Ngày 6/6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Thường trực HĐND TP Hà Nội đã quyết định triệu tập họp chuyên đề (kỳ họp thứ 6) vào chiều nay (7/6) để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.
Cụ thể, vào 14h ngày 7/6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sẽ họp bàn về những vấn đề liên quan tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh. Sau đó, tới 15h30 ngày 7/6, HĐND TP Hà Nội sẽ họp chuyên đề về công tác nhân sự, xem xét bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Chu Ngọc Anh.
Như vậy, quy trình bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội với ông Chu Ngọc Anh được thực hiện ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định khai trừ người đứng đầu chính quyền Thủ đô ra khỏi Đảng trong chiều 6/6.
Còn đối với ông Nguyễn Thanh Long, hiện nay ông Long giữ chức Bộ trưởng Y tế và là đại biểu Quốc hội khóa XV - đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, Quốc hội cần bỏ phiếu phê chuẩn miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Theo quy trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp để bổ sung nội dung này trước để trình Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ lấy phiếu kín để thực hiện các bước kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Với chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế mà ông Long đang nắm giữ, đây là chức vụ do Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Vì vậy, theo Luật Tổ chức Quốc hội, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức bộ trưởng của ông Nguyễn Thanh Long.
Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 cũng nêu rõ đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.
Trình tự bãi nhiệm đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 41 Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13.
Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành bãi nhiệm đại biểu Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết bãi nhiệm.
Bình luận