• Zalo

Rao bán tiền giả công khai trên mạng xã hội

Kinh tếThứ Tư, 27/01/2016 05:11:00 +07:00Google News

Nhiều đối tượng đang rao bán công khai tiền giả giống y như tiền thật với tỷ lệ trao đổi 1 triệu tiền thật "ăn" 5 triệu tiền giả trên Facebook

(VTC News) -  Giống tiền thật tới 98%, chỉ ra ngân hàng đối chiếu số seri mới bị phát hiện, khỏi cần đi làm, chỉ việc ăn và tiêu tiền... là những quảng cáo hết sức hấp dẫn của những đối tượng bán đang rao bán tiền giả một cách công khai trên mạng Facebook hiện nay.

1 triệu tiền thật "ăn" 5 triệu tiền giả


"Bên mình cho đổi 1tr tiền thật đổi 5tr triệu tiền giả. Tiền giả giống tiền thật 98% làm từ polime, có Bác Hồ chìm. Chỉ khác 1 chỗ là các tờ tiền giả có cùng mệnh giá có số seri giống nhau, nếu xài 1 tờ thì chắc chắn sẽ ko bị phát hiện. Đổ xăng, đi chợ mua hàng tạp hoá đều ok hết, chỉ có ra ngân hàng đối chiếu số seri mới bị phát hiện thôi.

Hàng đến tay bạn có thể mở hàng ra xem thấy hài lòng thì thanh toán tiền, không hài lòng thì trả lại mình nhé. 3 loại tờ: 100k, 200k, 500k. Nhận hàng rồi thanh toán, bên mình đã lo lót hết rồi, các bạn cứ yên tâm nha".
Một quảng cáo bán tiền giả giống y như tiền thật trên một trang mua bán rao vặt trên Facebook
Đây là một đoạn quảng cáo bán tiền giả giống y như tiền thật đang tràn lan trên mạng xã hội Facebook và gây được rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng hiện nay.

Được biết các quảng cáo này hiện nay đang xuất hiện khá nhiều trên các hội nhóm và các chuyên trang rao vặt, buôn bán ở Facebook với nhiều mức đổi khác nhau như 1 triệu tiền thật đổi 3 triệu tiền giả, thậm chí có nơi còn cho 1 triệu tiền thật đổi tới 7 triệu tiền giả, nhưng phổ biến nhất vẫn là 1 triệu tiền thật đổi 5 triệu tiền giả.

Các đoạn quảng cáo này đều quảng cáo loại tiền giả này giống y hệt với tiền thật, giống tới 98% nhưng chỉ khác là các tờ tiền có cùng mệnh giá đều có cùng 1 dãy số seri. Do đó, người bán còn "cẩn thận" khuyên khách mỗi lần chỉ dùng 1 tờ thì chắc chắn sẽ không bị phát hiện.

Chưa kể, những người này còn hướng dẫn khách sử dụng trong các trường hợp như đổ xăng, mua hàng tạp hóa... là những nơi thường xuyên giao dịch với mức tiền lớn và cũng rất dễ dàng để tiêu thụ những tờ tiền bẩn.

Để cho rôm rả, nhiều người còn cho biết đang là đợt hàng cuối, khách hàng nếu không mua nhanh thì sẽ không kịp có tiền để tiêu Tết, thậm chí một số người còn tuyển cộng tác viên, đại lý và chi nhánh với mức chiết khấu cực hấp dẫn.
Quảng cáo "Cuộc sống như tiên" với những tờ tiền giả
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mọi quảng cáo buôn bán loại tiền bất hợp pháp này đều không công khai số điện thoại, người bán chỉ nhận giao dịch với người mua bằng cách nhắn tin trên Facebook.

Theo tìm hiểu của phóng viên qua việc nhắn tin cho một người bán tiền giả trên Facebook có tên tài khoản là Tiền Không Số, người này cho biết mình đã bán loại tiền giả này từ lâu và là người làm ăn có uy tín nên khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm.

Khi phóng viên hỏi cách thức giao dịch thì người này cho biết, vì là lần đầu tiên mua hàng nên để tạo niềm tin, PV phải chuyển trước 1/3 số tiền vào tài khoản ngân hàng để đặt cọc, khi nhận được hàng rồi có thể thanh toán nốt phần còn lại.

Còn nếu không chuyển khoản được thì người này yêu cầu PV có thể mua thẻ cào điện thoại với mệnh giá tương đương rồi gửi mã số thẻ qua tin nhắn cho mình, còn đâu nhất quyết không gặp mặt trực tiếp.

