• Zalo

Quyết định xóa sổ chợ Long Biên, Bộ Công Thương có nhầm lẫn?

Kinh tế Chủ Nhật, 12/07/2015 03:45:00 +07:00Google News

Quyết định di dời xóa sổ chợ Long Biên, Bộ Công Thương có nhầm lẫn?

Quyết định phê duyệt việc quy hoạch mạng lưới chợ toàn quốc của Bộ Công Thương vừa được đưa ra thì đã "vấp" ngay phải nhiều ý kiến bức xúc.

Quy hoạch của Bộ không khớp quy hoạch của Thành phố

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 6481/QĐ-BCT phê duyệt việc Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc giai đoạn từ năm 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Quyết định được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ký nhằm mục tiêu phát triển mạng lưới chợ đồng bộ, hài hòa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho sản xuất, chế biến và nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân trên cả nước.

Theo đó, Hà Nội sẽ giữ nguyên chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm), xoá bỏ di dời chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) và chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình).
Đồng thời sẽ xây mới thêm 3 chợ đầu mối nông sản tại xã Phủ Đổng huyện Gia Lâm (giai đoạn 2015-2020), chợ đầu mối nông sản tại Quốc Oai và Phú Xuyên (giai đoạn 2021-2025).

chợ Long Biên
Theo Quyết định của Bộ Công Thương, chợ đầu mối Long Biên sẽ bị di dời hoặc xóa bỏ
Ngoài ra, Quyết định của Bộ Công thương cho thấy Hà Nội sẽ giữ nguyên chợ hạng 1 bao gồm: Chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Hà Đông, chợ Nghệ và chợ Thị trấn Vân Đình.

Ngoài ra
sẽ có 13 chợ đầu mối trên toàn quốc không đảm bảo các điều kiện sẽ bị xóa bỏ hoặc di dời theo tiêu trí quy hoạch hoặc hiệu quả kinh doanh thấp phải chuyển đổi công năng.

Tuy nhiên Quyết định Quy hoạch chợ này của Bộ Công Thương còn có nhiều điểm không khớp với quy hoạch chợ của Thành phố Hà Nội mới được ban hành từ năm 2012.

Theo Quy hoạch của Bộ Công Thương, Hà Nội sẽ không nâng cấp bất kỳ chợ đầu mối nào mà sẽ xây thêm 3 chợ đầu mối mới ở Gia Lâm, Quốc Oai và Phú Xuyên.

Còn theo quy hoạch chợ đầu mối của Hà Nội vào năm 2012, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng hẳn 5 chợ đầu mối, ngoài 3 chợ như trong quy hoạch của Bộ còn có 2 chợ đầu mối nông sản tại Sóc Sơn và Mê Linh.

Đối với chợ hạng I, Quyết định của Bộ Công Thương cho thấy, Hà Nội sẽ nâng cấp, cải tạo 4 chợ hạng I là chợ Ngã Tư Sở, chợ Hôm, chợ Vồi và chợ Nành. Đặc biệt, không được xây mới cũng như không xoá bỏ bất kỳ chợ hạng I nào.

Thế nhưng, quy hoạch của Thành phố Hà Nội lại cho thấy, Hà Nội sẽ nâng cấp hẳn 13 chợ hạng I thay vì 4 chợ nêu trên. Trong đó chợ Hà Đông, chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi cũng sẽ được nâng cấp chứ không phải được giữ nguyên hiện trạng như trong quyết định của Bộ.

Có sự nhầm lẫn lớn trong quyết định xóa bỏ chợ Long Biên?

Ngay sau thông tin xoá bỏ chợ đầu mối Long Biên được đăng tải trên các kênh truyền thông hôm 7/7, ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội đã rất bức xúc.

Theo ông, đã có sự nhầm lẫn lớn ở đây. "Bộ Công Thương không rõ lấy ý kiến những bên nào nhưng không lấy ý kiến chúng tôi về việc xoá bỏ các chợ này", ông Khánh nói.

Ông khẳng định: "Theo quy hoạch của Hà Nội và chủ trương phát triển mạng lưới chợ của chúng tôi, không hề có kế hoạch xoá bỏ chợ Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội, hay còn gọi là chợ Đền Lừ. Cả hai chợ này vẫn có tên trong danh mục chợ của Hà Nội".

Ông Khánh cho biết: "Trên thực tế, chợ Long Biên không được xếp hạng là chợ đầu mối nhưng lại có tính chất hoạt động giống như chợ đầu mối. Chúng tôi đã nêu rõ trong quy hoạch, sẽ chuyển chợ Long Biên theo mô hình là chợ dân sinh hạng 2. Như vậy, sẽ thuận tiện cho công tác quản lý. Toàn bộ hoạt động của chợ sẽ do Quận Ba Đình chịu trách nhiệm".

Ông Khánh dẫn chứng chính là Quyết định 5058 ban hành năm 2012 của UBND Tp Hà Nội phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Hà Nội cũng đã nêu rõ sẽ tổ chức có 5 chợ đầu mối nông sản tổng hợp ở các huyện xung quanh Hà Nội.

Theo phân tích của ông Khánh, khi 5 chợ đầu mối này hoạt động, nhịp độ buôn bán, lưu thông hàng hoá ở chợ Long Biên sẽ được giảm tải dần dần. Tuy nhiên, quá trình giảm tải, để chợ Long Biên trở thành chợ hạng 2 sẽ phải diễn ra dần dần vì đây là khu chợ lâu đời, gắn liền với tập quán buôn bán của người dân Hà Nội nhiều năm nay (trước năm 1985).

"Nói như vậy, không hề có chuyện Hà Nội sẽ cho đóng cửa các chợ này, ít nhất là trước năm 2020", ông Khánh nhấn mạnh.

Sáng 8/7, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản gửi gấp tới Bộ Công Thương đề nghị làm rõ các thông tin "xoá bỏ chợ Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội" trong Quy hoạch của Bộ công bố.

Thực tế quy hoạch đi ngược lại với mong muốn

Thực hư chuyện liệt chợ đầu mối Long Biên và chợ phía Nam Hà Nội vào hạng mục bị xóa bỏ, di dời dù chưa rõ, nhưng trước hết phải nhìn tới hiệu quả của việc quy hoạch mạng lưới chợ ở Thủ đô nói riêng và toàn quốc nói chung từ trước đến nay.

Theo báo cáo đánh giá về thực trạng mạng lưới chợ, Bộ Công Thương cũng cho biết, đợt kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2010, định hướng đến 2020 cho thấy, nhiều chợ đầu mối đã không hình thành được theo đúng như quy hoạch.

Lý do là bởi không có vốn đầu tư, không hấp dẫn đầu tư, hoặc không phù hợp và địa bàn khu vực đó không có nhu cầu phát triển chợ đầu mối. Vì vậy, cần loại bỏ khỏi quy hoạch hoặc chuyển sang vị trí khác những trường hợp này.


Năm 2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với nhiều mục tiêu tham vọng với tổng số vốn được xác định đầu tư cho việc này lên tới hơn 15,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vài năm thực hiện, thực tế đã đi ngược lại với mong muốn.

Chẳng hạn như chợ đầu mối Vĩnh Tuy (Bắc Quang, Hà Giang) đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng rồi bỏ không. Có những chợ đang kinh doanh tấp nập thì được đưa vào sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa…, kết quả là “vắng như chùa Bà Đanh”, như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da (Hà Nội).
Chợ Hàng Da vắng như "chùa Bà Đanh" sau khi được nâng cấp 
Bộ Công Thương cũng thừa nhận: Nhiều chợ hạng I (chợ bán buôn bán lẻ quy mô lớn) có đủ tiêu chí về số điểm kinh doanh thì số hộ kinh doanh lại rất thấp. Ngược lại, rất nhiều chợ quá tải. Một mâu thuẫn đang tồn tại là nếu nâng cấp cải tạo chợ thành nhiều tầng thì lập tức bị khách hàng và cả tiểu thương quay lưng, vì không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ.

Chưa kể đến tình trạng làm biến mất không gian kinh doanh vốn có của nhiều chợ đang rất sầm uất bằng cách kết hợp nhiều công năng, mục đích sử dụng khác nhau trong một mô hình thiết kế hoàn toàn không phù hợp với tính chất buôn bán trên chợ. Đây chính là lý do vì sao mỗi lần có dự án cải tạo chợ thì đa phần tiểu thương đều phản đối

Huyền Trân (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn