• Zalo

Quy định ghi âm, ghi hình phải xin phép: Cần thiết phải như vậy

Thời sựThứ Ba, 08/01/2019 13:53:00 +07:00Google News

Việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành quy chế người dân phải xin phép khi muốn quay phim, ghi âm cán bộ tiếp dân là việc hoàn toàn bình thường và cần thiết.

Việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành quy chế khi tiếp công dân trong đó có quy định cấm người dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý…

Ngay lập tức đã có một số ý kiến phản ứng, đặc biệt là ở trên mạng xã hội. Tôi có đọc một số ý kiến phản đối và cũng thấy rất lạ cho cái thứ tư duy “dân chủ kiểu vô chính phủ” như thế này.

Trước hết, phải thấy rằng việc người dân đến cơ quan công quyền để kiến nghị, khiếu tố, khiếu nại hay yêu cầu giải đáp việc mà người dân bức xúc là chuyện hết sức bình thường.

Cán bộ được giao trách nhiệm tiếp dân bên cạnh việc tôn trọng quyền, lợi ích hợp của người dân, thì phải biết lắng nghe ý kiến của người dân và có những đề xuất, biện pháp xử lý thích hợp.

dsc1793600x400

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp công dân sáng 18/12/2018. (Ảnh: ANTĐ)

Một yếu tố nữa cũng rất cần chú ý đến là người có trách nhiệm tiếp dân phải có “thần kinh thép”. Bởi lẽ không ít người dân khi đến cơ quan công quyền đã có thái độ không đúng mực; đặc biệt là khi họ đến với tâm trạng bị oan ức hoặc có những vụ việc kéo quá dài không được giải quyết thì rất dễ có những phản ứng cực đoan, từ đó có những lời lẽ không tôn trọng cán bộ.

 
Không ít người dân khi đến cơ quan công quyền đã có thái độ không đúng mực; đặc biệt là khi họ đến với tâm trạng bị oan ức hoặc có những vụ việc kéo quá dài không được giải quyết thì rất dễ có những phản ứng cực đoan.

Nhà báo Nguyễn Như Phong

Một trong những cách người dân hay làm bây giờ là ghi âm, chụp ảnh, quay phim khi chưa được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.

Thiết nghĩ, cán bộ phải biết tôn trọng dân, có thái độ cư xử lịch sự, nhã nhặn, lắng nghe và giải quyết nhu cầu của người dân một cách nhanh gọn. Còn người dân đến cơ quan giải quyết công quyền cũng phải biết tôn trọng người tiếp mình, phải biết tuân thủ các quy định của nơi tiếp đón. Khó khăn gì đâu việc xin phép được ghi âm, chụp ảnh.

Tôi tin chắc rằng chẳng cán bộ nào nỡ từ chối đề nghị này nếu họ có đủ bản lĩnh đối thoại với dân.

Gần đây, việc quay phim, chụp ảnh và ghi âm lén đã quá phổ biến. Nếu phải làm việc đó cho những cuộc điều tra đặc biệt, cần phải tuyệt đối giữ bí mật thì đó là việc khác, còn bình thường khi phỏng vấn hay trao đổi công việc mà cần quay phim chụp ảnh lại thì xin phép người đối thoại có mất mát gì đâu.

Mình biết tôn trọng người thì người cũng sẽ tôn trọng mình.

Mà đâu có phải chỉ người đi kiện, đi tố cáo… mới muốn dùng ghi âm, quay phim? Có không ít nhà báo đã lạm dụng quyền lực của mình khi đến phỏng vấn hoặc làm việc với ai đó; không hỏi và cũng không xin phép đã để máy ghi âm xuống bàn hoặc dí máy ghi âm vào miệng người muốn phỏng vấn.

Tôi đã có không ít lần nổi nóng và đuổi thẳng cổ nhà báo phỏng vấn mình ra khỏi phòng vì họ đến làm việc mà không xin phép đã chìa máy ghi âm ra ngay: “Thằng nào dạy chúng mày đi tác nghiệp báo chí kiểu này? Đã xin phép ai mà ghi âm? Đừng tưởng nhà báo là cha là mẹ thiên hạ mà muốn làm gì cũng được” - Đã có lần tôi phải gầm lên như vậy.

“Việc gì mình không muốn thì đừng làm cho người”, cổ nhân đã có câu như vậy.

Nguyễn Như Phong
Bình luận
vtcnews.vn