Quyền nhân dân trong quy trình, thủ tục lập hiến

Thời sựThứ Bảy, 02/03/2013 05:05:00 +07:00

Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đề cập việc bảo đảm chủ quyền của nhân dân trong quy trình, thủ tục lập hiến.

Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đề cập vấn đề bảo đảm chủ quyền của nhân dân trong quy trình, thủ tục lập hiến.

Để có một bản Hiến pháp thực sự văn minh, dân chủ, tạo bước ngoặt mới cho đất nước, người dân phải được thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như đối với từng điều khoản cụ thể.
Để quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, để nhân dân có thể kiểm soát quyền lực Nhà nước, để Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân, cần xác lập một cơ chế giao và kiểm soát quyền lực chặt chẽ từ phía nhân dân đối với các cơ quan Nhà nước, những người đại diện nhân dân.

Trong đó, biện pháp quan trọng là phải xây dựng được một bản Hiến pháp có giá trị và chất lượng bởi Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc, cơ sở để xây dựng và hoàn thiện cả hệ thống pháp luật của đất nước. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần có sự thay đổi về nội dung nhưng sẽ hiệu quả và hữu ích hơn nếu thay đổi cả quy trình, thủ tục lập hiến cho dân chủ để quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân.
 

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Đoan khẳng định: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã đề cao hơn quyền của nhân dân trong quá trình lập hiến; trình tự, thủ tục lập hiến đã chặt chẽ, đầy đủ hơn so với Hiến pháp hiện hành. Tuy nhiên, những sửa đổi đó chưa triệt để. Cụ thể như vẫn coi quyền lập hiến là của Quốc hội (Điều 75, Điều 124). Thủ tục nhân dân phúc quyết (bắt buộc) đối với Dự thảo Hiến pháp sau khi Quốc hội thông qua vẫn không được quy định.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Đoan, việc làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp phải do nhân dân quyết định cuối cùng; quyền giám sát tối cao việc thực hiện Hiến pháp cũng phải thuộc về nhân dân. Bên cạnh đó, chủ quyền nhân dân phải được thể hiện và thực hiện đầy đủ hơn, nhân dân phải thực sự là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Nhân dân không chỉ thực hiện quyền lực thông qua hình thức dân chủ đại diện mà còn thông qua hình thức dân chủ trực tiếp.
Từ những lý do trên, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Đoan kiến nghị sửa đổi Điều 75 của Dự thảo theo hướng: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến; ban hành luật; giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội... Đồng thời, bổ sung vào Điều 124 quyền đề nghị làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quyền quyết định làm, sửa đổi và quyền thông qua Dự thảo Hiến pháp của nhân dân.
Việc thông qua Dự thảo Hiến pháp phải được Quốc hội tiến hành và nhân dân phúc quyết thông qua thủ tục trưng cầu ý dân về Hiến pháp, để cử tri cả nước biểu thị ý chí của mình đối với nội dung bản Hiến pháp. Có như vậy, chủ quyền nhân dân mới được thể hiện đầy đủ. Điều này sẽ mang lại hiệu lực, sự thiêng liêng của Hiến pháp, tăng thêm tính hiệu quả trong quá trình thực thi.
Quyền lập hiến thuộc về nhân dân
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Huy Cương (Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội), hầu hết các bản Hiến pháp của các nước trên thế giới đều thừa nhận một chân lý không thể chối cãi được là tất cả quyền lực đều xuất phát từ nhân dân và nhân dân ban tính hợp pháp cho quyền lực của chính quyền thông qua Hiến pháp do họ cùng nhau tạo dựng và thông qua. Có thể nói đơn giản, Hiến pháp là văn bản ủy quyền của nhân dân cho Nhà nước, trong đó có cả Quốc hội.
Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Huy Cương cho rằng, xét toàn bộ Dự thảo, dễ dàng nhận thấy vấn đề lập hiến hay “làm Hiến pháp” vẫn thuộc về Quốc hội. Điều 124 của Dự thảo cho thấy, việc nhân dân xây dựng Hiến pháp chỉ dừng lại ở đóng góp ý kiến khi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến nhân dân hoặc khi Quốc hội trưng cầu ý dân.

