Hiện tượng san hô bị tẩy trắng xảy ra khi nhiệt độ nước biển thay đổi khiến san hô đẩy các loài tảo sống trong các mô của chúng ra ngoài. Điều này khiến cho san hô mất đi màu sắc sặc sỡ vốn có của chúng.
"Chúng tôi khảo sát 1.036 rạn san hô từ trên không trong 2 tuần qua vào tháng 3 để để đo mức độ nghiêm trọng của đợt tẩy trắng ở quần thể san hô Great Barrier", Giáo sư Terry Hughes tới từ Đại học James Cook cho biết.
Đợt tẩy trắng này xảy ra vào thời điểm nhiệt độ nước biển ở khu vực này đạt kỷ lục kể từ năm 1900. AFP bình luận đây là đợt "tẩy màu" tồi tệ nhất trước tới nay với Great Barrier.
Quần thể san hô Great Barrier mang lại doanh thu 4 tỷ USD cho du lịch Australia. Tuy nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp tới di sản này.
Các sự kiện tẩy trắng trước đó ở Barrier được ghi nhận vào các năm 2016, 2017. Cơ quan chính phủ Australia chịu trách nhiệm giám sát rạn san hô này sau đó đã buộc phải hạ cấp triển vọng dài hạn của Great Barrier xuống mức rất thấp.
Great Barrier bị tẩy trắng lần đầu tiên năm 1998, khiến hơn một nửa rạn san hô bị mất màu và làm chết khoảng 5-10% san hô. Năm 2010, nhiệt độ nước biển tăng một lần nữa gây ra hiện tượng tẩy trắng làm thu hẹp số lượng quần thể san hô này.
"Chúng tôi sẽ xuống dưới nước vào cuối năm nay để đánh giá thiệt hại của san hô từ sự kiện gần đây nhất", Giáo sư Morgan Pratchett tới từ Đại học James Cook cho hay.
Bình luận