Rạng sáng ngày 14/10 (giờ Việt Nam), iPhone 12 ra mắt trên thị trường thế giới . Ngay lập tức, ở Việt Nam đã có giá dự kiến và nhiều nơi chấp nhận cho khách đặt cọc từ bây giờ, với mức cọc 1 triệu đồng/khách. Trong khi đó, ở trên "chợ mạng", hàng loạt lời mời chào mua hàng xách tay cũng được đăng tải, giá đặt trước lên tới con số cả chục triệu đồng. Một dân buôn hàng xách tay ở Hà Nội lý giải, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn và mất thời gian hơn trước do COVID-19, nên chuyện giá cọc tăng là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, người này cũng thừa nhận, trước khi nhận đơn của khách, sẽ phải nghiên cứu kỹ Nghị định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh hàng xách tay, với mức chế tài tăng nặng. Nghị định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 15/10, với mức phạt lên đến cả trăm triệu đồng. "Nếu không cẩn trọng, hiểu đúng luật, chúng tôi dễ vi phạm, trong khi mức phạt đã tăng lên rất cao, chưa kể có thể bị xử lý hình sự nếu đó bị coi là hàng lậu", anh này nói.
Theo quy định mới nếu đập hộp và xách tay số ít về sử dụng thì người dùng không phải đóng thuế, nhưng sản phẩm được xách tay về để kinh doanh thì phải đóng thuế theo quy định, trường hợp mua gom sản phẩm chưa đóng thuế từ nguồn khác thì người mua có thể kê khai với cơ quan thuế để đóng thuế cho sản phẩm trên và có chứng từ mới hợp pháp. Quy định này được cho là sẽ siết chặt những nơi nhập hàng xách tay hàng loạt để kinh doanh kiếm lời. Do đó, việc nhận đơn hàng của khách một cách ồ ạt chắc cũng không diễn ra.
Chị Lan Anh, một người bán đang chào mời khách đặt mua iPhone 12 xách tay, bối rối nói: "Tôi mới vừa được biết những cá nhân đăng video đánh giá, giới thiệu iPhone xách tay lên mạng xã hội vẫn bị xem vi phạm nếu sản phẩm trên không có hóa đơn chứng từ (hàng lậu). Trường hợp người bán online nếu không có đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng cũng là vi phạm. Như vậy, muốn quảng cáo hay bán iPhone 12 xách tay vào thời điểm này, tôi sẽ phải thận trọng hơn".
Không chỉ với dân bán iPhone 12 xách tay mà giới buôn bán hàng xách tay nói chung cũng tỏ ra khá "nhạy cảm" với quy định mới. Để "chạy đua" với quy định này, từ nhiều ngày nay, không ít người vội vã "xả hàng", tìm cách lách luật. Các hoạt động buôn bán chuyển sang chỉ bán online, trên các trang cá nhân, group kín thay vì được bày bán công khai trong các cửa hàng như trước kia.
"Tôi có mở một cửa hàng chuyên về đồ xách tay Nhật, giờ có quy định cấm hàng xách tay tôi phải giảm giá 30-40% toàn bộ cửa hàng, số hàng còn tồn tạm thời chuyển sang bán online", chị Thu Hoài chủ cửa hàng xách tay Nhật ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Giống như chị Hoài, nhiều chủ cửa hàng khác cũng tìm cách bán nốt số hàng còn lại vì trong đó có nhiều loại là thực phẩm chức năng, đồ ăn uống...khó bảo quản.
"Tôi cố gắng bán lỗ nốt chỗ hàng hoá khó bảo quản để lấy lại ít vốn, còn những hàng có thể lâu dài thì từ từ đăng bán trên trang Facebook sau", anh Hoàng Minh, chuyên bán hàng xách tay Mỹ nói.
Anh Minh thậm chí cho biết thêm có thể anh sẽ nghỉ bán một thời gian để theo dõi tình hình và tìm phương thức buôn bán cho phù hợp.
Tuy nhiên, nhiều chủ hàng khác lại cho rằng nếu biết cách vẫn có thể buôn bán mặt hàng này bình thường.
"Quy định mới cấm hàng xách tay những dân buôn lớn mới sợ chứ bán lặt vặt online thì làm sao mà kiểm soát được", một người bán hàng xách tay online chia sẻ.
Người này cho biết thêm từ trước đó nhiều ngày những người bán đã thông báo cho khách hàng cách để mua và đặt hàng. Theo đó thay vì đăng tên thương hiệu và sản phẩm thì sẽ thành các tên ký hiệu để tránh sự truy quét của an ninh mạng ví dụ như Dior là Dí ò, oder (đặt hàng) thì thành Tiong lai...
Chị Hà ở Từ Liêm, Hà Nội thì chia sẻ "bí kíp" lách luật khi bán hàng xách tay online đó là không rao bán công khai, không đăng giá cả các sản phẩm lên. Khi nào khách hàng hỏi mới thông tin riêng.
Nhận định về quy định mới nhằm siết chặt việc kinh doanh hàng xách tay, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng là điều cần thiết. Thực trạng hàng xách tay ngày càng tràn lan và dân buôn có đủ chiêu trò lách luật, kiếm lời. Thiệt hại không chỉ đối với khách hàng mà còn làm nhiễu loạn thị trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát không hề dễ.
Đa số người bán là cá nhân kinh doanh nghề tay trái, kho hàng ngay trong nhà, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn kiểm tra hàng hóa. Đặc biệt, môi trường kinh doanh chủ yếu là online, với mức độ phân tán cao, nên không dễ kiểm soát triệt để.
Nghị định 98/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10.
Điều 15 nghị định này quy định hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt tiền tương ứng với giá trị hàng hóa nhập lậu.
Đối với hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng có thể bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị phạt từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Mức phạt tiền gấp đôi nếu hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Tương tự là hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; thuốc phòng bệnh và nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản...
Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… thì phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng).
Đáng chú ý, mức phạt nêu trên áp dụng với cá nhân. Mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân (tương đương 200 triệu đồng).
Bình luận