Như vậy, hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể so với Hiến pháp 1992 hiện hành về tư tưởng lập hiến ngoài thay đổi một số câu chữ và làm mờ đi việc dành quyền lập hiến cho Quốc hội với cách thức thay tuyên bố “Quốc hội là cơ quan duy nhất lập hiến và lập pháp” tại Điều 83 Hiến pháp 1992 hiện hành bằng “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp...” tại Điều 74 của Dự thảo.
Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Huy Cương kiến nghị, để Hiến pháp thực sự là khế ước của toàn dân tạo lập nên cộng đồng chính trị của mình, bảo đảm chủ quyền nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như gắn kết Lời nói đầu với các quy định của Hiến pháp, vấn đề nhân dân xây dựng Hiến pháp cần viết lại như sau: “Chúng tôi, nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Hiến pháp như sau:...”
Thứ hai, để khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân, Dự thảo nên lược bỏ chức năng “thực hiện quyền lập hiến” của Quốc hội khỏi Điều 74 của Dự thảo đồng thời lược bỏ nhiệm vụ và quyền hạn “làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp” khỏi Điều 75 của Dự thảo.
Mặt khác, để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền lập hiến của mình, Dự thảo nên viết lại quy trình làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp tại Điều 124 theo các nguyên tắc: một số cơ quan Nhà nước, một lượng nhất định các đại biểu Quốc hội, một số lượng nhất định người dân hoặc các tổ chức nổi bật của họ có quyền kiến nghị làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp hoặc Hiến pháp được sửa đổi phải được thông qua bởi phúc quyết của toàn dân hoặc bởi hội nghị đại biểu nhân dân được bầu riêng ra cho mục đích đặc biệt này.
Việc thông qua Hiến pháp phải được thực hiện bằng trưng cầu ý dân
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Hồi (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, khi Hiến pháp năm 1992 được thay thế bằng một Hiến pháp mới thì thủ tục thông qua Hiến pháp mới phải bằng trưng cầu ý dân mới phù hợp với xu thế phát triển của nền dân chủ, của thời đại và bảo đảm được chủ quyền nhân dân.

Do đó, để chuẩn bị cho thủ tục này, Dự thảo không nên quy định quyền lập hiến cho Quốc hội mà chỉ quy định Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước. Đồng thời, phải quy định việc thông qua Hiến pháp phải được thực hiện bằng trưng cầu ý dân.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Hồi và thạc sỹ Nguyễn Thị Vân Anh (Đại học Đà Lạt) cũng đề nghị bổ sung thêm vào Điều 3 của Dự thảo một khoản để xác định trách nhiệm của Nhà nước như sau: Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp và về những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của toàn dân và của quốc gia. Cách thức trưng cầu dân ý sẽ do luật định.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Hồi và thạc sỹ Nguyễn Thị Vân Anh, Hiến pháp năm 1992 mới chỉ thừa nhận quyền của công dân được biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân và quyền của Quốc hội được quyết định việc trưng cầu ý dân mà chưa chỉ rõ những vấn đề gì Nhà nước phải tổ chức trưng cầu ý dân và cách thức trưng cầu ý dân như thế nào. Như vậy, còn mang nặng tính hình thức, không có giá trị thực tế.
Do đó, cần bổ sung khoản này nhằm bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, bảo đảm sự phù hợp với xu thế của nền dân chủ, xu thế thời đại, đưa Nhà nước tiến gần mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền đồng thời bảo đảm cho quyền “tham gia biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân” của công dân trở thành hiện thực.





Theo Thanh Hòa/TTXVN

Bình luận
vtcnews.vn