• Zalo

Quyết định khởi nghiệp 'gây sốc' của người trẻ

Kinh tếThứ Sáu, 02/01/2015 05:18:00 +07:00Google News

Chàng cử nhân ngân hàng mở tiệm bánh mì, giám đốc CNTT khởi nghiệp 0 đồng, cử nhân bằng giỏi đi bán bút tre...đều là những người trẻ có tài và liều lĩnh.

Chàng cử nhân ngân hàng mở tiệm bánh mì, giám đốc CNTT khởi nghiệp 0 đồng, cử nhân bằng giỏi đi bán bút tre... đều là những người trẻ có tài và liều lĩnh.

Cử nhân ngân hàng, IELTS 7.0 chọn đi bán bánh mì

Đinh Văn Cường (SN 1987, Hà Tĩnh) được biết đến thông qua những chia sẻ trên facebook của cộng đồng mạng về một chàng trai rao “bán thân” làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao.

Vài gạch đầu dòng giới thiệu về bản thân của Cường khiến nhiều người cảm thấy tò mò và thích thú về sáng lập viên kiêm “cán bộ trông xe” cho quán bánh mì cười ở phố Nam Đồng (Hà Nội).

Tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, điểm IELTS 7.0, Cường có nhiều cơ hội xin vào những vị trí có thu nhập tốt liên quan tới tài chính - ngân hàng tại Việt Nam. Nhưng cậu trai 26 tuổi này lại quyết định đi bán bánh mì khiến ngay cả chính bố mẹ cậu cũng sốc.

nguoi tre khoi nghiep
 Chọn hướng đi khác biệt, Cường chấp nhận nhiều khó khăn, vất vả nhưng luôn vui vẻ. Ảnh: Ngọc Lan
Ập vào nghiệp kinh doanh ngay nên Cường không chủ động về vốn. Gom góp tiền tiết kiệm và vay mượn thêm, cậu cùng chị gái và người bạn chung vốn khoảng 50 triệu đồng mở bốt bánh mì đầu tiên bán tại phố Trương Định (Hà Nội).

Sau 2 năm với nhiều nỗ lực, hiện tiệm bánh mì với logo thương hiệu hình chú dế mèn ngộ nghĩnh của cậu chủ vui tính Đinh Văn Cường định vị tại phố Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội).

Tiệm bánh khá đông khách, được nhiều người ủng hộ vì chất lượng, giá cả hợp lý. Những ngày cao điểm, quán đón tới 400 - 500 lượt khách.

Chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và khát vọng mở rộng, phát triển thương hiệu thành chuỗi cửa hàng, Cường hi vọng sẽ sớm thành công đồng thời thực hiện được ngày càng nhiều chuyến thiện nguyện vì trẻ em vùng cao.

Cử nhân bằng giỏi từ chối làm giảng viên, đi bán bút tre

Anh Nguyễn Duy Thắng sinh năm 1984 tại một gia đình nông dân nghèo ở xóm Chiêu, Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội. Do gia cảnh quá nghèo nên tới tuổi đi học, Thắng phải dùng lá chuối làm giấy nháp, bút tự chế bằng lõi bút bi và vỏ tre làm hành trang đến trường.

Cũng vì nghèo, 3 lần đỗ đại học, Thắng đều vắng mặt trong buổi tựu trường. Tuy nhiên, với nghị lực vượt khó, làm thêm kiếm tiền đóng học phí, cuối cùng anh vẫn tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Thiết kế đồ họa (Viện ĐH Mở Hà Nội) và được nhà trường đề nghị ở lại làm giảng viên.

Nhưng với khát vọng làm giàu, Duy Thắng đã liều lĩnh quyết định khởi nghiệp bằng việc đi bán bút tre nghệ thuật - thứ đã giúp anh kiếm được tiền đóng học và góp Tết tới gia đình từ năm 12 tuổi.

nguoi tre khoi nghiep
Anh Thắng là người sáng tạo ra chiếc bút tre Việt Nam. Ảnh: Ngọc Lan.
Thắng đi khắp nơi, từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Bình Thuận, Vũng Tàu…, đến đâu anh đều tìm cách giới thiệu sản phẩm của mình và bán lấy tiền cho cho cuộc hành trình tiếp theo.

Năm 2012, Thắng trở về làng và gây dựng sự nghiệp lại từ đầu. Anh tìm 5 nhân công hướng dẫn họ làm bút tre, sản xuất với số lượng lớn, sau đó giao hàng cho tất cả các cửa hàng mà anh đã liên hệ trong cả nước.

Hiện số lượng công nhân lên đến 20 người và đã có hơn 200 cửa hàng nhận bán bút tre của anh. Đầu năm 2014, Nguyễn Duy Thắng thành lập công ty TNHH TM Dinet (Dinet hay còn gọi là ‘đi nét’ - một trong những công đoạn làm bút tre), đạt doanh thu hàng năm lên đến gần 1 tỷ đồng.

Hai chàng giám đốc khởi nghiệp từ 0 đồng

Năm 2009, tốt nghiệp Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành CNTT, trải qua 1 năm làm quản lý kinh doanh cho công ty thiết kế web, Trần Minh Thắng gặp cậu em kém 3 tuổi là lập trình viên Nguyễn Anh Tú.

Nhận thấy có nhiều điểm chung về chí hướng, Thắng và Tú quyết định nghỉ việc ở công ty cũ, lập nhóm sản xuất website với số vốn 0 đồng. Lúc đó, Thắng 24 tuổi và Tú 21 tuổi.

nguoi tre khoi nghiep
Trần Minh Thắng (phải) và Nguyễn Anh Tú, hai chàng giám đốc khởi nghiệp từ 0 đồng. Ảnh: NVCC. 
Khách hàng đầu tiên có được nhờ mối quan hệ Thắng xây dựng trong quá trình làm việc ở công ty cũ. 10 triệu đồng thu về từ website thiết kế đầu tiên được “vét sạch” để thuê phòng làm việc, mua bàn ghế, nối mạng...

Nếu như năm 2010, với 5 thành viên, nhóm chỉ làm được khoảng 20 - 30 website/năm thì tới năm 2012 - 2013, lượng nhân sự của công ty đã tăng gấp 7 lần với gần 700 đơn hàng trên cả nước.

2/3 số đơn hàng nhắm vào web bán sẵn giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Minh Thắng cho biết, khi một số đơn vị làm web thiết kế "chê" những đơn hàng ít tiền là lúc anh nhận ra nguồn khách hàng dồi dào cho công ty mình. Đây chính là hướng đi chủ đạo mang lại thành công cho công ty.

Chia sẻ bí quyết thành công, Minh Thắng nói: “Anh em mình từng cùng nhau khởi nghiệp từ lúc chẳng có gì. Các dự án dù chỉ có 30% thành công mình cũng sẵn sàng liều. Thất bại thì làm lại, chưa thành công là chưa tới đích!”

Giám đốc "3 năm toàn lỗ" bán vui tươi và hồn nhiên

Đang thành công với công ty truyền thông và tổ chức sự kiện chuyên chuyên phối hợp với các tổ chức phi chính phủ triển khai các hoạt động từ thiện cho những tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, giám đốc Nguyễn Đinh Nguyên bất chợt rẽ ngang, tập trung toàn diện cho ý tưởng kinh doanh mới là sản xuất các sản phẩm từ tranh vẽ thiếu nhi.

Trong chuyến tham quan bảo tàng mỹ thuật lớn tại Tây Ban Nha năm 2006, Đinh Nguyên đặc biệt thích thú với một bức vẽ bắt chước phong cách trẻ con của danh họa Picasso. Ý tưởng kinh doanh mới bỗng nảy ra khi anh nhìn thấy những sản phẩm in hình tranh vẽ tại quầy lưu niệm của bảo tàng này.

nguoi tre khoi nghiep
Giám đốc truyền thông Nguyễn Đinh Nguyên đổi hướng kinh doanh để được "sống như trẻ con". Ảnh: NVCC 
“Chỉ là những món quà lưu niệm nhỏ in lại nét vẽ học theo trẻ con trong tác phẩm của Picasso nhưng mang tới cho khách tham quan cảm xúc dễ chịu, tươi vui. Tuy nhiên, chúng có giá rất đắt, một chiếc túi vải nhỏ cũng mấy euro. Tôi chợt nghĩ, tại sao không làm những sản phẩm như thế ở Việt Nam?”

Về nước, anh rủ vợ là chị Phạm Thị Ngân và bạn thân Nguyễn Thị Thanh Tú mở công ty chuyên sản xuất và kinh doanh những sản phẩm lifestyle (quần áo, phụ kiện, đồ trang trí, nội thất…) sử dụng tranh do thiếu nhi vẽ là hình in tạo phong cách riêng cho dòng sản phẩm.

Xác định mục tiêu về chất lượng sản phẩm là an toàn tuyệt đối với trẻ nhỏ, anh Nguyên tập trung toàn bộ vốn đầu tư xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ lựa chọn vải sợi tự nhiên, mực in an toàn, công nghệ và kỹ thuật in tiên tiến.

Sau 3 năm, dù liên tục bù lỗ nhưng cho tới hiện tại, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc...

» Khởi nghiệp cho sinh viên khuyết tật tại Đà Nẵng
» Năm chị em nổi tiếng thế giới nhờ nghề làm móng tay
» 9X tay trắng kiếm trăm triệu từ vườn phật thủ

TheoZing
Bình luận
vtcnews.vn