Khi PV tỏ vẻ băn khoăn, không yên tâm lắm thì người này nói chắc như đinh đóng cột: "Chị cứ yên tâm, em buôn bán uy tín lâu năm mà cũng lo lót được hết rồi, sẽ chuyển tiền đến tận tay chị không thiếu một tờ (?!)".

Tham tiền giả mất oan tiền thật

Trong khi cả xã hội đang tích cực bài trừ tiền giả, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để nhận biết, phòng tránh tiền giả khi dịp Tết Nguyên đán đã cận kề thì những đối tượng này lại ngang nhiên rao bán một cách công khai.

Điều đáng nói là sau khi xuất hiện những quảng cáo "cuộc sống như tiên" với những tờ tiền giả, không ít người dùng cả tin đã náo nức bình luận, đặt câu hỏi về cách thức giao dịch hoặc chủ động để lại số điện thoại cho người bán liên lạc.

Tuy nhiên đã có rất nhiều người cảnh giác cao độ và lên tiếng cảnh báo ngay, rằng đây hoàn toàn là một trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, đánh vào lòng tham của những người kém hiểu biết về pháp luật.
Những tờ tiền giả trùng số seri và được cho là giống với tiền thật có cùng mệnh giá 98 - 100%
Những tờ tiền giả trùng số seri và được cho là giống với tiền thật có cùng mệnh giá 98 - 100% 
Một người dùng Facebook đã chia sẻ kinh nghiệm "đau thương" khi cách đây một tháng, sau khi hỏi mua 1 tép 3 triệu tiền giả mệnh giá 200.000 đồng với giá 1 triệu đồng của một page có tên là Bán tiền giả giống 100% (page này hiện nay đã không còn tồn tại trên Facebook), anh đã tin tưởng và chuyển khoản trước cho người bán 500.000 đồng để đặt cọc.

Xong sau đó anh chờ mãi nhưng hàng thì không nhận được, còn anh thì không thể liên hệ lại được với người bán thêm một lần nào nữa.

Nhiều người cũng lên tiếng cảnh báo rằng, với hình thức giao dịch thanh toán trước hoặc đặt cọc một phần thì những kẻ gian này luôn chấn an người mua bằng việc sẽ gửi hàng qua xe khách, đường bưu điện hoặc có người ship (giao hàng) đến tận nhà của khách hàng.

Bên cạnh đó, các đối tượng khẳng định mỗi tờ tiên đều được làm với độ tinh xảo rất cao, chỉ bằng mắt thường không thể nhận biết được.

Chỉ cần không tiêu thụ ở các ngân hàng, siêu thị hay các trung tâm thương mại là có thể trót lọt. Vi vậy mà theo như một quảng cáo bán tiền giả thì chỉ cần 1 ngày tiêu thụ trót lọt được 10 triệu tiền giả là 1 tháng đã có thể kiếm được 300 triệu tiền thật, khỏi cần đi làm, chỉ việc ăn và tiêu tiền!
Quảng cáo "1 ngày rửa được 10 triệu thì 1 tháng sẽ kiếm được 300 triệu"
Nhiều người đã nhanh chóng chia sẻ thông tin này và nói rằng, nếu như việc buôn bán tiền giả trên Facebook là những giao dịch có thật ở ngoài, chắc chắn công an sẽ sớm "sờ gáy" những đối tượng này.

Mặt khác, nếu như ai cũng có thể mua tiền giả và tiêu thụ được hết một cách dễ dàng thì còn ai chịu lao động để kiếm tiền, phát triển kinh tế sẽ ra sao, xã hội sẽ trở nên như thế nào?

B
ên cạnh đó, việc trao đổi, mua bán, lưu hành, tàng trữ tiền giả là những hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ người bán mà chính cả người mua cũng sẽ bị "xử lý".

Đáng buồn là vẫn có không ít người vẫn cả tin, chưa nắm được hết luật pháp nên vẫn đang trao đổi, giao dịch và "cúng" tiền cho những kẻ lừa đảo vô lương tâm.


Vì vậy, chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đã tới Tết Nguyên đán, mọi người cần hết sức cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo tinh vi tương tự để tránh mất tiền oan lại mang thêm họa vào người.
Theo quy định tại Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 thì tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu giả, công trái giả bao gồm ngân phiếu, công trái giả ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam.

Người làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 180 Bộ luật Hình sự (với mức hình phạt tù từ 3 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Nghị quyết hướng dẫn việc xác định trách nhiệm hình sự theo số lượng tiền giả như sau:

- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới 3 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm;

- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 3 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

- Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo các quy định vừa viện dẫn thì do tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành vi phạm tội đối với nền kinh tế nên làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị coi là phạm tội, không phân biệt số lượng tiền giả nhiều hay

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn