“Quan điểm của chúng ta là làm một cách triệt để, khách quan và công tâm nhất. Chúng ta cải cách không phải vì Bộ Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Một khi doanh nghiệp còn phàn nàn, người dân còn kêu than, tức là nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã phát ngôn như trên trong cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính diễn ra mới đây. Việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Là một bộ có phạm vi quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, tạo ra 60-70% GDP của cả nước, hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương có ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đó nhiều ngành lĩnh vực có tác động lớn đến an toàn, sức khỏe cộng đồng, liên quan đến quốc phòng an ninh của đất nước như an toàn thực phẩm, an toàn trong sản xuất công nghiệp, an toàn, an ninh năng lượng... nên số lượng các thủ tục, điều kiện kinh doanh còn tương đối lớn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định quyết tâm cải cách thủ tục hành chính. Ông đã có phát ngôn được dư luận đặc biệt chú ý: “Quan điểm của chúng ta là làm một cách triệt để, khách quan và công tâm nhất. Chúng ta cải cách không phải vì Bộ Công Thương mà là vì doanh nghiệp và tiến tới mục đích xa hơn là vì xã hội, đại bộ phận dân chúng. Một khi doanh nghiệp còn phàn nàn, người dân còn kêu than, tức là nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa hoàn thành”.
Nhìn lại có thể thấy, đúng là vào cuối năm 2016 đầu năm 2017, nhiều qui định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương vốn được các doanh nghiệp phản ánh qua nhiều năm đã được liên tiếp xem xét, dỡ bỏ như: Bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu; Sửa đổi Thông tư, xóa bỏ quy định về yêu cầu xác nhận khai báo hóa chất tại Thông tư 40/2011/TT-BCT; Thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT về quy định dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị nhập khẩu trước khi thông quan; Ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT quy định nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng cho doanh nghiệp...
Nhưng có vẻ trong một thời gian khá dài gần đây, khoảng nửa năm vừa qua, không thấy xuất hiện những chuyển biến "mạnh mẽ" như vậy nữa. Bên cạnh những hoạt động khá tích cực có thể nhìn thấy được được trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương như: Dần lập lại trật tự trong quản lý bán hàng đa cấp; thúc đẩy đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu cho nhiều mặt hàng; áp dụng thành công nhiều biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa trong nước trong quá trình hội nhập quốc tế; quản lý phát triển thủy điện, nhiệt điện... thì đúng là chưa thấy có những chuyển biến mới trong tiến trình tiếp tục xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp trong lĩnh vực Công Thương.
Nhưng khách quan nhìn lại, qua câu chuyện yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh gần đây được đặt ra tại cuộc họp cách đây một tuần (ngày 5/9) của Bộ trưởng Công Thương với thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ này, chúng ta cũng nhận thấy khá rõ một điều: Cần có thời gian để gỡ bỏ các điều kiện "khó" hơn.
Cũng qua đây có thể nhận thấy rằng, quá trình này thực sự vẫn đang được người đứng đầu ngành Công Thương quyết liệt bám đuổi.
Theo đánh giá và kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian gần đây Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, xóa bỏ thủ tục và nhiều điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại cuộc họp chiều 5/9, Bộ trưởng đã yêu cầu, trước mắt, các đơn vị thuộc Bộ cần phải rà soát ngay các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả như thế nào.
Từ đánh giá cụ thể kết quả đã làm được, các đơn vị cần nhanh chóng rà soát lĩnh vực mình quản lý để tiếp tục gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở chỉ giữ lại các điều kiện cần thiết, tiến tới mục tiêu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cái gì có thể tháo gỡ, cắt bỏ được ngay thì cần cắt bỏ ngay. Cái gì chưa cắt bỏ ngay được thì nghiên cứu giải pháp phù hợp.
Bộ trưởng đã giao thời hạn là trước ngày 14/9, các đơn vị thuộc Bộ sẽ phải gửi bản tổng hợp việc giải trình sự cần thiết, phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh cụ thể và báo cáo Bộ trưởng xem xét. Đặc biệt, phương án này sẽ được đích thân Bộ trưởng chỉ đạo cùng với Tổ công tác xem xét, quyết định việc triển khai cụ thể.
Như vậy, từ nay đến ngày 14/9, các đơn vị sẽ phải gấp rút tiến hành rà soát các thủ tục, điều kiện kinh doanh, sản xuất trên tất cả các lĩnh vực mà Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý. Trên cơ sở xem xét, đánh giá cụ thể và làm việc với các cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định phương án cắt giảm và lộ trình cụ thể để triển khai, thực hiện.
Cũng từ tháng 9/2017 này, đích thân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ chịu trách nhiệm cùng Tổ công tác của Bộ Công Thương tiến hành giám sát, rà soát, nhanh chóng cắt giảm các điều kiện được cho là gây ra những vướng mắc và rào cản cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, theo tinh thần Chính phủ kiến tạo.
Bình luận