Việc này khiến hơn 1 triệu tấn trái cây của Việt Nam thu hoạch vào vụ Tết có thể gặp khó trong tiêu thụ.
Tắc đường sang Trung Quốc
Được xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, song thời điểm này, người trồng mít Thái tại ĐBSCL đang lỗ nặng vì giá mít “chạm đáy”. Hiện loại quả này chỉ được thu mua tại vườn với giá từ 1.000-5.000 đồng/kg, trong khi để hoà vốn, giá mít phải ở mức 10.000 đồng/kg.
Theo nhà vườn, mức giá này đã duy trì một thời gian dài mà không có dấu hiệu phục hồi trở lại, thương lái rất ít “ăn hàng”.
Chủ các vựa mít ở khu vực này cho biết, xe chở mít qua cửa khẩu để sang Trung Quốc không được thuận lợi nên giá mít vẫn duy trì ở mức rất thấp. Đáng nói, từ nay tới Tết Nguyên đán 2022, lượng mít tới kỳ thu hoạch còn rất lớn. Nếu đường xuất sang Trung Quốc không thông thì giá loại quả này rất khó tăng trở lại như người dân mong múi.
Tiền Giang là vựa trái cây, với diện tích lên tới 80.000 ha, gồm 11 loại cây ăn quả đặc sản. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm đầu ra trái cây khó khăn, giá sụt giảm là do một số cửa khẩu của Trung Quốc đóng cửa hoặc hạn chế phương tiện đưa trái cây xuất khẩu, gây ùn ứ, dội hàng.
Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận và Hiệp hội Thanh long của tỉnh này nhận được thông báo việc xuất khẩu quả thanh long sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bỏi dịch Covid-19. Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát nên một lượng lớn xe nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang ùn ứ tại của khẩu.
Do đó, ngày 29/11, UBND tỉnh Lạng Sơn có công văn gửi các tỉnh, thành khuyến nghị về việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bị ùn ứ. Lý do là bởi thời điểm cuối năm vào vụ thu hoạch rộ nhiều loại nông sản như thanh long, xoài, bưởi, mít... ở các tỉnh phía Nam, lượng xe chở nông sản lên biên giới Lạng Sơn ngày càng tăng. Việc kiểm soát chặt chẽ về phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu đã gây tình trạng ùn ứ hàng nghìn xe chở hàng nông sản.
Dự báo những ngày tới, lượng hàng hóa đổ về cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc sẽ tăng cao. Theo đó, Lạng Sơn đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sớm có phương án điều tiết, tránh ùn ứ dẫn đến hư hỏng hàng hoá trong khi chờ thông quan. Đồng thời, chú ý tới bao bì sản phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc để phù hợp với quy định từ phía trung Quốc.
Sản lượng lớn, vụ Tết sẽ khó tiêu thụ
Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối cung cầu trái cây, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho hay, phía hiệp hội mới nhận được thông tin Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán. Điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó, ông Thang Thành Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), cũng thông tin, hoa quả Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc phải kiểm tra 100%, trong khi hoa quả nhập từ Thái Lan chỉ phải kiểm tra trực tiếp 30%.
Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn, trong đó thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn. Dự báo, trong quý I/2022, sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn.
Ông Tùng nhận định, trong quý I/2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp một số khó khăn. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao.
Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây tắc nghẽn tại cửa khẩu.
Với sản lượng trái lớn cho thu hoạch đúng vào vụ Tết, ông Tùng cho rằng các địa phương cần tính toán kỹ phương án tiêu thụ để tránh tình trạng ùn ứ, giá giảm. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Ông Tùng đề nghị các địa phương cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn để có những dự báo dài hơi, kịp thời cung cấp thông tin cho các DN thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm. Bên cạnh đó, tiếp tục đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hơi trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên cũng đề nghị đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trong đó tăng cường bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Về lâu dài, theo ông Nguyên, cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, liên kết hợp tác xã nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, tăng cường đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Bình luận