Hướng tới kỉ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1921-21/6/2019) và tháng 7 – tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Tạp chí Môi trường và Đô thị chuẩn bị ra mắt bạn đọc cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) – Góc nhìn báo chí”.
Đây là một cuốn sách rất đặc biệt và đang được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thân nhân, gia đình các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc chiến này, háo hức đón đọc.
Trước hết, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tập thể các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, cựu chiến binh - những người đã có ý tưởng tốt đẹp và có quá trình hiện thực hóa ý tưởng đó một cách đầy nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm cao để cuối cùng thì cuốn sách quý này đã được xuất bản và chuẩn bị được phát hành đến với công chúng bạn đọc.
Đây là sản phẩm thể hiện ý thức, trách nhiệm, tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân của các tập thể các tác giả làm nên cuốn sách đối với những người có đóng góp và chiến đấu, hy sinh cho sự bình yên của Tổ quốc.
Thời điểm ra đời của cuốn sách
Thứ nhất, thời điểm cung cấp nội dung thông tin lịch sử của cuốn sách: Tính đến nay thì sự kiện Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam (2/1979) lùi xa 40 năm, là khoảng thời gian đủ để dư luận, nhân dân hai nước, cộng đồng quốc tế được tiếp cận tài liệu về lịch sử, thông tin khoa học, truyền thông đầy đủ hơn, chính xác hơn.
Những vấn đề khuất lấp của quá khứ, những thông tin từng bị hạn chế cũng cần được giải mã, sự thật khách quan về cuộc chiến tranh này cũng cần được làm sáng tỏ hơn, những phát mới về các vấn đề liên quan đến cuộc chiến này từ chính các nhân vật lịch sử, từ những nhà nghiên cứu lịch sử và những nhà hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực liên quan đến quan hệ đối ngoại Việt – Trung trong suốt 40 năm qua cũng cần được báo chí, truyền thông kịp thời cung cấp, phản ánh thông tin đến đọc giả, người dân.
Nhu cầu thông tin chân thật, khách quan, đầy đủ là nhu cầu chính đáng của công chúng, người dân. Từ đó sự thật của lịch sử sẽ được tôn trọng, những hạn chế của lịch sử sẽ được khắc phục, sai lầm sẽ được né tránh, kinh nghiệm, bài học sẽ được tiếp thu và những giá trị của hòa bình, ổn định trong hiện tại và tương lai của đất nước cũng sẽ được trân trọng hơn, ý thức cảnh giác trong vấn đề an ninh, quốc phòng của đất nước và trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng sẽ được nâng cao; tinh thần xây dựng, vụn đắp tình hữu nghị, quan hệ hợp tác bang giao giữa 2 nước Việt Trung cũng sẽ được thắt chặt hơn, được nhìn nhận đúng đắn, thấu hiểu hơn từ nhiều phía.
Thứ hai, thời điểm ra mắt cuốn sách: Theo dự kiến của BTC thì ngày ra mắt cuốn sách là ngày 19-6-2019. Đây là thời điểm thích hợp để cuốn sách ra đời nhằm hướng đến 94 năm - ngày tôn vinh sự ra đời, quá trình xây dựng, hoạt động, chiến đấu, trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019). Mặt khác, sự ra đời của cuốn sách còn nhằm hướng tới tháng Bảy – tháng tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Vì thế, tôi tin rằng đây là tác phẩm sẽ đáp ứng được nhu cầu từ đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, đặc biệt là thân nhân, gia đình các thương binh, liệt sĩ, người có công trong cuộc chiến tranh này.
Về tên gọi của cuốn sách: “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) – Góc nhìn báo chí”, tên gọi này có 2 vế, vế thứ nhất phản ánh hiện thực lịch sử “cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”, vế thứ hai phản ánh sự nhận thức đối với một vấn đề, một sự kiện của hiện thực lịch sử - nhưng là dưới góc độ tiếp cận của báo chí, theo lăng kính của báo chí “Góc nhìn báo chí”.
Vì thế đây là điểm nhấn đặc biệt đầu tiên của tác phẩm. Với Góc nhìn của báo chí thì vấn đề được nêu ra, sự kiện được phản ánh sẽ mang tính đặc thù của báo chí, phù hợp với vai trò, chức năng, quan điểm của báo chí.
Là tác phẩm của báo chí, do đó “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) – Góc nhìn báo chí”, cũng đã hội tụ trong nó những yêu cầu cơ bản, chẳng hạn như việc chuyển tải thông tin đến công chúng, tính công khai, tính thời sự, tính tương tác, tính đa dạng…; cứ liệu phong phú, chính xác, tư duy trong những bài viết đều thể hiện sự sắc sảo, văn phong phù hợp với văn hóa dân tộc; quan điểm tự do ngôn luận, báo chí được khai thác, được tôn trọng, những bài viết của các tác giả trong và ngoài nước, dưới góc nhìn đa chiều, khách quan đã được đưa vào tác phẩm. Những điều đó tạo nên tính thuyết phục, hấp dẫn của tác phẩm đối với nhiều đối tượng đọc giả khác nhau.
Về hình thức của cuốn sách, từ thiết kế hình ảnh trang bìa, màu sắc, khổ sách, font chữ, bố trí nội dung, hình ảnh kèm theo trong mỗi bài viết… đều cho thấy tính thẩm mỹ cao, tính hài hòa và thống nhất giữa các yếu tố thuộc về hình thức của cuốn sách. Điều này khẳng định tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của nhóm tác giả từ chủ biên, đến biên tập, biên soạn. Do vậy, cuốn sách đã tạo được cảm giác thoải mái, dễ chịu, dễ đọc làm tăng tính hiệu quả cho người đọc.
Về nội dung của tác phẩm: Cuốn sách đã tập hợp, hệ thống các bài viết của nhiều tác giả uy tín trong và ngoài nước được in trên nhiều tờ báo lớn, có uy tín trong nước. Bằng kinh nghiệm tác nghiệp dày dặn và tính chuyên nghiệp cao và tư duy sắc sảo, các cây bút của làn báo chí cách mạng đã tập trung khai thác tối đa những góc cạnh sinh động, bóc tách từng lớp bụi của thời gian để đi đến những chi tiết chân thực, khách quan về những vấn đề, sự kiện lịch sử xoay quanh cuộc chiến.
Đối tượng được khai thác, phỏng vấn là những nhân chứng lịch sử, từng trực tiếp tham gia chiến đấu, hoặc chứng kiến thời khắc hoa lửa của cuộc chiến đấu của quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc. Bên cạnh những câu chuyện được khắc họa đầy xúc động bởi chính những nhân chứng lịch sử thì nhiều cây bút còn tập trung khai thác, ghi chép những nhận định, đánh giá các tướng lĩnh công an, quân đội, giới sử học, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo, có uy tín để đem lại cái nhìn chân thực, toàn diện, khách quan, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề trong cuộc chiến này.
Do vậy, các bài viết đều có chất lượng tốt, thể hiện sự tâm huyết, tính chuyên nghiệp của các tác giả và sự cầu thị của các tờ báo. Có thể tóm tắt một số nội dung chính yếu rút ra từ các bài viết được in trong sách như:
Tái hiện lịch sử - Mô tả về cuộc chiến tranh Việt – Trung 1979, là nội dung được thực hiện bởi một số tác giả, trong đó - trước hết phải kể đến nhóm tác giả báo Công an nhân dân (Thu Hòa – Quỳnh Vinh- Hồng Hạnh – Bảo Quân), với chủ đề “Ký ức xúc động của cán bộ công an tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc”, qua một loạt bài viết với tiêu đề như: Người dân bản Dền Trắng đã sinh ra tôi lần thứ 2; “Anh hùng tuổi 20” và trận đánh bảo vệ Đồng Đăng; Hai số phận một chiến tuyến; Gác lại quá khứ nhưng không lãng quên. Cũng là chủ đề tái hiện lại những năm tháng chiến tranh đau thương này, nhưng là ở mặt trận Vị Xuyên, tác giả Phạm Dương Ngọc của báo Vtc.vn có bài viết “Những chuyện đau thương nơi “Cối xay thịt người” ở mặt trận Vị Xuyên”, gồm 2 kỳ: “Ký ức đau thương với đồng đội” (kỳ 1) và “Những điểm cao đau thương” (kỳ 2).
