Như mọi vụ cháy nhà, tranh chấp giữa Báo Giao thông và Công ty Thành Bưởi đã “cháy lan” sang thành cả tranh chấp giữa Báo Giao thông với Tòa án Quận 5, TP.HCM khi thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích “buộc Báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới lên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề “xe hợp đồng trá hình, lách luật né thuế…”.
Cho dù, sự bùng nổ của tranh chấp giữa báo và tòa đã được tháo ngòi, sau khi theo ý kiến tư vấn của luật sư Trần Vũ Hải, Công ty Thành Bưởi đã rút đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Báo Giao thông, tính thời sự của vấn đề vẫn còn đó.
Trên tay chúng ta là hai báu vật của một nền dân chủ: quyền tự do báo chí và quyền độc lập của tòa án. Giống như trường hợp cả mẹ và vợ đều bị lũ cuốn trôi mà chúng ta chỉ có khả năng cứu được một người thì chúng ta phải cứu ai, khi quyền tự do báo chí và quyền độc lập của tòa án xung đột với nhau thì chúng ta phải bảo vệ quyền nào?
Giống như trường hợp cả mẹ và vợ đều bị lũ cuốn trôi mà chúng ta chỉ có khả năng cứu được một người thì chúng ta phải cứu ai, khi quyền tự do báo chí và quyền độc lập của tòa án xung đột với nhau thì chúng ta phải bảo vệ quyền nào?
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Cứu mẹ hay cứu vợ là một lựa chọn khó khăn, lựa chọn cho được nhiều khi chúng ta chẳng còn cơ hội để cứu ai nữa cả. May mắn là bảo vệ quyền tự do báo chí hay quyền độc lập của tòa án không phải là một lựa chọn khó khăn như vậy.
Nếu Tòa án Quận 5 không rút lệnh cấm, thì Báo Giao thông vẫn có thể hành xử theo cách mà cả hai báu vật của nền dân chủ đều được bảo vệ. Đó là khiếu nại về quyết định của thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích lên tòa án cấp trên (Chứ không phải là đến các cơ quan Đảng và Nhà nước khác).
Việc một thẩm phán tòa án cấp quận có quyền áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với một tờ báo trong một tranh chấp dân sự hay không là một vấn đề đơn thuần pháp lý. Trong giới luật sư đã có những ý kiến rất khác nhau về vấn đề này. Trong xã hội, ý kiến khác nhau chắc lại còn nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, chỉ có tòa án mới có thẩm quyền phán xét chính thức về vấn đề này. Và chúng ta tin tưởng rằng, nếu quyền độc lập của tòa án được bảo đảm, thì tòa án sẽ chẳng vì ai cả mà chỉ vì công lý ở đây. Không làm được như vậy thì tòa án sẽ đánh mất không chỉ niềm tin của công chúng, mà cả danh dự của chính mình.
Nhìn ra thế giới, Tổng thống Mỹ Trump cũng chỉ có một cách duy nhất để phản đối lại phán quyết của một thẩm phán tòa án cấp quận (đình chỉ chỉ sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 6 nước hồi giáo của ông) là kiện lên tòa án cấp trên.
Tuân thủ nghiêm chỉnh phán quyết của tòa án là biểu hiện của sự trưởng thành về mặt pháp quyền. Khi Tổng thống Clinton được hỏi về phán quyết của tòa án trong vụ Simpson bị truy tố về tội giết vợ và người tình, ông chỉ trả lời: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người xấu số và hãy tuân thủ phán quyết của tòa án!”. Trong vụ này, Tòa đã phán Simpson vô tội vì công tố không cung cấp được chứng cứ trực tiếp về việc kẻ này giết vợ và người tình, mặc dù Simpson không có chứng cứ ngoại phạm: ông ta đã trở về nhà ở thời điểm hai người bị giết ở đó.
Cũng nhìn ra thế giới, trong hầu hết các vụ tranh chấp giữa báo chí với các cơ quan công quyền, tòa án bao giờ cũng xử cho báo chí thắng. Ở Thụy Điển chẳng hạn, chưa bao giờ tòa án xử cho các quan chức thắng báo chí cả.
Sự độc lập của tòa án chính là bản chất của pháp quyền. Suy cho cùng, chỉ khi quyền độc lập của tòa án được bảo đảm, thì quyền tự do báo chí cũng mới được bảo đảm.
Video: Xe khách ngang nhiên phóng ngược chiều trên quốc lộ
Bình luận