(VTC News) - Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị không nên quy định cứng là Điều tra viên phải có trình độ đại học Luật trở lên, vì trên thực tế trong việc đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm như tội phạm kinh tế, chức vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao thì cần phải có Điều tra viên am hiểu chuyên sâu về những lĩnh vực chuyên ngành này.
Ngày 27/2, tiếp tục Phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Đánh giá về dự thảo Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng quá trình soạn thảo, thẩm tra, hoàn thiện, chỉnh lý thông qua các dự án Luật: Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của ba văn bản này và của hệ thống pháp luật.
Tiêu chuẩn của Điều tra viên
Theo điều 42 của dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định tiêu chuẩn chung của Điều tra viên: Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc đại học Luật trở lên; Đã được đào tạo chuyên ngành điều tra hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ điều tra; Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này; Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Quý Vương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 27/2 về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự (Ảnh: Minh Chiến) |
Trong đó, tiêu chuẩn được các thành viên Ủy ban Thường vụ quốc hội đóng góp nhiều ý kiến là "Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc đại học Luật trở lên".
Đối với đề xuất này, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị không nên quy định cứng là Điều tra viên phải có trình độ đại học Luật trở lên, vì trên thực tế trong việc đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm như tội phạm kinh tế, chức vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao thì cần phải có Điều tra viên am hiểu chuyên sâu về những lĩnh vực chuyên ngành này.
Do đó, để đảm bảo sự linh hoạt trong việc tuyển dụng Điều tra viên phù hợp với một số lĩnh vực đặc thù thì cần quy định có trình độ “đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc đại học chuyên ngành khác trở lên”.
Theo thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hoạt động điều tra có vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của một vụ án hình sự, góp phần quan trọng đối với giai đoạn truy tố và xét xử sau này và trên thực tế đã cho thấy những vụ án có dấu hiệu oan sai chủ yếu do có sai sót trong công tác điều tra; vì vậy Điều tra viên là một nghề đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao.
Hơn nữa, Điều tra viên là một chức danh tư pháp nên tiêu chuẩn Điều tra viên cũng cần phải phù hợp với tiêu chuẩn của các chức danh tư pháp khác (Thẩm phán, Kiểm sát viên).
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng Điều tra viên, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị cần bổ sung tiêu chuẩn “đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên” là một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm Điều tra viên.
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng Điều tra viên, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị cần bổ sung tiêu chuẩn “đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Điều tra viên” là một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm Điều tra viên.
Hội đồng tuyển chọn Điều tra viên mang tính khép kín
Đó là đánh giá của Thường trực ủy ban tư pháp về nội dung quy định tại điều 49 của dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Theo đó, nội dung quy định tại Điều 49 của dự thảo Luật về thành viên của Hội đồng tuyển chọn Điều tra viên mang tính chất khép kín trong ngành Công an, Quân đội, Viện kiểm sát nhân dân. Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc bổ sung một số thành viên ngoài ngành để các quyết định của Hội đồng mang tính khách quan hơn.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy chức danh của Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn trong từng Hội đồng quy định chưa tương ứng, cụ thể: trong Công an nhân dân Chủ tịch Hội đồng là Tổng cục trưởng Tổng cục chính trị, còn ở Viện kiểm sát nhân dân thì Chủ tịch Hội đồng là một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định lại vấn đề này để đảm bảo sự thống nhất.
Minh Chiến
Bình luận