Theo thông báo của Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, thí sinh xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên phải cao từ 1,5m trở lên. Tiêu chí xét tuyển này hiện đang gây tranh cãi gay gắt, khi nhiều ý kiến cho rằng ĐH Sư phạm TP.HCM đang chú trọng hình thức, thay vì quan tâm đến năng lực, phẩm chất.
Bình luận về vấn đề này, thạc sỹ Ngô Thị Kim Chi cho biết các trường các trường đại học sư phạm lâu nay được biết đến là những trường đào tạo tri thức, khuyến khích những người yêu nghề giáo chứ không tuyển lựa giáo viên theo tiêu chí hình thức. Yếu tố ngoại hình không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Theo thạc sỹ Kim Chi, giáo dục quan trọng nhất là chữ "Tâm" và "Đức". Vì vậy, tiêu chí chiều cao chỉ là tiêu chuẩn để ưu tiên chứ không nên bắt buộc, vì nếu cứ áp khung sẽ làm mất đi cơ hội của không ít người tài muốn công hiến cho giáo dục.
Bà Kim Chi cho rằng chính sự bức xúc, chế giễu của cộng đồng cũng đã nói lên rằng quan điểm và yêu cầu này chưa phù hợp.
"Việc có ngoại hình tốt sẽ là điểm cộng đối với các giáo viên, các giảng viên. Tuy nhiên với cả học sinh từ 1m50 hoặc dưới 1m50 các em hoàn toàn vẫn có quyền mơ ước được đứng trên giảng đường, được thực hiện ước mơ gieo con chữ cho các em học sinh ở thế hệ mai sau. Nếu cứ áp dụng hình thức thì việc có năng khiếu, nâng cao điểm số cũng không được chú ý là hết sức khiên cưỡng”, thạc sỹ Ngô Thị Kim Chi cho hay.
Ở góc độ của một chuyên gia giáo dục, bà Kim Chi cũng cho rằng trước khi đưa ra quy định này, ĐH Sư phạm TP.HCM cần căn cứ nghiên cứu thực nghiệm ở Việt Nam, không nên dựa vào suy nghĩ chủ quan.
Giáo dục nên đề cao chữ "Tâm" và "Đức" hơn vấn đề ngoại hình
Thạc sỹ Ngô Thị Kim Chi
"Ví dụ, có nghiên cứu nào chứng minh những người dưới 1,5m trong ngành sư phạm chưa đảm bảo chất lượng, dạy học kém, thái độ người học và kết quả đầu ra kém. Quy định này đối với những trường hợp hạn chế về chiều cao nhưng có khả năng và năng khiếu sư phạm tốt hơn những người cao trên 1,5m thì rất khó trả lời. Một số người không may bị khuyết tật, khó đi lại, vẫn có thể dạy công nghệ thông tin rất tốt", bà Kim Chi bày tỏ.
Ngoài ra, thạc sỹ Kim Chi cho rằng hiện nay việc dạy học online phát triển. Những người có chiều cao chưa đến 1,5m hoàn toàn có thể dạy học hiệu quả qua môi trường mạng sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, những người phục vụ ngành giáo dục nhưng không nhất thiết phải trực tiếp giảng dạy.
Vì vậy, giáo dục nên đề cao chữ "Tâm" và "Đức" hơn vấn đề ngoại hình.
Bên cạnh đó, bà Kim Chi dẫn chứng: "Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là một tấm gương sáng ngời về nghị lực vượt lên số phận. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy một người tật nguyền vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội. Người thầy tật nguyền nhưng sáng ngời ý chí và nghị lực, tầm huyết với ngành giáo dục đã truyền lửa cho biết bao thế hệ học sinh".
"Chính vì thế với quy định học sinh cao trên 1,5m mới được thi sư phạm tôi hoàn toàn phản đối. Tôi e như vậy sẽ lọt mất những người giỏi về mặt sư phạm, tri thức, nhiệt tình với nền giáo dục. Nhiều người thấp bé, khuyết tật vẫn có thể đào tạo thành cán bộ quản lý, có tâm, nhiệt tình với ngành giáo dục", bà Kim Chi nói.
Còn trả lời báo chí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay trong điều kiện tự chủ, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được yêu cầu sơ tuyển.
Về điều kiện tuyển sinh các ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bà Phụng nói: “Chúng tôi khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm... để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo".
Bình luận