vì vậy, nên vẫn phải duy trì cho vay DN cao để bù đắp lợi nhuận.
DN nội bất lợi trước FDI?
Theo các chuyên gia kinh tế, với lãi suất cho vay cao gấp từ 2 lần trở lên so với các nước khác như hiện nay, đang khiến cho hàng hóa nội khó cạnh tranh, làm suy yếu dần các DN.
Đa số DN Việt Nam đang vay với lãi suất 10 - 13%/năm; trong khi các DN FDI, nếu vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam, mức lãi suất vay thấp hơn nhiều.
Đa số DN vẫn cho rằng việc tiếp cận các chương trình vốn rẻ là không dễ.
Từ nhiều năm nay, các nước có đầu tư FDI nhiều ở Việt Nam như Hoa Kỳ lãi suất luôn ổn định là 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%...
Sự chênh lệch về lãi suất như trên đã tạo ra những lợi thế nhất định cho các DN FDI so với các DN Việt Nam nếu tiêu thụ hàng hóa cùng loại tại thị trường nội địa.
Thực tế, mức lãi suất của Việt Nam hiện nay vẫn quá cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các DN; nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì Dn sẽ còn nhiều khó khăn, chuyên kinh tế Bùi Kiến Thành nói.
Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa cho biết, đến nay lãi suất cho vay đã giảm, song vẫn còn cao hơn nhiều so với khả năng sinh lời của DN. Hiện lợi nhuận của các DN nhỏ và vừa bình quân chỉ ở mức 6% - 7%/năm, nếu vay vốn lãi suất cao hơn chắc chắn sẽ thua lỗ, ông Kiêm cho biết.
Không những lãi suất cao mà DN cũng gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Chỉ những DN có tài sản tốt, phương án kinh doanh tốt và có dòng tiền mới được các ngân hàng chào đón, trong khi số DN này hiện nay không có nhiều.
Ngoài ra, một số DN phản ánh, các ngân hàng vẫn "chắc tay" với tài sản đảm bảo, khiến họ phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, định giá quá rẻ mạt.
Thậm chí nhiều ngân hàng luôn có những suy đoán rất kỳ lạ, cho rằng với tình hình hiện tại, những DN nào chấp nhận vay lãi suất cao là có vấn đề, không muốn cho vay, càng khiến DN nản lòng khi vay vốn.
Tình hình này rất đáng lo ngại, ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, nó sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN khó khởi sắc dẫn đến hệ quả là nhiều DN hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.
Theo Tổng cục Thống kê, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký trong 6 tháng đầu năm là 33.454 DN, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy, chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan đối với sản xuất.
Theo Khắc Linh/Vietnamnet
Bình luận