Tại thời điểm xảy ra cuộc chiến, những thông tin thời sự nóng hổi cũng đã được một số tờ báo lớn như Báo Nhân dân, quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Văn nghệ… đồng loạt đưa tin, phản ánh kịp thời những diễn biến trên chiến trường, với sự dũng cảm chiến đấu và hy sinh cùng những thắng lợi oanh liệt của quân và dân Việt Nam ở mặt trận biện giới phía Bắc.
Dưới góc nhìn của Văn học, cuộc chiến tranh đã được tái hiện một cách chân thực, sâu sắc qua tiểu thuyết “ Xác phàm” – Tiểu thuyết chân thực về chiến tranh biên giới 1979 của nhà văn Nguyễn Đình Tú, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Tính chân thực, sự gian khổ, tính ác liệt của cuộc chiến mà những người lính của quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua cũng được tái hiện trong tiểu thuyết Con chim joong bay từ A đến Z của nhà văn Đỗ Tiến Thụy, được báo Zing.vn điểm lại qua bài “Cuộc chiến bảo vệ biên giới qua lời kể của một khẩu súng”.
Và còn một số bài viết khác in trong Tác phẩm này cũng đã dành một phần dung lượng đầu tiên để trình bày, mô tả, khôi phục lại bức tranh lịch sử về cuộc chiến, qua đó làm nổi bật lên một số điểm nhấn thể hiện tính chất đau thương, tàn khốc, sự ác liệt của chiến tranh và vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, ác liệt ấy là một tinh thần chiến đấu oanh liệt, hy sinh đến cùng của những chiến sĩ thuộc LLVT và nhân dân ta ở mặt trận biên giới phía Bắc, nhằm ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược.
Nhận thức lịch sử - những sự nhìn nhận, đánh giá về cuộc chiến tranh theo góc nhìn báo chí: Đây là vấn đề trọng yếu của tác phẩm. Có thể tóm tắt những nội dung và quan điểm chủ yếu phản ánh sự nhận thức về cuộc chiến như sau:
1 - Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng sự thật lịch sử; hiểu đúng đắn, đầy đủ về lịch sử cuộc chiến tranh này là để tránh bóp méo sự thật lịch sử, không để lãng quên lịch sử, để các thế hệ hôm nay và mai sau biết trân quý hòa bình, có ý thức trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa 2 nước, 2 dân tộc Việt – Trung vì một tương lai tốt đẹp hơn. Về nội dung này, có một số bài viết của tác giả Trần Trung Hiếu, Thạc sĩ lịch sử - giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An như: “Chiến tranh biên giới 1979: ghi nhớ nỗi đau để chúng ta trân quý hòa bình” đăng trên báo Người Đưa Tin; “Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 trong SGK Lịch sử: Để sự thật không bị bóp méo, lãnh quên” đăng trên VtcNews; hay cuộc trò chuyện với chủ đề “Có những tình tiết lịch sử chỉ thấy dân gian lan truyền” của Thầy Trần Trung Hiếu với phóng viên Xuân Trung/giaoduc.net.vn.
Cùng nội dung nêu trên còn có bài viết “Còn nhắc tới chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng thì phải nhắc tới chiến thắng biên giới 1979” của báo Soha.vn, đã trích dẫn lại phát ngôn của một số tướng lĩnh Việt Nam - những “nhân chứng sống” ở nhiều cương vị khác nhau trong thời kỳ chiến tranh đó, với chung một suy nghĩ, một quan điểm và cũng là lời nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm phải làm sao đó để “sự thật lịch sử ấy không thể bị lãng quên”. Việc nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật lịch sử là quan điểm được nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với nhà báo Lưu Thủy/vtc.vn qua bài viết với tiêu đề “Ông Dương Trung Quốc: Chỉ thẳng quân TQ xâm lược VN trong sách lịch sử là cần thiết”.
2- Nội dung và quan điểm bao trùm Tác phẩm chính là sự khẳng định về tính chính nghĩa, sự cao thượng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1979, đối lập với điều đó là tính phi nghĩa, sự phản bội tình nghĩa thủy chung giữa hai dân tộc cùng ý thức hệ của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Cùng với việc vạch trần tính phi nghĩa của phía Trung Quốc, một số bài báo còn vạch trần bộ mặt thật của một nhân vật chủ chốt trong giới lãnh đạo Trung Quốc, kẻ chủ mưu đầy tham vọng, đã gây ra cuộc chiến tranh đau thương này - đó chính là Đặng Tiểu Bình và rút cuộc Trung Quốc đã phải chịu thảm bại trong cuộc chiến này. Về nội dung này, có một số bài viết của một số tác giả đăng trên các tờ báo như:
Cuộc trao đổi giữa phóng viên Ngọc Quang của báo giáo dục.net với Thầy giáo Trần Trung Hiếu về chủ đề “Hành động của quốc gia láng giềng nhưng có lòng tham vô đáy”; ở bài viết khác với tiêu đề “Cuộc chiến 2/1979: Chứng cứ dã tâm của Trung Quốc” đăng trên Báo Đất Việt, bài viết đã chỉ rõ việc Trung Quốc quyết tâm tấn công dằn mặt Việt Nam; Đặc biệt là qua bài “Chiến tranh biên giới Việt – Trung: Đặng Tiểu Bình và những toan tính trước ngày 17/2/1979”, đăng trên Xunghe24h.com, đã phơi bày những toan tính nhằm giải quyết vấn đề đối nội của Đặng Tiểu Bình trong việc “củng cố quyền lực” và tìm kiếm sự ủng hộ cho con đường mở cửa, hiện đại hóa đất nước (từ Mỹ, Nhật Bản…), bằng việc gây ra cuộc chiến tranh với Việt Nam và lấy hành động đó làm “món quà tâng công với Mỹ”. Cùng với tính chính nghĩa là sự cao thượng mà quân dân Việt Nam đã dành cho quân Trung Quốc xâm lược, đây là nội dung được chuyển tải qua cuộc phỏng vấn của báo VnExpress với PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, Chính ủy Sư đoàn 308, với chủ đề “Vì hòa bình chúng ta đã chấp nhận cho Trung Quốc rút quân”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà đã cho rằng: Trung Quốc tuyên bố rút quân và đến ngày 18/3 thì rút hết. Chúng ta để cho họ thực hiện và giám sát việc này. Khi đó, các quân đoàn chủ lực của ta đã cơ động lên đến biên giới phía Bắc và vào vị trí chiến đấu, thậm chí là bao vây và sẵn sàng tiêu diệt các lực lượng quân Trung Quốc. Nhưng chúng ta kiềm chế không đánh, đề phòng họ lấy cớ quay trở lại khiến cuộc chiến tranh kéo dài.
Các đơn vị cũng nhận lệnh để cho họ rút và không tiến hành truy quét, tiêu diệt. Nếu nói về trình độ thì quân đội Việt Nam vẫn rất thiện chiến, vũ khí cũng còn dồi dào, nhưng dân tộc Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc trường kỳ kháng chiến, kinh tế còn khó khăn và thẩu hiểu giá trị của hoà bình. Do đó, chúng ta lựa chọn biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề.
3- Vấn đề ghi chép, trình bày, phản ánh về cuộc chiến này trong SGK và việc giáo dục cho lớp trẻ, đặc biệt là học sinh phổ thông hiện nay hiểu đầy đủ về sự thật, hiểu đúng về tính chính nghĩa của quân và dân Việt Nam trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược.
Về nội dung này, điểm qua có một số bài viết của các tác giả như: “Dạy học về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trong các trường phổ thông hiện nay” của ThS.Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Trong bài viết này, Thầy Hiếu đã nêu lên một số vấn đề như: 1. Sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành đã tồn tại nhiều bất cập; 2. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc trong sách giáo khoa Lịch sử phổ thông hiện hành. Theo Thầy Hiếu “Từ góc độ của một giáo viên Sử phổ thông đã trải qua 25 năm dạy Sử với nhiều giai đoạn, cấu trúc chương trình sách giáo khoa khác nhau, tôi xin được cùng trao đổi về kiến thức cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc trên hai vấn đề sau : Thứ nhất, về nội dung kiến thức.
Thứ hai, về sự “giảm tải” kiến thức của Bộ GD&ĐT. 3. Cần viết đúng, viết đủ trong chương trình và sách giao khoa mới. 4. Trách nhiệm của giáo viên Sử phổ thông khi chưa có sách giáo khoa mới”. Cũng trong bài viết của nhà báo Lưu Thủy của báo vtc.vn (đã nêu ở trên) với tiêu đề “Ông Dương Trung Quốc: Chỉ thẳng quân TQ xâm lược VN trong sách lịch sử là cần thiết”, nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà sử học Bùi Thiết đã cho rằng né tránh về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc trong SGK là một sai lầm lớn và 'có tội' với lịch sử dân tộc, việc chỉ thẳng Trung Quốc xâm lược Việt Nam là rất cần thiết. Từ góc nhìn của một vị tướng Công an - Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược - Bộ Công an, có bài viết “40 năm cuộc chiến tranh chống xâm lược 17/2/1979: Nhìn lại và suy ngẫm”.
Trong bài viết này, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng đã đề cập đến thực trạng nghiên cứu, giảng dạy, học tập về lịch sử cuộc chiến tranh này ở Việt Nam trước nay: “Rất tiếc, cho đến nay, cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược Trung Quốc đầu năm 1979 có vẻ như vẫn bị đặt bên lề dòng lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầu năm 1979 tồn tại rất mờ nhạt, thoảng qua (hơn cả “cưỡi ngựa xem hoa”) trong sách giáo khoa các cấp học phổ thông và giáo dục đại học. Cũng chưa có một công trình chuyên khảo, chưa có một cuốn sách nào về cuộc chiến tranh này được xuất bản, công bố công khai rộng rãi. Tác giả cũng cho rằng việc “Hiểu rõ lịch sử để không ngộ nhận và bị động trong tương lai”.
4- Góc nhìn của người Trung Quốc về cuộc chiến
“Chiến tranh 1979 dưới con mắt một viên tướng” là bài viết trên trang nghiencuuquocte.org, bài viết có nội dung trích dẫn từ bài phát biểu tại căn cứ Không quân Côn Minh - Vân Nam của Lưu Á Châu, Trung tướng, Chính ủy Đại học Quốc Phòng Trung Quốc. Mục đích của bài đăng này nhằm giúp “bạn đọc có thể tìm hiểu một vấn đề lịch sử nhìn từ phía bên kia và thấy rõ hơn “cung cách” Trung Quốc ứng xử với thế giới hiện đại.Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền vào năm 1978, tháng 1/1979, ông thăm Mỹ, tháng 2/1979 đánh Việt Nam.
Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Vì sao? Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, chương trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã được ông vạch sẵn, muốn thực hiện chương trình này phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Phải đánh một trận. Khi đó, “bè lũ bốn tên” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong nội bộ Đảng còn rất đông, họ vừa chống lại Đặng Tiểu Bình, vừa phản đối đường lối và chính sách của ông.
Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh. Lưu Dụ (?) cũng làm như vậy. Khi đó, rất nhiều người phản đối chiến tranh, cho rằng Quân Giải phóng vừa trải qua “Cách mạng văn hoá”, không thể đánh trận được. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình rất quyết đoán, dẹp mọi tranh cãi, chỉ huy Quân Giải phóng ào ạt vượt qua biên giới vào ngày 17/2. Thứ hai là người Mỹ, ý nghĩa của việc này cũng rất lớn”.
Bài viết “Chiến tranh biên giới – Một cách nhìn khác từ phía Trung Quốc” của tác giả Thu Thủy/Vietnamnet.vn, nêu lên một hiện thực đó là “ngày càng có nhiều người Trung Quốc, nhất là các học giả và những người lính đã từng tham gia cuộc chiến tranh năm ấy nhận rõ sự thực, dũng cảm nói lên những tiếng nói phản bác lại những điều mà họ đã ngộ nhận, công bố và phân tích về những thực tế phũ phàng của “cuộc chiến tranh vô nghĩa” trái đạo lý ấy.
5- Góc nhìn của người Mỹ và cộng đồng quốc tế về cuộc chiến
Bài viết “Chiến tranh biên giới 1979: Góc nhìn của một người Mỹ”, tác giả của Báo Đất Việt đã “trích lọc và giới thiệu góc nhìn của một người am hiểu hiểu về lịch sử khu vực Đông Dương và hiểu rất rõ về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Đó là nhà báo nổi tiếng Nayan Chanda qua tác phẩm Brother Enemy: The War After the War - tạm dịch là Huynh đệ tương tàn: Chiến tranh tiếp diễn.Qua tài liệu cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, có thể nhận diện góc nhìn của ông Chanda về cuộc chiến thể hiện dưới hai khía cạnh, đó là lý do Trung Quốc thất bại và bài học cho Bắc Kinh qua cuộc chiến” và theo tác giả bài báo thì nhận định của nhà báo Chanda về sự thất bại của Trung Quốc là “Trung Quốc thất bại vì vũ khí mới nhưng kỹ - chiến thuật tác chiến lại quá lạc hậu”.
Ở một bài khác với tiêu đề “Quốc tế nói về chiến tranh biên giới năm 1979” đăng trên Báo Đất Việt, bằng việc “trích dịch một phần nhỏ nói về cuộc chiến này của M.Ilinski trong quyển hồi ký “Đông Dương, đống tro tàn của bốn cuộc chiến tranh” của ông do nhà xuất bản “Veche” Matxcơva ấn hành năm 2000 thuộc seri sách “Những bí mật quân sự thế kỷ XX”. Xin nói thêm là M.Ilnski là người đã trực tiếp có mặt tại chiến trường biên giới phía Bắc suốt thời gian chiến sự…
Thực ra, các hành động xâm nhập biên giới đã được phía Trung Quốc thực hiện một cách có hệ thống ngay từ năm 1974. Năm 1975, đã có tới 294 lần các nhóm vũ trang Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Năm 1976, con số các vụ vi phạm đường biên giới là 812, năm 1977- là 873 và đến năm 1978, con số trên đã là 2.175 vụ. Tháng 1/1974, Lực lượng vũ trang Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Năm 1978, số vụ quân đội Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tăng lên từng ngày. Hoạt động gián điệp, khiêu khích quân sự, phá hoại kinh tế, đe dọa dạy cho “Việt Nam vô ơn một bài học”, kêu gọi Hoa kiều rời Việt Nam, đây là tất cả những biện pháp phá hoại (nhiều mặt) mà các cơ quan đặc biệt Trung Quốc sử dụng để chống Việt Nam. Họ đã chuẩn bị chiến tranh như thế đấy.
Bài “Cuộc chiến tranh 17-2-1979: Quốc tế chứng minh Trung Quốc thảm bại” đăng trên Báo Đất Việt . Bài viết cho rằng “Tuy chưa đồng nhất về số liệu, nhưng đa số các học giả nước ngoài đều thống nhất nhận định, TQ đã thất bại trong chiến tranh xâm lược VN 17-2-1979”.
6- Góc nhìn hậu chiến, góc nhìn của tuổi trẻ về cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược 1979-1989.
“Chiến tranh biên giới 1979 - Một góc nhìn hậu chiến” của tác giả Xuân Dương/ giaoduc.net.vn, qua bài viết tác giả đã nêu lên một số câu hỏi như: Nếu cha ông ta không ghi lại lịch sử hào hùng của người Việt thời Lý Thường Kiệt trên sông Như Nguyệt, thời Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo trên sông Bạch Đằng, Lê Lợi ở Chi Lăng, Nguyễn Huệ ở Đống Đa… thì người Việt có được như hôm nay?
Vậy tại sao chúng ta dường như vẫn ngại ngùng khi dạy cho con cháu về cuộc chiến đẫm máu chống xâm lược trên biên giới phía Bắc và phía Tây Nam những năm 70 thế kỷ trước? Không phải những người viết sách giáo khoa không có tư liệu, càng không phải đánh giá công bằng lịch sử sẽ làm mất đi tình hữu nghị giữa các dân tộc hay ảnh hưởng đến ý thức hệ…
Hiện tại còn nhiều tài liệu chưa được giải mật về cuộc chiến, song nên chăng đã đến lúc nhìn lại, đánh giá lại một cách nghiêm túc để làm sao tránh được chiến tranh? Bối cảnh chính trị quốc tế, khu vực thời điểm đó như thế nào? Có lẽ vì thiếu đánh giá một cách khoa học về cuộc chiến nên người ta sợ nhắc đến nó? Bên cạnh đó, bài “Góc nhìn của tuổi trẻ về cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược (1979-1989) của tác giả Đinh Hữu Thuận – NCS tại ĐHKHXH & NV- ĐHQGHN, qua bài viết tác giả đã nêu lên một số suy nghĩ, trăn trở của tuổi trẻ về một số vấn đề xoay quanh cuộc chiến này.
7- Những ảnh hưởng, tác động từ cuộc chiến tranh Việt – Trung (1979-1989) đến quan hệ bang giao giữa 2 nước, đến vấn đề Campuchia, vấn đề biển Đông và ứng xử của Việt Nam, Trung Quốc trong quan hệ quốc tế hiện nay.
“Khúc quanh lịch sử trong quan hệ Việt – Trung” là bài viết của tác giả - Đại tá Đặng Việt Thủy đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam; “Vấn đề Campuchia trong cuộc chiến tranh Trung – Việt năm 1979” của tác giả Nguyễn Mai Hoa/vanhoanghean.com.vn, ở bài viết này, với một dung lượng khá dài tác giả đã tập trung làm rõ 3 vấn đề lớn từ chính sách của phía Trung Quốc: 1- Chính sách của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á; 2- Quan hệ của Trung Quốc với Campuchia Dân chủ; 3- Phnom Penh đối đầu với Hà Nội và cuộc chiến tranh “trừng phạt” Việt Nam của Trung Quốc
"Chiến tranh vệ quốc 1979 và cách ứng xử trong quan hệ quốc tế hiện nay” là bài viết của tác giả TS.Trần Công Trục/ tamnhin.net.vn, bài viết đã nêu ra 4 bài học lớn cho Việt Nam trong quan hệ ứng xử với Trung Quốc.
Cũng là nội dung về các bài học lớn trong quan hệ ứng xử với Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đã có bài viết “Bài học chiến tranh biên giới 1979-1989 với khủng hoảng Biển Đông” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Suy ngẫm về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989, tác giả đã rút ra một số bài học như: Bài học cảnh giác thứ nhất: Âm mưu và biến tướng; Bài học cảnh giác thứ hai: “Đại cục và Tiểu cục”; Bài học cảnh giác thứ ba: Thủ đoạn không đánh mà thắng; Bài học “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”.
8- Những nỗi ám ảnh đau thương về cuộc chiến và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong công việc của các cán bộ, chiến sĩ và người dân vùng biên giới phía Bắc.
Bài viết “Tướng Nguyễn Huy Hiệu và Ký ức đón giao thừa ở mặt trận Vị Xuyên” của tác giả Nguyễn Hường/Người Đưa tin, nói lên ký ức của “Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn nhớ như in về một cái Tết đặc biệt trong đời binh nghiệp khi ông đến Vị Xuyên, Hà Giang vào tháng 2/1988”; Bài viết “Những chuyện đau thương nơi “Cối xay thịt người” ở mặt trận Vị Xuyên”, gồm 2 kỳ: “Ký ức đau thương với đồng đội” (kỳ 1) và “Những điểm cao đau thương” (kỳ 2) của tác giả Phạm Dương Ngọc, báo Vtc.vn; “Bí quyết vui sống vượt mốc trăm tuổi của bà mẹ liệt sĩ người Mông ở Bắc Hà” là bài của Chi hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Thái Nguyên.
Thông qua bài viết, câu chuyện về bà Vàng A Sinh một nhân chứng lịch sử, từng chịu đau thương khi có người con trai hy sinh trong cuộc chiến 1979. Vượt qua đau thương, bà đã tiếp tục sống và nhận được sự chăm sóc chu đáo của người thân gia đình và xã hội. Mượn lời kết của bài viết này để thay cho lời kết chung về phần nội dung: “Mong sao các thương binh, gia đình, thân nhân liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới 17/2/1979 được yêu thương, chia sẻ của gia đình và cộng đồng để được sống an vui, trường thọ như cụ bà mẹ liệt sĩ người Mông trên đỉnh non cao Bắc Hà”!
