Ngay khi vụ ngọn lửa kinh hoàng bủa vây Nhà thờ Đức Bà Paris, những lời cam kết quyên góp tiền đã liên tiếp được đưa ra.
Vào thời điểm những người lính cứu hỏa vẫn đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa cuối cùng sáng sớm 16/4, François-Henri Pinault, người đàn ông giàu thứ hai ở Pháp, tuyên bố góp 100 triệu euro để gây dựng lại công trình lịch sử. Chỉ vài giờ sau đó, không chịu thua kém, Bernard Arnault, quý tộc giàu nhất nước Pháp và là đối thủ đáng gờm của ông Pinault, đã tăng số tiền quyên góp của mình lên 200 triệu euro.
Chỉ tính đến ngày 17/4, các nhà tài trợ giàu có của Pháp đã cam kết tung ra khoản tiền 850 triệu euro (hơn 960 triệu USD) cho chính phủ để trùng tu lại Nhà thờ Đức Bà - kho báu văn hóa và lịch sử hơn 850 năm tuổi.
Vung tiền để đánh bóng tên tuổi?
Tuy nhiên, những hành động đầy hào phóng trong cuộc đua quyên góp tiền ấy lại khoét sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo - vốn là một trong những nguyên nhân làm bùng lên phong trào biểu tình áo khoác vàng ở Pháp. Nhiều lời chỉ trích nhằm vào giới thượng lưu nước này, cho rằng các đại gia chỉ đang cố gắng đánh bóng tên tuổi trong khi đất nước lâm vào bi kịch.
"Bạn tưởng tượng nổi không, 100 triệu, 200 triệu euro chỉ bằng một cú nhấp chuột! Điều này thực sự cho thấy sự bất bình đẳng ở đất nước này. Nếu họ có thể tung ra hàng chục triệu euro để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà, họ nên ngừng nói với chúng tôi rằng họ không có tiền để giải quyết vấn đề bất bình đẳng xã hội", Philippe Martinez, người đứng đầu hiệp hội lao động CGT, nói với New York Times.
Ollivier Pourriol, triết gia và tiểu thuyết gia người Pháp, thậm chí còn thể hiện cảm nghĩ một cách quyết liệt hơn.
"Victor Hugo xin cảm ơn tất cả các nhà tài trợ hào phóng sẵn sàng cứu Nhà thờ Đức Bà và đề nghị họ làm điều tương tự với Những người khốn khổ", ông viết trên Twitter, đề cập đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác của đại văn hào Hugo nói về cuộc sống của người nghèo.
Manon Aubry, thành viên cấp cao của đảng cực đoan France Insoumise, gọi hoạt động tài trợ cho Nhà thờ Đức Bà là "bài tập về quan hệ công chúng". Bà cho rằng danh sách các nhà tài trợ "trông giống như bảng xếp hạng các công ty và cá nhân tại thiên đường thuế" và nói thêm: "Tôi muốn nói với họ rằng: Hãy bắt đầu bằng việc trả tiền thuế trước đi. Điều đó sẽ giúp tăng ngân sách cho hoạt động văn hóa của nhà nước".
Cuộc tranh luận kịch liệt đã dập tắt hy vọng xây dựng hình ảnh một nước Pháp đoàn kết của Tổng thống Emmanuel Macron. Trước đó, ông cho rằng "chúng tôi hoàn toàn có thể biến thảm họa này" thành khoảnh khắc để có được "những điều tốt đẹp hơn" trong tương lai.
Ngòi nổ chỉ chờ bùng phát
Cơn bão chỉ trích bắt đầu bùng lên sau khi Jean-Jacques Aillagon, cựu bộ trưởng văn hóa và hiện là cố vấn cho cha của ông Pinault, đề xuất rằng khoản tiền ông Pinault quyên góp sẽ được khấu từ 90% thuế thay vì 60% theo quy định.
"Đó là khi mọi thứ bùng nổ. Điều này gây ra làn sóng phẫn nộ, cho rằng hành động hào phóng giờ lại trở thành lợi ích tài chính", Pierre Haski, cây bút viết bình luận cho đài phát thanh France-Inter, nói.
Phản ứng của công chúng dữ dội đến mức ông Aillagon phải xuất hiện trên sóng radio sáng ngày 17/4 để rút lại lời đề nghị của mình. Gia đình Pinault sau đó tuyên bố rằng họ sẽ không tìm cách khấu trừ thuế cho khoản tiền quyên góp.
Ông Haski cho biết "điều này cho thấy vấn đề bao trùm rất nhạy cảm", đặc biệt là trong bối cảnh nước Pháp chưa thôi tranh cãi về phong trào biểu tình áo khoác vàng chống lại bất bình đẳng xã hội.
Dù công trình bị thiệt hại nặng nề, công chúng vẫn cảm thấy nhẹ nhõm khi Nhà thờ Đức Bà Paris còn đứng vững. Nếu có khoảng 1 tỷ euro để tái thiết mà không cần tốn quá nhiều ngân sách hiện có, vấn đề có thể được giải quyết.
