• Zalo

Quy chuẩn bảo đảm, tại sao vẫn xảy ra cháy nổ ở quán karaoke, vũ trường?

Chính trịThứ Hai, 12/09/2022 15:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn là bảo đảm, tại sao các sự cố về cháy nổ ở quán karaoke, vũ trường vẫn xảy ra, nguyên nhân thế nào?

Câu hỏi trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nêu ra tại Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC, sáng 12/9. 

Cơ sở karaoke chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở

Theo ông Hùng, từ năm 2015, Bộ Công an đã ban hành thông tư và sửa đổi năm 2020 như một tiêu chuẩn riêng về PCCC cho karaoke và vũ trường. Trong đó, quy định rất cụ thể về khoảng cách an toàn của cơ sở karaoke đối với công trình lân cận, tường vách ngăn cháy, ít nhất phải có 2 lối thoát nạn, hệ thống âm thanh, vật tư trang trí, nội thất, biển quảng cáo không được che khuất toàn bộ mặt tiền để chặn các lối thoát hiểm…

Quy chuẩn bảo đảm, tại sao vẫn xảy ra cháy nổ ở quán karaoke, vũ trường? - 1

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, hệ thống pháp luật để kiểm soát và quy định về quy chuẩn là bảo đảm, tại sao các sự cố về cháy nổ vẫn đang xảy ra. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cơ chế kiểm soát PCCC, theo quy định hiện nay, có 3 bước: Bước thứ nhất là khi cấp phép xây dựng, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa các trụ sở để kinh doanh karaoke, vũ trường thì khi cấp phép xây dựng phải chịu thẩm duyệt về thiết kế PCCC và phải được kiểm tra, nghiệm thu.

Bước thứ hai, cấp phép hoạt động cho thuê vũ trường do cơ quan quản lý văn hoá cấp phải có giấy chứng nhận bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cháy nổ.

Bước thứ ba là hằng năm, định kỳ, cơ quan PCCC kiểm tra công tác PCCC.

"Phần lớn hiện nay, các cơ sở karaoke và vũ trường, đặc biệt là karaoke, chủ yếu chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn, ví dụ quy định về 2 lối thoát nạn rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phân tích một trong những nguyên nhân dẫn tới hỏa hoạn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quy định về vật liệu, trang âm… phải bảo đảm không cháy, quy định về an toàn điện như thế nhưng lại phụ thuộc nguồn điện đấu nối. Quy định về khoảng cách giữa cơ sở karaoke với nhà bên cạnh, quy định tường ngăn cháy đã có nhưng các cơ sở lại không bảo đảm được. Các cơ sở kinh doanh thời điểm trước năm 2005 phần lớn như thế nên bây giờ khắc phục rất khó, mặc dù công an kiểm soát chặt. Ngoài ra, các công trình kinh doanh karaoke, vũ trường nằm trong khu dân cư, ngõ, hẻm, kiệt… gây khó khăn cho công tác PCCC. 

Ông Lê Quang Hùng cũng nêu thực tế, khi xin cấp phép, chủ cơ sở xin xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép để kinh doanh karaoke. Sau đó, họ lại cải tạo, sửa chữa sang kinh doanh karaoke nhưng cũng không xin phép nên bước đầu tiên rất dễ bị bỏ qua. Bên cạnh đó, ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên không có kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố rất khó xử lý.

"Chúng ta phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh. Đối với những đối tượng tồn tại trước năm 2000, chúng ta phải có nghiên cứu để quy định cho linh hoạt, khả thi. Cần biên soạn các quy chuẩn, hướng dẫn, quy định để hoàn thiện, như Thủ tướng đã nói, hình như khâu an toàn điện khó kiểm soát, có ở trên giấy nhưng không cơ quan nào kiểm tra được. Phải có quy định về vận hành và kiểm tra. Cuối cùng là trách nhiệm của chủ sở hữu, vận hành, có ý thức chấp hành các quy định", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Công tác quản lý chưa hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hành vi sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị và chất lượng thi công các hệ thống điện là 3 vấn đề tương đối căng thẳng.

Bộ Công Thương đã rà soát và thấy rằng, trong pháp luật hiện nay về phòng chống cháy nổ, sau thông tư, chưa có quy định về an toàn điện (Điều 58).

Quy chuẩn bảo đảm, tại sao vẫn xảy ra cháy nổ ở quán karaoke, vũ trường? - 2

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Giống ý kiến của Bộ Xây dựng, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn bất cập, đặc biệt là phần điện lực. Ngay cả thi công, thiết kế trong các công trình xây dựng công cộng cũng có cả tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng có bất cập. Một số công trình có giấy phép, đặc biệt cơ sở kinh doanh có thẩm định thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, thẩm duyệt cả phương án PCCC nhưng những công trình dân doanh không cần xin giấy phép xây dựng thì ai thẩm duyệt, và thẩm duyệt rồi thì thi công, ai kiểm tra hoàn công?

"Kể cả những công trình công nghiệp làm rất kĩ, cơ quan PCCC kiểm tra, nghiệm thu vẫn có tình trạng bỏ qua, không báo cáo trước khi đưa vào sử dụng. Suy cho cùng là việc thực thi, chấp hành quy định pháp luật đang có vấn đề mặc dù PCCC là một trong những luật nghiêm ngặt nhất vì liên kết đến luật hình sự.

Hành vi làm cháy là hành vi hình sự nhưng xử lý vẫn chưa nghiêm. Thậm chí, những đội chuyên nghiệp nhất đến lúc hàn xì vẫn gây ra cháy nhà máy điện. Lực lượng thi công PCCC tòa nhà EVN1 cũng chính là lực lượng gây cháy tòa nhà. Đó là câu chuyện hành vi sử dụng, không chấp hành kỹ năng về an toàn. Như vậy, ngay cả phần giám sát lúc thi công công trình cũng có lỗ hổng pháp luật ở chỗ này. Phần liên quan an toàn điện trong Luật Xây dựng, cần suy nghĩ làm thế nào để đưa vào cuộc sống", Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Cũng theo ông Đặng Hoàng An, Bộ Công Thương thấy rằng, ngay trong 11 tập đoàn do Bộ quản lý, năm vừa rồi vẫn xảy ra 160 vụ cháy, rõ ràng công tác quản lý còn chưa hiệu quả. Báo cáo của Bộ Công an nói rất đúng, phải bắt đầu ngay từ cơ sở. Chưa khi nào phương châm 4 tại chỗ về phòng cháy chữa cháy lại rõ hơn lúc này, nói rộng ra là sự nghiệp toàn dân.

Ngành Công Thương rất lo lắng vì các lĩnh vực của ngành tiềm ẩn cháy nổ rất lớn, kể cả điện, hóa chất, xăng dầu, dầu khí, khai thác hầm mỏ, quá trình sơ chế khí methane… Hiện nay, các đơn vị chấp hành tương đối nghiêm, cháy nổ đã giảm nhiều nhưng vẫn xảy ra chết 75 người, bị thương 52 người.

"Phải siết chặt quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh. Đối với loại hình kinh doanh dân doanh hiện nay, chúng ta đang cải cách hành chính nhưng câu chuyện liên quan PCCC thì cần xem xét. Thợ hàn hiện nay trong báo cáo của Bộ Công an là một nhóm sử dụng nguồn nhiệt không hợp lý. Thợ hàn là tác nhân gây cháy nổ kinh khủng, các quán karaoke cũng là do thợ hàn. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có", Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn