Quan hệ Nga-Israel đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây sau vụ trinh sát cơ Il-20 của Nga bị bắn hạ làm 15 quân nhân Nga thiệt mạng hôm 17/9.
Bộ Quộc phòng Nga cáo buộc Israel phải chịu trách nhiệm về thảm kịch, khẳng định sự kiện bi thảm bắt nguồn từ hành vi cố ý của phi công Israel.
Tel Aviv bác bỏ mọi cáo buộc và thậm chí còn gửi một phái đoàn quốc phòng tới Nga để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên, những nỗ lực của họ dường như không hiệu quả, khi Nga liên tiếp đưa ra những bằng chứng đanh thép buộc tội Lực lượng không quân Israel. Tới ngày 24/9, Matxcơva tuyên bố sẽ triển khai hệ thống phòng không S-300 tới Syria để tăng cường khả năng phòng thủ của Syria, ngăn chặn hiệu quả các đối tượng tiếp cận không phận nước này.
Chuyên gia phân tích chính trị Alexander Khramchikhin đến từ Viện Phân tích Chính trị và Quân sự có trụ sở tại Matxcơva cho rằng động thái mới của Nga có thể sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng triển khai các cuộc tấn công của Israel vào Syria. Trong khi, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow Dmitry Trenin nhận định quyết định triển khai S-300 của Nga tới Syria sẽ khiến Israel phải cẩn trọng hơn khi tiếp cận với các vùng có sự hiện diện của quân đội Nga.
Tuy nhiên, theo cây viết Yury Barmin của Aljazeera, sẽ còn nhiều vấn đề nảy sinh hơn thế.
Tam giác Iran-Nga-Israel
Khi Nga can thiệp quân sự tại Syria và tháng 9/2015, Israel đã hoan nghênh vì coi đó như một cách để kiếm chế Iran. 2 nước đã đạt đạt được một thỏa thuận không vượt qua lằn ranh đỏ của nhau.
Israel chấp nhận để lực lượng Nga mở rộng tầm hoạt động tới gần biên giới nhằm hỗ trợ các hoạt động của Nga tại Syria tiến tới mục tiêu đánh bật phe đối lập Syria. Đáp lại, Nga để Israel hoạt động tự do ở Syria.
Để đảm bảo các hoạt động của không quân Israel không nảy sinh bất cứ rắc rối nào, ngay từ khi bắt đầu can thiệp quân sự ở Syria, Nga đã thiết lập một đường dây nóng với Israel.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon, Tel Aviv sẽ không phải thông báo cho Matxcơva về các hoạt động của mình khi quân đội Nga tự xác định được rằng máy bay Israel không can thiệp vào các hoạt động của họ.
Kể từ đầu năm 2018, Israel đã tăng cường các cuộc tấn công vào các mục tiêu Iran và Hezbollah ở Syria với sự đồng ý ngầm của Nga.
Tuy nhiên, theo Barmin, chính sách không can thiệp vào các hoạt động của Israel ở Syria có lẽ đã bị Tel Aviv hiểu nhầm như một lời phê chuẩn của Matxcơva.
Về phần mình, Nga gần như không thực hiện bất cứ động thái lớn nào để kiềm chế Iran. Thực tế trong 3 năm qua, những thành công quân sự của Matxcơva lại tạo tiền đề giúp Iran củng cố sự hiện diện ở Syria. Điều này phá vỡ hy vọng của Israel và phần nào đó làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Matxcơva và Tel Aviv mặc dù giới chức Nga, thậm chí là cả Tổng thống Putin đã liên tục làm rõ với các đối tác Israel rằng họ không thấy sự hiện diện của Iran tại Syria như một mối đe dọa đối với Israel.
Kể từ đầu năm tới nay, vấn đề này ngày một trở nên nghiêm trọng. Vào tháng 2, căng thẳng leo thang sau khi phòng không Syria bắn hạ một máy bay Israel gần khu vực cao nguyên Golan của Israel. Diễn biến này thách thức sự tồn tại của lằn ranh đỏ mà Nga đặt ra và đẩy lợi ích chính trị của Matxcơva tại Syria vào thế nguy.
Tới tháng 5, Nga đạt được thỏa thuận với Israel cho phép các lực lượng Syria tiến lên các tỉnh phía nam Deraa và Quneitra sau khi Mỹ ngừng hậu thuẫn các nhóm đối lập tại đó. Đổi lại, Nga tìm cách thuyết phục lực lượng Iran phải rút vũ khí hạng nặng của nước này ở Syria đến vị trí cách khu vực Israel chiếm đóng ở Cao nguyên Golan 85 km và cam kết sẽ thuyết phục Iran rút quân.
Thỏa thuận này vào thời điểm đó đã phần nào làm giải tỏa căng thẳng giữa Matxcơva và Tel Aviv nhưng nó lại thất bại trong việc thiết lập lòng tin giữa Nga và Israel, theo cây viết của Aljazeera.
Căng thẳng leo thang
Sự sụp đổ trong quan hệ ngoại giao sau vụ Il-20 của Nga bị bắn rơi cho thấy quan hệ hợp tác giữa Nga và Israel rất mong manh.
Video: Đồ họa 3D mô phỏng vụ máy bay Nga bị bắn hạ
Bộ Quốc phòng Nga, vốn thường rất thận trọng khi đưa ra các bình luận lại bất ngờ bảy tỏ những quan điểm gay gắt khi đưa ra các buộc khẳng định Israel “vô ơn”, “gian dối”. Giới chức Israel cũng ngay lập tức khẳng định họ không chấp nhận động thái này.
“Cung cấp S-300 cho các chiến dịch không chuyên nghiệp của Syria sẽ gây nguy hiểm tới chính lực lượng quân đội Nga, tới Israel, tới liên quân do Mỹ dẫn đầu và hàng không dân dụng”, Reuters dẫn lời Amos Yadlin, cựu giám đốc tình báo quân sự Israel cho biết. Ông này khẳng định việc Nga đổ lỗi cho Israel “dựa trên những thông tin giả” là để nhằm mục đích xua đi đám mây trách nhiệm đang đè nặng lên vai Damascus.
“Israel đã chuẩn bị cho mối đe dọa này trong 20 năm và sẽ biết cách xử lý nó”, ông này cảnh báo.
Trong khi đó, cây viết Barmin cho rằng quyết định của Nga là thông điệp cứng rắn nhất từ trước đến nay mà họ gửi tới Tel Aviv. Động thái này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của Israel tại Syria, nhưng đây là lần đầu tiên Matxcơva hiện thực hóa lời nói bằng hành động trong mối quan hệ với Israel.
Ngay sau khi thông báo triển khai S-300, thư ký báo chí điện Kremlin khẳng định việc Il-20 của Nga bị bắn hạ bắt nguồn từ hành động cố ý của phi công Israel. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Nga đang leo thang căng thẳng với Israel, điều mà giới quan sát cho rằng sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương giữa 2 nước.
Theo Barmin, mối quan hệ giữa 2 quốc gia trong tương lai có lẽ càng trở nên phức tạp vì những bất đồng liên quan tới Syria và Iran.
“Trong khi hai nước đang tìm kiếm một cơ chế giải quyết vấn đề, nguy cơ đối đầu không lường trước giữa họ đang trở nên cao hơn bao giờ hết”, cây viết của Aljazeera kết luận.
Bình luận