Từ những luận cứ, luận chứng có sức thuyết phục cao được nêu lên trong mỗi bài viết, từ những cách tiếp cận ở góc độ khác nhau về cuộc chiến, các tác giả nói riêng và toàn bộ Tác phẩm nói chung đã cung cấp cho đọc giả cái nhìn chân thực, đa chiều, khách quan, từ đó có thể tạo cơ sở cho sự thống nhất cao trong nhận thức và quan điểm về bản chất của cuộc chiến.
Và dù có sự thống nhất cao hay không thì có thể nói, cuộc chiến đã đi qua, quá khứ đã khép lại nhưng nhận thức lịch sử thì không bao giờ khép lại, nó còn được tiếp tục nhận thức, được khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau, để tìm ra những giá trị phù hợp, phục vụ cho hiện tại và tương lai của xã hội, của đất nước.
Về mục đích của cuốn sách: Về mặt khoa học, cuốn sách ra đời với mục đích cung cấp, chuyển tải đến đọc giả, công chúng những thông tin bổ ích, cần thiết về cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược 1979-1989. Việc hệ thống hóa tư liệu báo chí về cuộc chiến tranh Việt – Trung 1979 -1989 thành một tác phẩm, sẽ góp phần cung cấp những thông tin khoa học, những cứ liệu lịch sử khách quan, chân thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, giảng dạy lịch sử và công tác đối ngoại đạt được hiệu quả hơn.
Về mặt giáo dục: Cuốn sách ra đời nhằm “ôn cố nhi tri tân”, giáo dục và truyền cảm hứng về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Về mặt nhân văn: Tác phẩm ra đời thể hiện lòng thành kính của nhóm tác giả, nhằm tri ân, tôn vinh những người anh hùng, liệt sĩ và thân nhân, gia đình các anh hùng liệt sĩ đã có những đóng góp, hy sinh to lớn trong cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Về ý nghĩa của cuốn sách: Cuốn sách là sản phẩm của trí tuệ, tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, yêu hòa bình, tự do của người Việt Nam, nhất là của chính tập thể các tác giả biên tập, biên soạn, nhà xuất bản. Sự ra đời của cuốn sách là việc làm đáp ứng sự mong mỏi của nhiều đọc giả, công chúng, nhất là những nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, giáo viên, cựu chiến binh, thân nhân các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1979.
Đặc biệt, tác phẩm này cũng đã thể hiện tinh thần, sự nhận thức của giới nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo, các cựu chiến binh về tầm quan trọng của việc chuyển tải, cung cấp thông tin lịch sử chân thực, khách quan, đầy đủ đến với thế hệ trẻ, đến với nhân dân nhằm tạo cơ sở để thống nhất cao trong nhận thức và hành động trước những vấn đề liên quan đến cuộc chiến này.
Qua đó bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập, hòa bình, tự do của Tổ quốc. Cuốn sách cũng là một lời nhắc nhở để nhân dân 2 nước Việt – Trung tránh mắc phải những sai lầm của lịch sử, không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị Việt – Trung được phát triển tốt đẹp, bền vững.
Là một tác phẩm báo chí, phản ánh về một cuộc chiến tranh đã lùi xa, bằng những sự nỗ lực cao nhất, dựa trên những thông tin, tài liệu báo chí hiện có để xây dựng thành một tác phẩm, chắc hẳn trong quá trình làm việc các tác giả biên tập, biên soạn, nhà xuất bản khó tránh khỏi một số thiếu sót, hạn chế nhất định, tuy nhiên từ tấm lòng thành kính, sự tâm huyết, nỗ lực hết mình của tập thể các tác giả với một mục đích cao đẹp, tác phẩm ra đời trở thành một món quà quý giá đối với công chúng, bạn đọc, là một sự tri ân sâu sắc đến các gia đình, thân nhân các thương binh, liệt sĩ và đây cũng là một món lễ vật thiêng liêng để kính dâng lên những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Trung Quốc xâm lược (1979-1989).
Với sự nhận thức còn hạn chế, tác giả bài viết mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc để chúng ta cùng lĩnh hội thêm những điều bổ ích từ tác phẩm rất đáng trân quý này!
Bình luận