• Zalo

Rắn lục đuôi đỏ tấn công dân Hà Nội, làm sao để đuổi?

Sức khỏeThứ Ba, 02/12/2014 12:16:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tại Hà Nội, gần đây cũng đã ghi nhận các ca bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, là các bệnh nhân ở huyện ngoại thành.

(VTC News) - Tại Hà Nội, gần đây cũng đã ghi nhận các ca bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, là các bệnh nhân ở huyện ngoại thành.

Rắn lục đuôi đỏ ở sát nhà dân

Thanhnien online cho biết, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang tiếp nhận một bệnh nhân sống tại tại Quảng Ninh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, vừa được chuyển từ bệnh viên địa phương lên.

Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong các tháng qua, liên tục tiếp nhận các nạn nhân nhập viện do bị rắn độc cắn, trong đó có các loại rắn rất độc như hổ mang, cạp nia và cả những trường hợp bị cắn bởi rắn lục đuôi đỏ.

Rắn lục đuôi đỏ
Hiện, bệnh viện đang tiếp nhận một bệnh nhân sống tại tại Quảng Ninh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, được bệnh viện địa phương chuyển lên điều trị.

Ngoài ra, tại Hà Nội, gần đây cũng đã ghi nhận các ca bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn, là các bệnh nhân ở huyện ngoại thành Hà Nội. Theo tiến sĩ Sơn, “rắn lục đuôi đỏ nguy hiểm bởi độc chất khi vào cơ thể gây rối loạn đông máu, gây chảy máu, xuất huyết. Nạn nhân có thể  tử vong do bị xuất huyết não”.

Theo Trithuctre, ngày 1/12, tin từ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, kể từ tháng 10, cơ sở y tế này điều trị 16 bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó 9 người bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, chủ yếu ở thị xã Hương Thủy.

Họ bị rắn cắn khi đang phát quang bụi rậm, chăm sóc vườn cây. Bệnh nhân N.V.Đ (trú phường Phú Bài, Hương Thủy) nói rằng, đây là lần đầu tiên ông thấy rắn lục đuôi đỏ tại địa bàn và cắn người.

Trước đây, loài rắn cắn người thường là rắn lục toàn thân xanh. Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, từ tháng 10 trở về trước khoảng 5 năm, cơ sở y tế này không điều trị ca nào do rắn lục đuôi đỏ cắn. Việc tiếp nhận nhiều ca bệnh như vậy trong gần 2 tháng qua là điều lạ thường.

Không chỉ ở Hà Nội, Huế mà ở nhiều địa phương khác rắn lục đuôi đỏ cũng liên tục tấn công người dân.

Tại sao xuất hiện nhiều rắn lục đuôi đỏ?

Tienphong online đã dẫn ra những lý giải của GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cùng các chuyên gia sinh thái khác về nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ bùng phát cắn người bất thường và đưa ra các gợi ý kiềm chế.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cho hay, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về rắn lục đuôi đỏ. Theo nhiều tài liệu, rắn lục đuôi đỏ (hay còn gọi là rắn lục mép trắng, rắn lục tre) có vùng phân bố khá rộng, xuất hiện ở hầu hết các vùng rừng trong cả nước. Loài này sống chủ yếu trên cây, hoạt động vào ban đêm, ăn chuột, thằn lằn, ếch, nhái…

Rắn lục đuôi đỏ vốn sống chủ yếu trong rừng nay xuất hiện nhiều ở các khu dân cư có thể do nhiều nguyên nhân.

Theo GS Đặng Huy Huỳnh, rắn là loài biến nhiệt, nhiệt độ tăng có thể làm tăng số lượng rắn. Điều này phù hợp với việc loài rắn đuôi đỏ xuất hiện nhiều ở các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, vùng rừng vốn là nơi sống của rắn lục đuôi đỏ, nay bị chặt phá, rắn mất môi trường sống nên di chuyển về hang hốc, bụi cây gần khu dân cư.

Tuy nhiên, các điều kiện trên đều khiến gia tăng số lượng các loài rắn khác, tại sao chỉ có rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều? Theo GS Huỳnh, loài này sinh sản khá nhiều, chúng đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loài rắn khác, mỗi lần đẻ 4-14 con.

Các loài thiên địch của chúng trong môi trường như cầy, cáo, mèo giảm đi khá nhiều do nạn săn bắt cũng làm gia tăng số lượng rắn. Tuy nhiên, rắn lục đuôi đỏ thường sinh con vào tháng 6-7, chứ không phải mùa này.

Ngoài ra, rắn lục đuôi đỏ không phải là loài có giá trị kinh tế như nhiều loài khác. Thịt rắn hôi nên không được sử dụng làm thức ăn, ngâm rượu thuốc, nên chúng càng có cơ hội phát triển.

Theo TS Nguyễn Quảng Trường, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, muốn biết vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều, phải có các nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, có thể giả thuyết, nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng.

Rắn xuất hiện nhiều, phải làm sao?

Theo GS Huỳnh, rắn lục đuôi đỏ không độc như hổ mang hay cạp nong, cạp nia, nhưng rất khó phát hiện loài rắn này, vì chúng thường sống trong bụi cây, hang hốc và có màu xanh.

Rắn lục đuôi đỏ cắn. (Ảnh minh họa từ internet)
Người dân nên phát quang bụi rậm quanh nhà. Rắn hoạt động chủ yếu vào ban đêm, nên khi đi ra ngoài vào ban đêm, người dân nên dùng đèn pin, đi ủng.

Ngoài ra, có thể trồng sả hoặc nuôi chó, mèo để hạn chế rắn xuất hiện.

Theo TS Nguyễn Quảng Trường, nọc độc của rắn lục không tác động lên hệ thần kinh, mà thường tác động lên hệ tuần hoàn, gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Điều đáng ngại là một con rắn chết, thậm chí đầu rắn bị cắt rời vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ cho đến 90 phút sau khi nó chết.

Khi bị rắn cắn, cần hạn chế vận động để tránh làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể, không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Không nên ga-rô bằng dây cao su, vì dễ gây hoại tử do thiếu máu cung cấp đến phần cơ thể phía dưới ga-rô. Cũng không nên đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ tác dụng vì có thể gây nhiễm trùng.

Hiện nay, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế - Số 9 Pasteur Nha Trang (IVAC) đã sản xuất được huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ nên người dân cũng không nên quá lo lắng.

» Xót xa người có da bị lột từng mảng
» Bị cắt đầu 20 phút, rắn hổ mang vẫn cắn chết người
» Xôn xao vụ giết chết rắn khổng lồ nuốt chửng trẻ em
» Bị hổ mang chúa cắn đến 4 lần vẫn sống khoẻ
» Những kiểu làm đẹp 'kinh hãi' nhất thế giới

Nam Anh (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn