Từ người có quyền uy nhất thế giới trong lĩnh vực tài chính cho đến các tỷ phú giàu có hàng đầu đều dần thấu hiểu những tuyên bố của ông Trump lợi hại thế nào khi đi vào thực tế. Từ đây, người ta đang dần hình dung rõ hơn về quan điểm nước Mỹ có thể “trở nên vĩ đại trở lại” (great again) và quan hệ quốc tế cũng như trật tự trên thế giới có thể chuyển dịch theo một hướng mới dưới 'thời của Trump'.
Bất ngờ nhất thập kỷ
Chưa bao giờ giới tài chính thế giới lại chứng kiến một sự thay đổi lớn như vậy của người đứng đầu một cơ quan độc lập, tạo lập chính sách tiền tệ có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu như lần này.
Trong cuộc họp quan trọng cuối cùng năm 2016, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã không còn những lời lẽ thận trọng khi nhận định về nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và triển vọng lạm phát của Mỹ.
Theo đó, với bà Janet Yellen, “các điều kiện về thị trường lao động và lạm phát đã diễn ra như mong đợi”, “thị trường việc làm tăng trưởng vững chãi”…
Sẽ không có gì đáng bàn nếu Fed chỉ dừng lại ở một quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, đưa mức lãi suất liên bang lên khoảng 0,5-,75%/năm hay đưa ra những đánh giá và kế hoạch cho tương lai thận trọng kiểu như “kiễn nhẫn”, “chờ thời gian thích hợp”, “lãi suất có khả năng tăng vào một thời điểm nào đó”…
Lần này, trong cuộc họp ở vào một thời điểm rất quan trọng - nước Mỹ sắp có tổng thống mới, ông Donald Trump, những phát biểu của bà Janet Yellen còn đáng chú ý hơn nhiều. Bà Yellen muốn các hộ gia đình và doanh nghiệp hiểu được rằng, bà và các đồng nghiệp đánh giá triển vọng của kinh tế sẽ mạnh lên.
“Chúng ta có một thị trường lao động khỏe mạnh và một nền kinh tế vững chắc”, bà Janet Yellen chia sẻ trong cuộc họp báo sau khi Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất lần thứ 2 trong vòng 1 năm qua và cũng là lần thứ 2 sau gần một thập kỷ duy trì ở mức thấp kỷ lục.
Còn theo các chuyên gia trên Bloomberg, đối với bà Janet Yellen, thị trường lao động Mỹ đang trở nên vĩ đại một lần nữa (the labor market is great again). Và, bà Yellen đã có thái độ rõ ràng, không còn thận trọng khi đánh giá thực trạng cũng như triển vọng nền kinh tế số 1 thế giới cũng như những kế hoạch trong tương lai.
Fed dự báo sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, mỗi lần 25 điểm phần trăm (cao hơn so với con số dự báo 2 lần được đưa ra hồi tháng 9). Trong năm 2018, cũng sẽ có 2 lần tăng và dự báo lãi suất liên bang sẽ lên mức: 2,125%/năm.
Điều gì sắp xảy ra với thế giới?
Tờ WSJ cho rằng, sau quyết định nói trên, giờ đây bà Janet Yellen và ông Donald Trump đang có cùng một quan điểm về tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Trong phát biểu của mình, bà Yellen khẳng định hiện tại thị trường lao động Mỹ không cần đến các gói kích thích tài khóa (mà ông Donald Trump đưa ra). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và thị trường thì dường như không tin như vậy.
TTCK Mỹ đã ngay lập tức phản ứng giảm, trái ngược với những đánh giá tốt đẹp của bà Yellen về nền kinh tế Mỹ. Tờ WSJ thì cho rằng, có thể sẽ chẳng có xung đột nào về đường lối chính sách giữa Fed và tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo đó, ít nhất trong 2 năm nữa, sự quan tâm và lợi ích của ông Trump và bà Yellen “gắn chặt chẽ với nhau”. Ông Trump muốn tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng nhanh hơn còn bà Yellen sẵn lòng xử lý các vấn đề phụ phát sinh bên lề thông qua các quyết định tăng lãi suất trong một lộ trình “ngoan ngoãn”.
Gần đây, rất nhiều tỷ phú và “sói già” phố Wall bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump. Trong cuộc trò chuyện với tờ CNBC, tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates cho rằng, giống như cố tổng thống John Kennedy, ông Trump và chính quyền của mình có thể đưa nước Mỹ bước vào một cuộc đổi mới.
Các chính sách mà ông Trump cam kết như cắt giảm thuế và tăng đầu tư cơ sở hạ tầng có thể sẽ được thực thi và đây là áp lực khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn, thay vì duy trì ở mức lãi suất thấp mà chính ông Trump đã buộc tội bà Yellen khi tranh cử. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn, TTCK tiếp tục hưởng lợi, dòng vốn quay trở về Mỹ, đồng USD tiếp tục mạnh lên và thị trường lao động Mỹ ngày càng sáng sủa.
Tuy nhiên, với nhiều nước trên thế giới, những chính sách mới của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Trong nhiều tuần qua, dòng tiền bị rút ra chảy đã khiến TTCK nhiều nước liên tục giảm. Đồng USD mạnh lên cũng khiến thị trường tài chính tiền tệ nhiều nước chao đảo, không ngoại trừ lớn nhỏ, như Trung Quốc gần đây.
Ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, HSBC Việt Nam cho rằng, việc Mỹ duy trì lãi suất trong cả thập kỷ qua đã giúp tránh được sự đổ vỡ của thị trường tài chính thế giới trong giai đoạn 2007 - 2008 nhưng khuyến khích vay nợ nhiều hơn đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển.
Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng mối giới chi nhánh TP.HCM CTCK VNDirect cũng chia sẻ về khả năng dòng vốn bị rút ra nhưng tỏ ra không lo ngại về tỷ giá. Theo ông Tuấn, Fed luôn cho tin thẩm thấu và dự phòng. Tại Việt Nam, NHNN đã tăng tích lũy dự trữ ngoại hối được khá. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý có thể bình ổn được thị trường.
Bình luận