Khuyến khích dân ăn ở bẩn?
Trả lời PV VTC News về tình trạng thiếu thùng rác ở nơi công cộng có phải là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nạn xả rác bừa bãi ở Thủ đô vẫn tiếp diễn, GS.TS Lê Thạc Cán - Chủ tịch Hội đồng khoa học - Viện Môi trường và Phát triển Bền vững cho biết: "Cơ quan chức năng đang khuyến khích người dân ăn ở bẩn thỉu. Việc không lắp các thùng rác ở nơi công cộng, trên các tuyến phố chính là một trong những nguyên nhân khiến ý thức của người dân Thủ đô ngày càng kém hơn".
"Nếu điều kiện không đáp ứng được thì ý thức kém đi là điều đương nhiên, chưa kể đến việc lâu dài sẽ khiến người dân dần dần không còn ý thức. Kể cả người có ý thức nhưng lúc đấy ví dụ như phải đi một đoạn thật xa kiếm cái thùng rác bỏ vào nhưng thực chất không tìm được thì họ sẽ lại vứt rác ra đường", GS.TS Lê Thạc Cán nói.
Việc không lắp các thùng rác ở nơi công cộng, trên các tuyến phố chính là một trong những nguyên nhân khiến ý thức của người dân Thủ đô ngày càng kém hơn.
GS.TS Lê Thạc Cán
Ông Cán cũng cho biết thêm, để nâng cao ý thức môi trường của người dân thì việc giáo dục chiếm đến 50%. Tuy nhiên, 50% còn lại là phụ thuộc vào kỷ luật và pháp lý và phát triển cơ sở hạ tầng. Muốn thay đổi nhận thức của người dân không phải làm từng bước, chậm rãi mà cần giải pháp đồng bộ, làm liên tục và quyết liệt hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho rằng quan điểm đó là hoàn toàn chính xác.
Việc vứt rác không đúng nơi quy định là câu chuyện liên quan đến Sở Tài nguyên & Môi trường nhưng việc quản lý, lắp đặt thùng rác là bên Sở Xây dựng.
Theo ông Nghĩa, đây là vấn đề ý thức hệ nên ta không thể làm được ngay mà phải giải quyết từng bước một.
"Singapore phải mất cả một thế hệ để giải quyết mỗi câu chuyện kẹo cao su và xả rác trên đường. Bây giờ, mình mới bắt đầu vào cuộc chiến này nên đòi hỏi phải có ít nhất hàng thập kỷ. Chúng ta có thể đốt cháy giai đoạn nhưng phải có những điều kiện cho nó.
Ví dụ, ít nhất phải có cái thùng rác để bỏ rác vào. Để làm được những điều như Singapore chúng ta phải có quy hoạch, có lộ trình từng bước một chứ nếu muốn làm ngay tất cả mọi việc cùng một lúc thì rất khó", ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.
Video: Bất chấp phạt nặng, dân Thủ đô vẫn hồn nhiên xả rác ra đường
Trả lời câu hỏi, chính quyền cứ phạt mà không lắp thêm các thùng rác mới thì cái sai có phải hoàn toàn là ở người dân hay trách nhiệm còn ở cả những nhà quản lý, vị Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường cho rằng: "Nghị định 155 dù có mức chế tài cao hơn quy định cũ nhưng việc phát hiện, xử phạt hành vi vứt rác cũng như tiểu tiện bậy không khả thi, có thể chế rồi nhưng không có thiết chế. Hiện nay cũng chưa tuyên truyền việc đổ rác như vậy nữa. Nhiều người còn không biết việc nghị định này được áp dụng từ đầu tháng 2.
Bên cạnh đó, Nghị định 155 ý tưởng thì tốt vì cứ phạt nặng thì người ta sẽ giảm bớt. Nhưng ai giám sát? Ai phạt thì lại là vấn đề khác. Khi nhà nước định ra chế tài để xử phạt thì cũng đã tính đến những nguyên nhân chủ quan.
Đáng lý ra hôm nay tôi phạt anh có một đồng vì tôi thiếu cái thùng rác nhưng ngày mai khi có hai cái thùng rác thì tôi phải phạt anh gấp đôi. Vì vậy, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc không có thùng rác mà có thể xả rác không đúng nơi quy định".
Sở 'đổ lỗi' cho quận, huyện
Phóng viên tiếp tục liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện Sở này cho biết việc bố trí lắp đặt và quản lý các thùng rác là do chính quyền địa phương làm, Sở chỉ đôn đốc các địa phương thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, năm 2016, thành phố có chủ trương tăng cường cơ giới hóa trong công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, trong đó bao gồm đặt lắp đặt thùng rác đúng quy cách tại các khu vực đông dân cư, ngõ xóm và các khu công cộng (quảng trường, vườn hoa, xung quanh hồ, các tuyến đường,...).
Theo quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kỹ thuật, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội thì, công tác quản lý duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn do chính quyền địa phương quản lý, trong đó bao gồm cả việc bố trí lắp đặt thùng rác phục vụ công tác thu gom rác thải do người dân bỏ ra.
Đến nay, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng đã tổ chức giao Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội khảo sát, xác định vị trí lắp đặt thùng rác và triển khai với số lượng khoảng 1.300 chiếc.
"Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên đại bàn thành phố đã hướng dẫn, thường xuyên đôn đốc, đề nghị UBND quận, huyện và thị xã Sơn Tây chủ động phối hợp với đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra, rà soát, nghiên cứu xây dựng phương án đặt thùng rác trên các tuyến phố phục vụ thu gom, vận chuyển rác thải của thành phố", ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, hiện các đơn vị thực hiện duy trì vệ sinh trên địa bàn các quận, huyện khác cũng đang đầu tư tăng cường số lượng thùng rác phục vụ nhu cầu đổ rác của người dân khu vực.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều tuyến phố của các quận trên rất khó khăn để tìm thấy thùng rác trên vỉa hè.
Trong văn bản trả lời báo điện tử VTC News, không thấy đại diện Sở Xây dựng có ý kiến phản hồi về vấn đề này.
Phải chăng việc lắp đặt thùng rác là trách nhiệm của chính quyền các địa phương, còn Sở Xây dựng chỉ là người đôn đốc, chứ không phải chịu trách nhiệm cho việc hàng loạt tuyến phố trung tâm không có thùng rác?
Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1-2 tăng mức phạt tiền đối với hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Cụ thể, tại khoản 1 điều 20 Nghị định 155/2016 quy định hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Bình luận