• Zalo

Quyết xây tường biên giới, ông Trump phải đối mặt những rắc rối nào?

Thế giớiThứ Ba, 08/01/2019 15:54:00 +07:00Google News

Chuyên gia nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với nhiều rắc rối nếu tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để lấy quỹ xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico.

Theo Reuters, các chuyên gia pháp luật cho rằng vẫn chưa rõ chính xác quá trình xây bức tường của ông Trump sẽ diễn ra như thế nào, nhưng một khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, một phiên tòa kiểm tra có thể xảy ra nhằm xác minh tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía Nam và những giới hạn với quyền của tổng thống về ngân sách.

Các chuyên gia nhận định tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể kết thúc chuỗi 17 ngày đóng cửa chính phủ một phần, nhưng sẽ gây ra một trận chiến pháp lý dài hơi làm căng thẳng quá trình tái tranh cử của ông Trump năm 2020 và “thêm dầu vào lửa” cho những nhà phê bình vốn đã cáo buộc ông có khuynh hướng độc đoán lạm quyền.

donald-trump-reuters-1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) 

Theo Hiến pháp Mỹ, các quyết định sử dụng quỹ thuế và tạo ra các chính sách mới sẽ do Quốc hội đưa ra. Dù vậy, Tổng thống có thể đưa ra những quyết định nhanh trong các trường hợp khẩn cấp, sử dụng phối hợp các luật trong những tình huống cụ thể như chiến tranh, thảm họa tự nhiên và bệnh dịch.

Như vậy, Tổng thống Trump có thể lấy nhập cư bất hợp pháp làm nguyên nhân ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép ông huy động quân đội đến biên giới và sử dụng nhân sự Bộ Quốc phòng thiết kế và xây dựng một bức tường. Tuy nhiên ông Trump có thể được yêu cầu chứng minh trước tòa rằng một trường hợp khẩn cấp thực sự tồn tại.

Một báo cáo năm 2007 của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội – bộ phận nghiên cứu phi đảng phái của cơ quan lập pháp – cho biết: “Cả cơ quan tư pháp và Quốc hội đều có thể kiềm chế nhánh hành pháp về các quyền khẩn cấp.”

Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia Mỹ năm 1976 quy định về việc quốc hội kiểm tra các trường hợp khẩn cấp của tổng thống. Theo luật, tổng thống phải thông báo cho quốc hội và công chúng về một tuyên bố khẩn cấp.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng có thể hủy bỏ tuyên bố này, nhưng cần phải thông qua cả Thượng viện và Hạ viện. Điều này sẽ trở nên rắc rối khi Hạ viện nằm dưới quyền kiểm soát của đảng Dân chủ nhưng Thượng viện lại nằm trong tay các thành viên Đảng Cộng hòa.

Thách thức thứ hai của ông Trump là ngay cả khi có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp một cách thuyết phục, ông vẫn sẽ phải đối mặt với một rắc rối khác là gom quỹ cho bức tường từ những khoản quỹ đã được Quốc hội dành cho những mục đích khác.

Tổng thống Mỹ có thể gặp rắc rối xâm phạm thẩm quyền Quốc hội nếu cố gắng chuyển những khoản quỹ đã được duyệt cho việc khác sang xây dựng bức tường. Theo Reuters, trong trường hợp này, ông Trump có thể phải khai thác nguồn quỹ gồm các khoản Quốc hội Mỹ vẫn cung cấp cho một số cơ quan liên bang mà không có ưu tiên cụ thể.

Mark Tushnet, giáo sư về luật hiến pháp tại Đại học Luật Havard, Mỹ cho rằng "việc cho phép tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp là một cách sử dụng quyền rất hung hăng. Nhưng hung hăng không có nghĩa là nó bất hợp pháp. Điều này chỉ có nghĩa là nó vượt khỏi những giới hạn của những gì được làm trước đây.”

Ngày 7/1, Tổng thống Trump tuyên bố sắp có bài phát biểu trước toàn quốc, chỉ một ngày sau khi ông đe dọa sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu Hạ viện Mỹ nhất quyết không thông qua ngân sách cho bức tường biên giới. Cùng ngày, thư ký báo chí Nhà Trắng Huckabee Sanders cho biết ông Trump sẽ tới thăm biên giới phía Nam giáp với Mexico vào ngày 10/1 để gặp gỡ người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia và nhân đạo này. 

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn