Tác giả Nguyễn Vinh Tú sinh năm 1929 trên quê hương Nam Đàn, Nghệ An. Cả cuộc đời công tác của ông gắn bó với quân đội. Ông từng tham gia đánh giặc ở Đồng Bằng, lên Tây Bắc, rồi về Hà Nội, triền miên đi theo cuộc kháng chiến của nhân dân.
Ông thuộc lớp những nhà văn đầu tiên trưởng thành trong quân đội, có những cống hiến cho Văn Nghệ Quân Đội ở thời kỳ sơ khởi cùng thời với các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Xuân Khánh, Xuân Cang, Xuân Thiêm .... Tuy nhiên do nhiều vấn đề như bị thương tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên con đường văn học của ông bị ngắt quãng nửa chừng. Mặc dù vậy trong ông tình yêu văn học luôn bỏng cháy, ông miệt mài sáng tác dù tuổi rất cao (trên 80 tuổi).
Để nghi nhận những đóng góp cống hiến không biết mệt mỏi của một nhà văn từng khoác áo lính, NXB Hội nhà văn ấn hành tập "Tuyển văn chọn lọc Nguyễn Vinh Tú” theo đơn đặt hàng của nhà nước. Hợp tuyển bao gồm trích đoạn hai tiểu thuyết lớn Khuất một vầng trăng, Ách giữa đàng và một số truyện ngắn, cực ngắn.
Khuất một vầng trăng là một cuốn tiểu thuyết rất dài hơi, tác giả viết say mê bằng hồi ức bằng tưởng tượng. Các chi tiết, diễn biến câu chuyện, cũng như cái cuộc sống buồn vui sướng khổ của các nhân vật, ngồn ngộn trong cuốn tiểu thuyết.
Tư tưởng chủ đề được tác giả gửi gắm trong tác phẩm là sự cô đơn của nhân vật, sống giữa thời đại, mà không được thời đại vui cùng. Cuộc đời nhân vật bị bỏ quên dưới bầu trời. Có một thế lực gì ở xa điều khiển cuộc đời nhân vật Hạnh, cứu vớt, chà đạp, giày vò, làm chị không thể thoát nổi, không tự cứu nổi mình. Niềm tin và hạnh phúc làm con người của chị vô hình trung bị mất từ lâu. Cái điều chị tin yêu, mong mỏi nhất không bao giờ đến.
Nhưng thiết nghĩ, sống, làm được những kỳ tích lớn lao (gửi gắm con của mình cho một người đàn bà dân tộc thấy “quặn đau như xé ruột”, để dấn thân đánh bốt Xá. Vì Tổ quốc sẵn sàng hy sinh tình riêng, dẫu đó là tình ruột thịt thiêng liêng trọng yếu của đời người) như chị cũng là tốt rồi.
Sinh mạng ở đời này nhiều vô thiên lủng, như rác rưởi bèo bọt nổi trên sông, nên đôi khi bị bỏ quên, bị giày xéo cũng là điều rất đỗi bình thường. Những gì họ đã mất không gì có thể bù đắp nổi. Họ rất mong một tấm lòng tri kỷ, thấu hiểu họ, thương yêu họ. Như vầng trăng xanh muốn sự tri kỷ của mặt trời, đừng để đêm dài giá lạnh.
Khép lại tác phẩm rồi mà dường như vẫn còn mở ra bao suy nghĩ, day dứt về thân phận con người. Giọng văn trong tác phẩm mới mẻ, kiên cường, là tiếng nói của một thế hệ, một thời đại, không mệt mỏi, không mòn cũ.
Tiểu thuyết Ách giữa đàng là nơi tác giả gửi gắm những tâm huyết của mình với đất nước với cuộc sống đương đại. Theo đạo phật đời là bể khổ, chỉ có sang thế giới bên kia mới đáng kể. Bể khổ nói cụ thể là ách giữa đàng. Đất nước bị nô lệ dân khổ đã đành, đất nước độ clập dân vẫn nghèo khổ vì tham nhũng thì cũng vậy. Nhân vật Luyến tìm mọi cách để tiễu trừ tai ương đang làm suy vi đất nước.
Ách giữa đàng đưa ra một hình mẫu nhân vật nữ có nhiều yếu tố khác lạ. Trong tác phẩm tác giả khéo léo đan cài thơ ca dưới hình giễu nhại. Cấu trúc lồng ghép pha chút trinh thám tạo được những hiệu ứng bất ngờ đánh lừa độc giả.
Truyện ngắn Cát bụi thao trường vốn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đời sống thao trường của bộ đội .Nhưng hơn thế nữa với văn phong tả cách điệu về cát, nhân cách hoá cát thành nhân vật có đầy đủ đời sống, tính cách rất hấp dẫn đầy chất văn chương đưa truyện vượt qua tính chất tuyên truyền trở thành một truyện ngắn mang phong cách tiêu biểu của Nguyễn Vinh Tú.
Còn nhiều truyện nữa trong tập, mỗi truyện một màu một vẻ như vườn trăm hoa đua nở, chỉ khi nào quý vị cầm đọc từ đầu đến trang cuối cùng, có lẽ mới cảm nhận hết vẻ đẹp và sự hấp dẫn của tác phẩm.
Bình luận