Kênh Bắc (hay còn gọi là sông Nông Giang) bắt nguồn từ xã Nam Giang (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thuộc kênh chính của hệ thống Đập Bái Thượng. Kênh Bắc có nhiệm vụ tưới tiêu cho các huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương và TP. Thanh Hóa. Đồng thời, đây cũng là nguồn cung cấp nguồn nước cho nhiều nhà máy xử lý nước sinh hoạt.
Cụ thể, kênh Bắc dài hơn 50 km, lấy nước từ đập thủy lợi Bái Thượng trên sông Chu, sau đó chảy qua các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa. Ngoài nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp cho các địa phương, kênh Bắc còn là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ hàng vạn người dân TP Thanh Hóa với lưu lượng hơn 50.000 m3/ngày, đêm.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, kênh Bắc kể cả thời điểm đầy nước và lúc cạn trơ đáy thường có nhiều loại rác thải tồn đọng cùng xác chết của các loài động vật bốc mùi nồng nặc khó chịu. Theo người dân, thậm chí kênh mương này đã từng có người chết trôi theo dòng nước bốc mùi khiến nhiều người ghê sợ.
Bức xúc với tình trạng trên, bà Lê Thị Phán (người dân sinh sống ở phố Nguyên Hồng, phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa) cho biết: “Kênh Bắc bị ô nhiễm lâu nay, rác thải và xác chết động vật từ trên đầu nguồn chảy về ứ đọng tại các cống kênh, ruồi bâu, mùi hôi thối bốc lên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân nơi đây”.
Bà Phán còn cho biết thêm, ngay phía sau nhà gia đình, bên cạnh kênh Bắc, nước ao tù đọng lại đen kịt bốc mùi. Gia đình đã kiến nghị đến cấp chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Về sự việc kể trên, ông Lê Văn Thủy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, đơn vị quản lý hệ thống thủy nông Bái Thượng cho biết, việc kênh Bắc bị ô nhiễm môi trường do người dân vứt các loại rác thải và xác chết động vật xuống kênh khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
“Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã tuyên truyền người dân không vứt rác xuống kênh Bắc làm ô nhiễm môi trường nhưng người dân vẫn lén lút vứt đủ các loại rác thải xuống kênh”, ông Thủy nói.
Ông Thủy cũng cho biết, thi thoảng dòng kênh Bắc được đóng lại để nhân viên công ty dọn rác thải. Còn tại thời điểm ghi nhận của PV (cụ thể vào các ngày 29/9/2019, 1/10/2019 và 20/11/2019) có hàng tấn rác thải đang tồn đọng dưới lòng kênh gây ô nhiễm mà chưa được mang đi, ông Thủy cho rằng lý do là vì địa điểm này chưa được nạo vét tới.
Cũng trong thời gian qua, báo Gia đình Việt Nam đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân về sự việc kể trên. Với nhiều bức xúc, người dân yêu cầu được biết, hiện nhà máy nước Mật Sơn, nhà máy nước Quảng Xương (cấp nước cho người dân Thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn) và một số nhà máy khác đang sử dụng công nghệ gì? Và nước mà người dân đang sử dụng có chất lượng như thế nào, có đảm bảo cho sức khỏe không?
Cũng trong đơn thư phản ánh tới báo chí, người dân lo sợ khi nguồn dẫn nước qua kênh Bắc là kênh mương hở, bất kỳ rác thải nào cũng có thể xuống kênh. Đặc biệt, trên con kênh này, nhiều người dân có thói quen súc rửa thuốc bảo vệ thực vật, ném xác động vật và nhiều loại rác thải sinh hoạt từ các nhà máy, chợ dân sinh, khu dân cư…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa bày tỏ mong muốn có được một hệ thống ống nước như đường ống dẫn nước Sông Đà để chống ô nhiễm từ nguồn.
Đó cũng là mong muốn của nhiều hộ dân đang sinh sống trên địa bàn đang chịu ảnh hưởng từ sự ô nhiễm của kênh Bắc.
Vậy nhưng, đến nay, bất chấp sự phản ánh, bức xúc của người dân, con kênh mương này vẫn mỗi ngày thêm chất đầy rác thải, tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Cần minh bạch thông tin về nước sinh hoạt
Tiếp xúc với người dân, chúng tôi nhận được đề nghị khẩn là tổ chức các đoàn kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn sâu để đánh giá và trả lời cho người dân biết, các nhà máy nước ở Thanh Hóa đang hoạt động thế nào, đặc biệt là vấn đề công nghệ xử lý nước.
Trước mắt cần có phương án xử lý hệ thống dẫn nước, phải có đường ống, không để hở như hiện nay. Các chỉ số như về chất lượng nước, về sức khỏe người dân cũng cần được đánh giá khoa học, khách quan để trả lời rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để dân được yên tâm. Đặc biệt, người dân băn khoăn, là các nhà máy nước hoạt động hiệu quả ra sao mà chưa chịu đầu tư công nghệ, giải quyết triệt để vấn đề kênh mương hở mà vẫn cứ loay hoay nạo vét và chú trọng tuyên truyền người dân “có ý thức, không nên vứt rác xuống kênh”.
Bình luận