Mòn mỏi đợi được bố trí việc làm
Năm 2012, anh Vương Văn Tiến (18 tuổi, huyện Quang Bình, Hà Giang) được cử đi học theo diện cử tuyển ngành Sư phạm Toán học tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Sau 6 năm học, anh Tiến hạnh phúc trong ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp và nghĩ đến tương lai sẽ được theo nghiệp cầm phấn. Song, 5 năm đã trôi qua, thông báo, chỉ tiêu tuyển dụng của địa phương anh vẫn "bặt vô âm tín".
Theo quy định, sinh viên diện cử tuyển sẽ được địa phương bố trí việc làm. "Ngặt nỗi, không phải lúc nào cũng có "chỗ" để sắp xếp. Tôi tốt nghiệp, nộp hồ sơ theo quy định nhưng không được gọi nhận việc", anh Tiến nói và cho biết, một năm đầu tiên sau khi ra trường anh vẫn nuôi hy vọng được bố trí việc làm.
Quá sốt ruột, anh bèn gọi điện đến cơ quan quản lý của địa phương để hỏi về cơ hội tuyển dụng nhưng chỉ nhận được câu trả lời "chưa có chỉ tiêu biên chế nên chưa tuyển dụng, bao giờ có chỉ tiêu sẽ liên lạc lại".
Kết thúc cuộc gọi, anh Tiến nặng trĩu suy tư càng hy vọng nhiều, thất vọng càng bủa vây. Sau đó, anh tự tìm cơ hội công việc, nộp hồ sơ và được tuyển dụng làm giáo viên hợp đồng tại huyện Xín Mần.
Dù vậy, nỗi lo vẫn chưa chấm dứt, nhiều đêm liền chàng thanh niên mất ngủ vì nghĩ đến tương lai. Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu "làm giáo viên hợp đồng quá chông chênh, trường cũng không đề cập đến việc vào biên chế, nếu cứ mãi như vậy thì sống sao nổi?", rồi "lương giáo viên hợp đồng quá bèo bọt, liệu đam mê có thắng nổi gánh nặng kinh tế không?'...
Sau những đắn đo, anh quyết định "bỏ xó" tấm bằng tốt nghiệp đại học để rẽ hướng làm kinh doanh tự do.
Hiện tại, anh Tiến có một cửa hàng nhỏ chuyên bán thiết bị điện, anh cũng kiêm luôn thợ sửa chữa, lắp đặt thiết bị nếu người dùng có nhu cầu. Nhiều khi cuộc sống bận rộn, anh cũng quên luôn bản thân từng là một cử nhân Sư phạm Toán học.
Chung hoàn cảnh là sinh viên diện cử tuyển mòn mỏi đợi bố trí việc làm, anh Củng Chẩn Sèo (SN 1992, huyện Yên Minh, Hà Giang) đành về làm nông, lao động tự do, bỏ phí tấm bằng tốt nghiệp trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội. Anh Sèo nhập học vào năm 2012 và ra trường năm 2017.
"Trong khóa đào tạo cùng với tôi, hầu như sinh viên không được bố trí việc làm đều nhận được câu trả lời là "đợi có chỉ tiêu". Nhưng chúng tôi không biết đợi đến bao giờ mới có được vị trí, đành phải tự tìm việc để mưu sinh thôi", anh Sèo buồn bã kể.
Trước khi nhập học, địa phương từng hứa sau khi ra trường anh sẽ được bố trí việc làm. Thế nhưng khi tốt nghiệp, anh nộp hồ sơ, bằng cấp cho địa phương để mong có cơ hội làm việc tại quê hương, đến nay, 6 năm trôi qua mà chưa nhận được cuộc gọi nào, cũng không thấy ai hỏi thăm.
Hiện tại anh Sèo ở nhà làm nông, thời gian không vướng mùa vụ anh sẽ nhận làm thuê mướn để có thêm "đồng ra đồng vào" nuôi 3 con nhỏ. Điều anh trăn trở chính là việc đào tạo cử tuyển rồi không tuyển dụng sẽ gây lãng phí kinh phí nhà nước. Người học cũng mòn mỏi chờ đợi, rồi lại đằng đẵng thất vọng.
Cần có cơ chế đặc thù trong bố trí việc làm cho sinh viên diện cử tuyển
Liên quan đến câu chuyện sinh viên cử tuyển không được bố trí việc làm, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh, (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Theo bà, với chính sách tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, hiện nay việc bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi đào tạo xong hết sức khó khăn.
Đồng thời, do công tác lập kế hoạch, dự báo, phân tích nhu cầu nhân lực của các địa phương chưa thực sự hợp lý khi cử người đi học. Từ đó xảy ra tình trạng sau khi sinh viên cử tuyển ra trường không còn vị trí trống để sắp xếp, bố trí phù hợp. “Thậm chí, ngay tại thời điểm cử người đi học, địa phương cũng không thể hình dung sau 4-5 năm, cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi như thế nào”, bà nói.
Ngoài ra, tình trạng người học cử tuyển thất nghiệp cũng có thể do một số nguyên nhân chủ quan từ phía người học. Thực tế, có tình trạng người học sau khi tốt nghiệp muốn “kén chọn” ví trí việc làm, tức là, có thể cảm thấy vị trí chưa thực sự phù hợp với chuyên môn.
Đại biểu Tú Anh nêu ví dụ, một người học Luật sẽ có suy nghĩ phải được bố trí việc làm tại tòa án, viện kiểm sát trong khi đó, với ngành học này vẫn có thể được bố trí vào các vị trí về mặt pháp chế tại các cơ quan.
Mặt khác, cũng có trường hợp, người học kéo dài thời gian quá lâu so với khung đào tạo, cơ quan nhà nước không thể đảm bảo giữ vị trí trống đó để chờ tuyển dụng.
Từ thực tế này, bà Tú Anh đặt vấn đề về trách nhiệm, giải pháp của Ủy ban Dân tộc trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo như trên. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đại học cần phải thực hiện nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng giáo dục, cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo đầu ra.
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế đặc thù trong việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm cho đối tượng cử tuyển, nếu người học đảm bảo tiêu chuẩn, tiêu chí tại vị trí việc làm nêu ra, có thể thành lập hội đồng để xét đặc cách.
Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) cho rằng, các sở liên quan như Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần có trách nhiệm tham mưu tư vấn cho UBND tỉnh siết chặt việc cử đi học cử tuyển đảm bảo chỉ tiêu sát với nhu cầu thực tế.
Ngoài ra, theo đại biểu, chất lượng đào tạo chưa thực sự tốt cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng sinh viên sau khi ra trường không đảm bảo được yêu cầu công việc thực tế. "Tại tỉnh Điện Biên có trường hợp đã phải trả học phí tới 8 năm cho đối tượng này", bà chia sẻ thêm.
Bình luận