• Zalo

Rắn không có tai sao vẫn nghe được tiếng sáo?

Khám pháThứ Năm, 13/05/2021 07:17:33 +07:00Google News
(VTC News) -

Giống như nhiều loài bò sát, rắn không có cấu tạo tai ngoài nhưng có xương tai trong đầu dùng để nghe.

Rắn chủ yếu dựa vào khứu giác để săn mồi nhưng cũng sử dụng cả thị giác và thính giác. Nhưng sinh vật này có tai không?

"Vừa có vừa không", Sara Ruane, nhà nghiên cứu tại Đại học Rutgers ở New Jersey cho biết. 

Giống như nhiều loài bò sát, rắn không có cấu tạo tai ngoài. Tuy nhiên, chúng có xương tai trong đầu dùng để nghe. 

Rắn không có tai sao vẫn nghe được tiếng sáo? - 1

Rắn có xương tai trong đầu dùng để nghe. (Ảnh: Getty Images)

Tai thường cấu thành từ ba bộ phận chính. Tai ngoài tập trung âm thanh vào màng nhĩ, ngăn cách tai ngoài với tai giữa. Tai giữa có ba xương giúp truyền âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong thông qua các rung động. Tai trong biến những rung động này thành các xung thần kinh truyền đến não.

Rắn thiếu cả tai ngoài và tai giữa. Tuy nhiên, chúng có xương tai nối tai trong với hàm. Điều này giúp sinh vật này nghe thấy những rung động, chẳng hạn như khi kẻ săn mồi đang bò tới gần. Tuy nhiên, chúng không giỏi phát hiện âm thanh truyền trong không khí. 

Rắn chỉ nghe được âm thanh trong một dải tần số hẹp. Ví dụ, khả năng nghe của trăn hoàng gia nằm ở dải tần số từ ​​80 đến 160 Hertz. Để so sánh, dải tần số bình thường của con người là 20 Hz đến 20.000 Hz. 

Phạm vi thính giác hẹp này không phải là vấn đề đối với rắn, một phần là do chúng không sử dụng âm thanh để giao tiếp với nhau. 

Ngoài ra, khả năng đánh hơi của rắn cũng rất lợi hại. Khi rắn thè lưỡi, chúng sẽ thu thập các phân tử mùi trong không khí, đưa chúng tới cơ quan chuyên biệt để xử lý trước khi truyền thông tin lên não. 

Vì vậy, mặc dù chúng không có cơ hội nghe thấy âm thanh từ hầu hết các loài động vật khác, rắn vẫn là kẻ săn mồi đáng gờm. 

Diệu Hoa(Nguồn: Live Science)
Bình luận
vtcnews.vn