Tuy nhiên, thuế là một trong những vấn đề nổi cộm đối với phong trào áo khoác vàng, cũng là vấn đề Tổng thống Macron phải nỗ lực gỡ rối.
Hàng nghìn người Pháp bắt đầu đổ xuống đường biểu tình từ tháng 11/2018 với mục đích ban đầu nhằm phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu. Qua thời gian, phong trào dần biến thành làn sóng lên án chính sách kinh tế của chính quyền ông Macron, vốn được cho là tạo thuận lợi cho tầng lớp thượng lưu trong khi người nghèo phải vật lộn để mưu sinh.
Những người biểu tình đã đả kích ông Macron vì tổng thống Pháp ủng hộ giới siêu giàu bằng cách miễn thuế tài sản, như một phần của kế hoạch kích thích nền kinh tế phát triển.
Ingrid Levavasseur, nhà lãnh đạo phong trài áo khoác vàng, nói rằng Pháp nên "nhìn nhận lại thực tế". "Làn sóng giận dữ được thể hiện ngày càng mạnh mẽ trên mạng xã hội, cho rằng trong cảnh bi kịch, các tập đoàn lớn lại đang chứng minh họ có thể điên cuồng huy động số tiền khổng lồ chỉ sau một đêm cho Nhà thờ Đức Bà", bà Levavasseur cho biết.
Giới thượng lưu hưởng lợi?
Các công ty tham gia quyên góp là những doanh nghiệp lớn nhất ở Pháp, có hàng nghìn nhân viên trong và ngoài nước, thuộc các ngành công nghiệp cao cấp, năng lượng và xây dựng.
Nhưng đối với nhiều người, các công ty này cũng là biểu tượng cho giới thượng lưu siêu giàu mà họ không thể chạm tới. Tầng lớp này ngày càng giàu hơn nhờ vào một loạt các lợi thế tài chính tại Pháp.
Cả hai tỷ phú Arnault và Pinault đều sở hữu gia tài đồ sộ trong thế giới thượng lưu. Ông Arnault đã xây dựng nên đế chế thời trang cao cấp LVMH Louis Vuitton và gia đình ông Pinault cũng sở hữu Kering, tập đoàn xa xỉ lớn thứ hai ở Pháp. Forbes ước tính khối tài sản cá nhân của ông Arnault là 76 tỷ euro, vượt xa ông Pinault, ước tính chỉ khoảng 26 tỷ euro.
Hai gia đình tỷ phú là đối thủ của nhau kể từ "cuộc chiến vì những chiếc túi xách" để giành quyền kiểm soát tập đoàn xa xỉ Gucci của Italia. Cuối cùng, gia đình ông Pinault đã chiến thắng.
Cả hai gia đình đã chạy đua và tranh giành để sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật vô giá trong những năm qua, gây dựng nhiều bảo tàng mới ở Pháp và Italia để cất giữ kho báu của họ.
Vì vậy, khi các tỷ phú hào phóng tuyên bố đóng góp khoản tiền khổng lồ cho Nhà thờ Đức Bà, các nhà phê bình ngay lập tức cảnh báo rằng trong đó có cả tiền thuế của người dân Pháp.
Giữa những đồn đoán về việc các nhà tài trợ giàu có có thể hưởng lợi từ khoản tiền đóng góp, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã tìm cách xua tan căng thẳng tại cuộc họp báo hôm 17/4.
"Chúng ta phải vui mừng vì những người có thu nhập thấp, những cá nhân rất giàu có cũng như các công ty đều muốn tham gia vào nỗ lực xây dựng lại nhà thờ lịch sử của Pháp", ông Philippe nói.
Vấn đề "bị thổi phồng"
Hôm 18/4, phản bác lại những lời chỉ trích, ông Arnault cho rằng công ty do gia đình ông nắm giữ không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế cho khoản đóng góp của mình. "Thật là nhỏ mọn và đầy đố kỵ. Nếu ở các nước khác, công chúng hẳn đã ăn mừng", ông nói trong một cuộc họp cổ đông.
Video: Bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn
Gia đình Bettencourt-Meyers, người thừa kế tập đoàn mỹ phẩm toàn cầu L’Oréal, cũng tuyên bố quyên góp 200 triệu euro cho Nhà thờ Đức Bà hôm 16/4 thông qua Quỹ Bettencourt Schueller.
Anne-Elisabeth Moutet, nhà phê bình người Pháp, cho rằng về cơ bản, những khoản quyên góp ban đầu là chân thành. Mặc dù vậy, tất nhiên nó cũng giúp "đánh bóng tên tuổi".
Đối với một số người Pháp, như Grâce Kitoudi, nhân viên tại sân bay ở nước này, cho rằng vấn đề dường như bị thổi phồng.
Theo quan điểm của cô, cuộc khủng hoảng áo khoác vàng và vụ cháy Nhà thờ Đức Bà "là hai cuộc tranh luận rất khác nhau". "Chúng ta không được nhầm lẫn. Nếu chúng ta có thể quyên góp để xây dựng lại tượng đài lịch sử này, thì không có gì là xấu cả", cô Kitoudi nói thêm.
Bình luận