Mới đây, một số công ty, tập đoàn xây dựng - kinh doanh bất động sản (BĐS) đã có báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020. Điểm chung là các doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh kém khả quan, rất nhiều doanh nghiệp giảm lợi nhuận hai con số trở lên.
Tại báo cáo tài chính quý I/2020 của CTCP Coteccons (HoSE: CTD) ghi nhận 123,46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, lãi gộp quý I/2020 của Coteccons đạt 194,38 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 5,47%, thấp hơn mức 6,43% trong cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 14,37% xuống 62,27 tỷ đồng do lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng giảm. Thu nhập khác giảm 63,84% xuống 6,86 tỷ đồng do trong quý I năm trước, công ty được hoàn nhập chi phí trích trước, dự phòng phát sinh nhiều hơn năm nay.
Tập đoàn Đất Xanh (HOSE:DXG) công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu giảm 60% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 78%, lần lượt đạt 602 tỷ đồng và 67,5 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu bán căn hộ và đất nền giảm tới 97% và là mảng đóng góp ít nhất vào cơ cấu, thay vì 55% như cùng kỳ năm trước. Điểm sáng tăng trưởng duy nhất trong doanh thu là phần dịch vụ quản lý, cho thuê và BĐS đầu tư gấp gần 5 lần, đạt hơn 32 tỷ đồng.
Đất Xanh còn có một khoản thu nhập từ lãi vay, tiền gửi là 25 tỷ đồng trong quý I, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Khoản tiền này góp phần gia tăng lợi nhuận cả quý.
Đánh giá về nguyên nhân sụt giảm lãi của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp ở Việt Nam rất lớn.
Trong quý I/2020, sự sụt giảm lãi của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS là không có nguồn cung, hơn nữa khách hàng cũng tránh tiếp xúc, giao dịch. Còn đối với các công ty xây dựng, thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội của Chính phủ, các công ty này phải tạm dừng việc thi công, lao động trên công trường nghỉ việc đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp mất tính thanh khoản.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup nhìn nhận, mặc dù Cenland (thành viên của CenGroup) và một số doanh nghiệp giảm lãi, điều này mặc dù không đạt được như kế hoạch và cùng kỳ năm ngoái nhưng kết quả vẫn dương.
Nguyên nhân được ông Hưng cho rằng, ở lĩnh vực BĐS, do khách hàng thực hiện giãn cách xã hội và tâm lý giữ tiền chờ đợi khi hết dịch giá nhà đất sẽ rẻ hơn để “bắt đáy”, đã dẫn đến giao dịch bị giảm. Hơn nữa, nguồn cung mới ra hạn chế, hiện nay, sản phẩm bán chủ yếu đến từ các dự án đã thực hiện từ trước nên không có hàng để bán.
Đối với xây dựng, do chỉ thị giãn cách xã hội nên tất cả các công trình xây dựng, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng không được ra vào các dự án để triển khai công việc.
Về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng - BĐS, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, mặc dù ngành này không bị tác động mạnh như du lịch, hàng không, nhưng triển vọng không khả quan trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
“Kinh doanh và đầu tư BĐS cần cẩn trọng trong giai đoạn này và đến cuối năm vẫn trì trệ, do các biện pháp phòng ngừa của Chính phủ, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy”, ông Hiếu nói.
Ở góc khác, ông Hưng lạc quan cho rằng, thời gian tới, du lịch và hàng không tiếp tục bị ảnh hưởng, còn nhu cầu mua nhà, thuê nhà không thể thay đổi, đó là nhu cầu cơ bản. Nhất là qua đại dịch này, khách hàng nhìn nhận nơi nào an toàn và không an toàn cho cuộc sống cơ bản của mình để có kế hoạch và phương án đổi nhà, mua nhà. Do vậy, ông Hưng kỳ vọng sau khi kiểm soát được dịch bệnh, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn.
Trước việc hàng loạt doanh nghiệp xây dựng - BĐS kinh doanh sụt giảm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng mong muốn các doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói chính sách kích cầu của Chính phủ như được giãn thuế, có chương trình cho các doanh nghiệp này vay, đặc biệt là các công ty xây dựng và những công ty sản xuất vật liệu xây dựng…
Bình luận