Ngày 3/12, tại Hà Nội diễn ra lễ ra mắt sách "Những lời răn của Abai" phiên bản tiếng Việt, do Đại sứ quán Kazakhstan và Trung tâm Abai tại Việt Nam (thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Năm 2020 ghi dấu mốc tròn 175 năm ngày sinh của nhà văn hóa kiệt xuất của nhân dân Kazakhstan- Abai Kunanbaev (1845-1904). Cuộc đời và sự nghiệp của Abai Kunanbayev là “tấm gương phản ánh cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của nhân dân Kazakhstan, nhằm bảo tồn ý thức quốc gia, hiện đại hóa và đổi mới đất nước”.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam Yerlan Baizhanov khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn của nhà thơ, triết gia kiệt xuất Abai đối với dân tộc Kazakhstan.
“Abai Kunanbaev có tầm ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử, văn hóa của đất nước chúng tôi. Và cuốn sách "Những lời răn của Abai" có tính giáo dục rất cao đối với nhân dân Kazakhstan, và đã vượt qua rất nhiều cột mốc lịch sử quan trọng”, Đại sứ Yerlan Baizhanov chia sẻ.
Đại sứ Yerlan Baizhanov cũng cho biết thêm, ngoài các tác phẩm thi ca và những tác phẩm đậm tính giáo dục, Abai cũng để lại một số nhạc phẩm “đi vào văn hóa của dân tộc”. Nhiều bài hát đã trở thành trở thành dân ca của Kazakhstan.
Theo Đại sứ Baizhanov, cuốn sách "Những lời răn của Abai" là cuốn sách thứ 2 của các tác giả Kazakhstan được xuất bản ở Việt Nam. Cuốn sách đầu tiên của một tác giả Kazakhstan khác được xuất bản ở Việt Nam vào những năm 1970, viết về cuộc đời, sự nghiệp của triết gia kiệt xuất Abai Kunanbaev.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS-TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc tổ chức lễ ra mắt cuốn “Những lời răn của Abai” có ý nghĩa thiết thực, giúp bạn đọc tại Việt Nam có cơ hội hiểu thêm về đất nước, con người Kazakhstan. Đồng thời sau sự kiện này, sẽ có nhiều người Việt Nam tìm hiểu và nghiên cứu thêm tư tưởng, triết lý và tinh thần của Abai Kunanbaev trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa và giáo dục.
Theo PGS.TS. Đào Tuấn Thành, Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, những triết lý giáo dục nhân văn của triết gia Kazakhstan Abai Kunanbayev khá tương đồng với tư tưởng đề cao và coi trọng giáo dục của “vạn thế sư biểu” Chu Văn An của Việt Nam. Theo đó, hai nhà tư tưởng đều đề cao triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với hành, học suốt đời để làm việc và cống hiến cho xã hội.
“Cả Chu Văn An và Abai Kunanbayev đều đã để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Kazkhstan những di sản tinh thần vô giá. Nếu chúng ta biết trân trọng và khai thác hết giá trị di sản mà các ông để lại cho hậu thế, tôi tin rằng đất nước Kazakhstan và Việt Nam có thể sẽ sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên trường quốc tế”, PGS.TS. Đào Tuấn Thành chia sẻ.
Bình luận