Ngày 10/7, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an tổ chức Hội nghị “Phổ biến quy định mới về xuất nhập cảnh của Việt Nam tới các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ”.
Tại hội nghị, Đại tá Phạm Văn Dự - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh cho biết, những thay đổi trong quy định về xuất nhập cảnh lần này không những liên quan đến công dân Việt Nam mà còn liên quan đến việc tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam.
Do đó, đối tượng cần tuyên truyền phổ biến những thay đổi này không chỉ có ở Việt Nam mà còn cả người nước ngoài.
Cục Xuất nhập cảnh mời đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ để các tổ chức này hiểu và đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Đại tá Phạm Văn Dự, trong 2 luật có sự thay đổi, luật số 49 quy định việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
“Về hộ chiếu, sẽ không còn đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, hộ chiếu cấp lần 1 hay cấp lần 2.
Việc cấp hộ chiếu lần 1 đối với người có căn cước công dân, người dân chỉ cần lựa chọn nơi thuận tiện nhất để làm thủ tục.
Đối với người cấp hộ chiếu lần 2, dù hộ chiếu cũ đã hết hạn đến 10 năm nhưng khi đi làm lại vẫn được coi là cấp lần 2 chứ không phải cấp lần 1. Do đó, người dân có thể làm thủ tục ở cả Cục Xuất nhập cảnh và cơ quan quản lý địa phương nếu thuận lợi.
Ngoài ra, người dân còn có thể lựa chọn nơi nhận hộ chiếu chứ không nhất thiết phải đến nơi làm hồ sơ để nhận hộ chiếu như trước đây. Có thể nhận ở nhà và gửi qua đường bưu điện”, ông Dự nói.
Với công dân Việt Nam ở nước ngoài, khi làm hộ chiếu cấp lần 1 phải làm thủ tục ở cơ quan đại diện của Việt Nam nơi họ đang cư trú, nhưng nếu từ lần thứ 2 trở đi, công dân có thể làm ở cơ quan đại diện Việt Nam ở bất cứ nước nào mà họ thấy thuận lợi.
Với công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn như du lịch, thăm thân mà vì lý do nào đó làm mất hộ chiếu, Đại tá Phạm Văn Dự cho biết, trường hợp này sẽ được cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn.
“Như quy định trước ngày 1/7 là cấp giấy thông hành, nhưng như vậy công dân của ta chỉ có thể dùng để về nước chứ không dùng được cho cả chuyến đi.
Thay đổi lần này đã thể hiện rất rõ, trong bất cứ tình huống nào Nhà nước Việt Nam cũng đều bảo hộ quyền của công dân.
Vì hộ chiếu là cái xác định quốc tịch và nhân thân của mỗi cá nhân, do đó thể hiện ý nghĩa rất to lớn”, Đại tá Phạm Văn Dự nói thêm.
Ngoài ra, phục vụ cho công việc của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh cũng như tạo điều kiện cho công dân trong các thủ tục tại cửa khẩu, Cục Xuất nhập cảnh đang dần áp dụng cổng kiểm soát tự động để công dân Việt Nam khi ra nước ngoài hay về nước chỉ cần qua cổng tự động mà không phải xếp hàng như thời gian qua.
Về những thay đổi ở luật số 51, Đại tá Phạm Văn Dự cho biết, hiện tại luật bổ sung sửa đổi về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam có nhiều nội điểm để tháo gỡ những phát sinh trong thực tế thời gian qua.
“Ví dụ, luật mới đã bỏ quy định người nước ngoài vào diện miễn đơn phương phải sau 30 ngày mới được nhập cảnh trở lại.
Để khuyến khích đầu tư, chúng ta cũng nâng thời hạn cấp thẻ tạm trú cho nhà đầu tư từ 5 năm lên 10 năm đối với những nhà đầu tư chiến lược và những dự án đầu tư có chọn lọc, đảm bảo đúng định hướng của Chính phủ”, ông Dự nói.
Đặc biệt theo Đại tá Phạm Văn Dự, những thay đổi lần này cũng kịp thời hướng dẫn những người nước ngoài là đối tác của 2 hiệp định thương mại Việt Nam vừa ký với châu Âu mà luật cũ chưa có quy định.
Bình luận