Video: Dân ùn ùn kéo đến khấn vái 'rắn thần' xuất hiện trên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình
Liên quan đến việc dân Quảng Bình ùn ùn kéo đến khấn vái mẹ con 'rắn thần' trên ngôi mộ vô danh, ngày 3/3, trả lời PV VTC News, ông Trần Văn Trọng - Chủ tịch UBND xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết, lực lượng chức năng vừa bắt con rắn mang đi nơi khác.
Theo Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, sau khi con rắn được mang đi, UBND thị xã Ba Đồn đã yêu cầu chính quyền xã Quảng Văn tháo dỡ lán trại được người dân dựng lên để thờ "rắn thần" và tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để họ hiểu biết tránh mê tín dị đoan.
"Khi lực lượng chức năng đến mang con rắn đi nơi khác thì vẫn còn một số người cản trở. Tuy nhiên, lực lượng chức năng quyết tâm mang đi và đã thành công", ông Trọng nói.
Được biết, sau khi "rắn thần" bị đưa đi, nhiều người dân đến xem tỏ ra nuối tiếc bởi chưa kịp sờ vào mình rắn để cầu may. Nhiều người chỉ vội thắp hương lên mộ "Bà ăn mày" rồi đi về.
Trước đó, như VTC News đưa tin, ngày 24/2 (mùng 9 Tết Nguyên đán), một số người dân tình cờ phát hiện cặp rắn mẹ và rắn con xuất hiện trên ngôi mộ vô danh thường được người dân gọi là mộ "Bà ăn mày".
Kỳ lạ, mấy ngày liền 2 con rắn này cứ quanh quẩn trên mộ và không chịu rời đi. Từ đây, xuất hiện thông tin "Bà ăn mày" hiển linh "rắn thần" thế là mọi người lũ lượt đến xem, cúng bái, cầu xin.
Theo UBND xã Quảng Văn, hiện chưa thể thống kê con số chính xác lượng người đổ về ngôi mộ xem "rắn thần" nhưng tính đến thời điểm này cũng vài ngàn người đến đây khấn vái.
Ngoài ra, người dân còn tổ chức đặt hòm công đức để quyên góp xây cho "Bà ăn mày" một cái đền thờ và tính đến 2/3, đã có nhiều người dâng cúng với số tiền lên tới 200 triệu đồng.
Theo người dân địa phương, không ai biết lai lịch chính xác của ngôi mộ "Bà ăn mày" nhưng tương truyền ngôi mộ này có từ thời Pháp thuộc.
Người nằm dưới mộ là một bà lão ăn xin không rõ quê quán, hàng ngày đi khắp các chợ trong vùng để xin ăn, bỗng một hôm vì đói rét nên mất. Do không có họ hàng thân thích nên dân làng đã cùng nhau đến chôn cất trên bờ Hói Bôông.
Người dân địa phương cho rằng, ngôi mộ này rất linh thiêng. Bởi thế, việc một cặp rắn xuất hiện khiến người dân càng tin hơn.
Được biết, vào ngày 27/2 vừa qua, một trong hai con rắn đã chết. Xác của con rắn được các cao niên trong làng đem hỏa táng và thờ tại mộ “Bà ăn mày”. Sau đó, người dân vẫn tiếp tục kéo nhau về mộ “Bà ăn mày” để cúng bái, quỳ lạy “Bà rắn” còn lại nhằm cầu may.
Liên quan đến vụ việc, Giáo sư Ngô Đắc Chứng ở Đại học Huế (một chuyên gia nghiên cứu về bò sát) cho biết, qua quan sát bằng hình ảnh thì khó có thể nói chính xác về chủng loại của cặp rắn xuất hiện trên ngôi mộ ở Quảng Bình.
Tuy nhiên, theo giáo sư Chứng, việc rắn xuất hiện ở các vùng hoang dã, đền miếu và nghĩa địa, mồ mả là điều rất bình thường, không có gì lạ mà người dân phải đổ xô đến thờ cùng.
Rắn thì ở đâu mà chả có, ở vùng ít người, hoang sơ, hoãng dã thì có rắn chứ có chi đâu mà phải thờ cúng. Việc rắn xuất hiện ở các hốc cây, am, miếu và đặc biệt là ở mồ mả, nghĩa địa là bình thường. Cần phải giải thích cho dân hiểu đó là điều bình thường và đừng quá mê tín rồi đâm ra mệt mỏi", Giáo sư Ngô Đắc Chứng nói.
Trả lời báo chí, ông Trần Văn Hạnh (53 tuổi, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) - một người am hiểu về loài rắn khẳng định, 2 con "rắn thần" mà người dân đang tôn thờ ở xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) thực chất chỉ là một cặp rắn nước, một cá thể đực và một cá thể cái.
"Đây có thể là 2 mẹ con rắn nước. Con đực hiện đã chết còn con cái đang mang thai cũng đang rất yếu. Người dân không nên mê tín về đây cúng bái, tránh bị kẻ xấu nhân danh thánh thần lừa đảo", ông Hạnh nói.
Ông Mai Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) cho hay, sau khi nắm được thông tin về cặp rắn lạ xuất hiện trên ngôi mộ vô danh ở xã Quảng Văn, UBND thị xã Ba Đồn đã có văn bản chỉ đạo UBND xã này quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng niềm tin của quần chúng nhân dân để lôi kéo người dân tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi; gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa lành mạnh của cộng đồng, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Bình luận