BSCKII. Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, để bảo quản và lưu giữ tinh trùng, việc đầu tiên phải thực hiện là người muốn lưu trữ tinh trùng có yêu cầu và đơn trình bày xin đăng ký lưu trữ tinh trùng của mình. Sau đó, bệnh viện sẽ cử những bác sĩ chuyên trách riêng để làm việc này.
“Có 2 cách để lấy tinh trùng ra khỏi tinh hoàn của nam giới. Một là nếu tinh trùng của người này còn nhiều, bác sĩ sẽ lấy ống chọc và hút ra. Hai là nếu ít tinh trùng, bác sĩ sẽ phải bổ dọc tinh hoàn, tìm theo ống sinh tinh để lấy, nhưng cách này rất ít.
Với người đã chết, tinh trùng phải được lấy trước 3 tiếng sau khi chết để đảm bảo chất lượng”, bác sĩ Lợi nói.
Công đoạn tiếp theo là phải xét nghiệm và đếm tinh trùng. Nếu đủ số lượng, chất lượng, không mang bệnh tật và phù hợp để lưu trữ, người này tiếp tục thực hiện các thủ tục như đóng phí, làm giấy tờ để có thể đảm bảo tinh trùng được lưu giữ trong thời gian dài.
Sau cùng, bác sĩ sẽ đưa tinh trùng vào trong ống thủy tinh y tế (cóng) bảo quản trong môi trường ni tơ lỏng với nền nhiệt -196 độ C trong 3 năm.
“Nếu hết 3 năm tinh trùng không được sử dụng, người này phải đến xem có tiếp tục lưu trữ tinh trùng hay không. Nếu không, tinh trùng sẽ được đem hủy sau đó”, bác sĩ Lợi thông tin.
Ai là người được sử dụng tinh trùng đó?
Theo bác sĩ Lợi, trong khoảng thời gian lưu trữ, nếu muốn sử dụng, tinh trùng sẽ được mang ra, rã đông rồi đưa đi thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng nếu người chủ sở hữu tinh trùng không may qua đời, việc sử dụng phải được căn cứ dựa trên quy định của luật pháp, cụ thể:
Tinh trùng sẽ được giao cho ai có quyền được thừa kế, thừa hưởng và phải được sự ủy quyền (trước đó) của chính người sở hữu tinh trùng với người được thừa kế tinh trùng.
Theo quy định của luật pháp về việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thì cặp vợ chồng vô sinh hay phụ nữ độc thân sẽ có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Tuy nhiên, bác sĩ Lợi cũng cho biết, theo luật, người nhận phải đảm bảo là vợ về pháp lý, hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai.
“Mỗi mẫu tinh trùng chỉ được sử dụng cho một người. Nếu đó là tinh trùng được hiến tặng vì mục đích nhân đạo, thì việc sử dụng sẽ phải dựa trên nguyên tắc vô danh, tức là người hiến tặng và người được thụ tinh trong ống nghiệm đều không được quen biết nhau và phải được sự cho phép về mặt pháp lý.
Trường hợp người đàn ông không hiến tặng không may qua đời, tinh trùng lưu trữ sẽ chỉ được trao cho người được thừa kế (đã được ủy quyền bởi chủ sở hữu trước đó) và được sử dụng cho chính người vợ có tư cách pháp lý, được pháp luật công nhận”, bác sĩ Lợi nhấn mạnh.
Về câu chuyện bà mẹ ở TP.HCM đòi quyền "thừa kế" tinh trùng của con trai khi đã mất gây xôn xao dư luận mới đây, bác sĩ cho rằng, dựa vào luật pháp, việc xin được sử dụng tinh trùng của con trai để thụ tinh trong ống nghiệm cho "con dâu" (chưa đăng ký kết hôn) là việc rất khó.
Tuy việc có hay không được “thừa hưởng” tinh trùng trong trường hợp này phải đợi các cơ quan chức năng quyết định. Nhưng xét về nhân đạo, ước muốn có con/cháu để nối dõi tông đường và duy trì nòi giống của bà Huyền cùng con dâu cũng nên được xem xét kĩ về nguyện vọng, sao cho hợp lý, hợp tình.
Câu chuyện về một bà mẹ tại TP.HCM cầu cứu khắp nơi xin quyền thừa kế tinh trùng của con trai đã chết thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bà Vòng Thị Huyền (trú tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) có người con trai độc nhất là anh Trần Đình Tuấn (SN 1996). Tuy nhiên, không may anh này bị bệnh hiểm nghèo tiên lượng khó qua khỏi.
Sau khi được các bác sĩ tư vấn đưa ra lời khuyên, anh Tuấn và mẹ có đem gửi 3 mẫu tinh trùng của mình vào Bệnh viện Từ Dũ để bảo quản, phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.
Tháng 6/2017 anh Tuấn qua đời mà chưa kịp đi đăng ký kết hôn với vợ, chưa có con. Bà Vòng Thị Huyền có lên xin phép Bệnh viện Từ Dũ để được sử dụng tinh trùng của con mình thụ tinh trong ống nghiệm cho con dâu nhằm có đứa cháu nối dõi.
Tuy nhiên, trả lời yêu cầu của bà, Bệnh viện Từ Dũ cho rằng: “Chỉ có vợ hợp pháp mới có quyền duy trì, sử dụng tinh trùng của người chồng đã gửi. Và chị D. chưa đăng ký kết hôn với anh Tuấn theo đúng pháp luật hiện hành nên không được xem là vợ chồng".
>>> Đọc thêm: Mẹ cầu cứu khắp nơi, quyết đòi quyền thừa kế tinh trùng con trai: Luật sư phân tích tính pháp lý
Video: Đánh tráo tinh trùng, vợ lừa chồng nuôi con của nhân tình
Bình luận