Hồi ký “Arsene Wenger: Cuộc đời tôi qua hai màu đỏ - trắng” và “Tự truyện Luka Mordic” lần đầu được xuất bản tại Việt Nam qua bản Việt ngữ do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Hai quyển sách như một món quà thú vị dành cho tất cả những ai mong muốn tìm kiếm đường hướng thành công trong công việc và cuộc sống, không chỉ ở lĩnh vực thể thao.
Arsene Wenger - “Cuộc đời tôi qua hai màu đỏ-trắng”
HLV Arsene Wenger được biết đến là một “con nghiện” bóng đá. Môn thể thao này dường như chiếm trọn tâm trí và không thể rời khỏi cuộc đời của nhà cầm quân người Pháp, kể cả khi ông đã dừng công việc huấn luyện từ cách đây nửa thập kỷ.
HLV Wenger lúc này đang làm giám đốc phát triển bóng đá toàn cầu của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) hiện tại. Ông chính là một thành viên trong nhóm chuyên gia đang nghiên cứu gây tranh cãi.
Cuốn hồi ký “Cuộc đời tôi qua hai màu đỏ-trắng” viết lại cuộc hành trình sự nghiệp – mối tình với bóng đá của HLV Arsene Wenger từ những nấc thang khiêm tốn ở quê hương, lên đến đỉnh cao với 22 năm dẫn dắt câu lạc bộ nổi tiếng Arsenal FC (1996-2018) ở London (Anh), và giờ đây là một trong những chuyên gia đang ấp ủ những ý tưởng thay đổi hoàn toàn bóng đá hiện đại.
Ngay từ tiêu đề, độc giả và người hâm mộ có thể đoán được ngay phần lớn nội dung trong đó, cũng như một chương dài trong sự nghiệp của HLV Arsene Wenger gắn liền với CLB Arsenal. Vị chuyên gia người Pháp cùng CLB này trải qua giai đoạn đỉnh cao, trong đó ấn tượng nhất là kỳ tích vô tiền khoáng hậu – bất bại mùa giải Ngoại Hạng Anh.
Đối với Arsene Wenger, huấn luyện bóng đá không chỉ là tìm cách để chiến thắng. Đó còn là một môn nghệ thuật. Wenger – người có biệt danh “Giáo sư” – luôn có nhiều suy ngẫm có giá trị về bóng đá. Tất cả những điều đó được chính ông viết lại trong cuốn hồi ký.
“Tôi đã luôn nghĩ rằng mục tiêu cuối cùng của một huấn luyện viên là giành chức vô địch mà không để thua một trận đấu nào. Đó dường như là một loại ám ảnh mà tôi mang theo bên mình”- HLV Wenger viết.
Tờ The Wall Street Journal nhận xét cách về hồi ký “Cuộc đời tôi qua hai màu đỏ - trắng” như sau: “Rất xúc động và thu hút... cuốn hồi ký của Arsène Wenger là lời chứng nhận cho những nguyên tắc bất di bất dịch và sự trường tồn trong bóng đá của vị huấn luyện viên lão thành người Pháp”.
Là người đam mê lối chơi bóng đá tấn công, những cách tiếp cận mới mẻ và độc đáo của Wenger trong việc xây dựng động lực, tư duy, duy trì thể lực và tâm lý chiến thắng cho đội bóng được tiết lộ qua cuốn hồi ký sẽ là tư liệu giá trị, hấp dẫn cho giới chuyên môn và người hâm mộ thể thao.
Tự truyện Luka Modric
Sách kể lại hành trình cuộc đời và sự nghiệp của Luka Modric có một cái tên đơn giản: "Tự truyện của tôi". Tự truyện Luka Modric đi sâu về tình cảm sâu đậm của anh dành cho gia đình, kể cho đọc giả nghe những khó khăn trong cuộc sống thời thơ ấu, cũng như những bước đi gian nan trong quá trình trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
Cuốn sách còn là những hồi tưởng về thời khắc quan trọng với câu lạc bộ Dinamo Zagreb, Tottenham Hotspur và Real Madrid, cùng kỷ niệm đáng nhớ tại giải đấu đỉnh cao FIFA World Cup 2018 của anh cùng đội tuyển quốc gia Croatia.Modrić là cầu thủ đầu tiên giành được cùng lúc 4 danh hiệu cá nhân cao quý nhất trong một năm: Quả Bóng Vàng World Cup 2018; Cầu thủ Xuất sắc nhất Năm của FIFA (Best FIFA Men”s Player); Cầu thủ Xuất sắc nhất Năm của UEFA (UEFA Men”s Player of the Year); Quả Bóng Vàng (Ballon d”Or).
“Với tôi, World Cup là đỉnh cao trong sự nghiệp của mỗi cầu thủ”, anh chia sẻ trong tự truyện.Trong cuốn tự truyện của mình, Luka Modric chia sẻ nhiều về sự lì lợm và quyết tâm to lớn trên sân cỏ. Quá trình cố gắng từ một người bị đánh giá không đúng với năng lực đến những chiến thắng tuyệt đẹp ở CLB Real Madrid và đội tuyển quốc gia.
Luka Modric viết: “Có lẽ điều quan trọng nhất chính là dù có nhiều trở ngại, tôi luôn có đủ kiên trì và tự tin để vượt qua tất cả. Mỗi người đều có con đường riêng, và do đó mỗi cá nhân, mỗi cầu thủ đều có những câu chuyện khác nhau. Nhưng nền tảng của mọi thành công trong đời đều là niềm tin vào chính bản thân, ngay cả khi ai đó nói với bạn “Vô ích thôi, đừng làm nữa!”.
Bình luận