Theo đó, trong Thông tư số 17, Bộ GD&ĐT quy định 6 điểm mới trong tổ chức, lựa chọn học sinh giỏi quốc gia.
Một, số lượng thí sinh dự thi. Thống nhất cách hiểu và đảm bảo tính thực tế, khả thi của một số nội dung quy định (về số lượng thí sinh của các đội tuyển của các đơn vị (các đơn vị tối đa là 10 thí sinh, riêng TP.HCM và Hà Nội 20 thí sinh ).
Hai, tiếp tục duy trì tổ chức buổi thi thực hành các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ở kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế. Còn với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Bộ sẽ thay việc tổ chức thi thực hành bằng hình thức đề thi có nội dung câu hỏi iên quan đến kỹ năng thí nghiệm, thực hành.
Ba, tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các Olympic khu vực và quốc tế. Theo đó, 60% học ính đạt giải từ giải khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.
Bốn, bổ sung giấy chứng nhận trong kỳ thi. Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bậc THPT sẽ được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải, điều này giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về tham gia kỳ thi. Trước đây, chỉ thí sinh đoạt giải mới được Bộ GD&ĐT cấp giấy chứng nhận tham gia kỳ thi.
Năm, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, đồng thời nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học và giáo viên trường THPT tham gia tổ chức thi.
Sáu, bổ sung các quy định liên quan đến vận chuyển đề thi để khi cần thiết triển khai vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ và hình thức thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội đối với môn tin học. Linh hoạt trong quy định địa điểm tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế.
Năm 2023, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia diễn ra với 4.589 thí sinh dự thi 12 môn, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Trung. So với năm trước, số thí sinh dự thi năm nay ít hơn 82 em. Hà Nội là đoàn đông nhất với 184 học sinh đến từ 7 trường THPT.
Kỳ thi này sẽ chọn ra những học sinh tốt nhất để đưa vào các đội tuyển Olympic Việt Nam dự thi khu vực và quốc tế, thi Vật lý và Tin học châu Á - Thái Bình Dương; các kỳ thi Olympic Quốc tế.
Kỳ thi học sinh giỏi này dành cho học sinh THPT, nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; đồng thời phát hiện người học có năng khiếu để tạo nguồn bồi dưỡng. Nhiều học sinh giỏi đoạt giải quốc tế, trở thành những nhà khoa học lớn, cho thấy kỳ thi này cũng là cơ hội để giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế, theo Bộ GD&ĐT.
Những học sinh đạt giải được cấp giấy chứng nhận, được ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Những thí sinh được vào vòng tiếp theo - chọn đội tuyển Olympic quốc tế - được miễn thi tốt nghiệp THPT.
Hiện các tỉnh thành đều có chính sách khen thưởng cho học sinh giỏi quốc gia, thường dao động 10-50 triệu đồng, tùy thành tích.
Năm 2022, cả nước có hơn 2.200 trong tổng số hơn 4.600 thí sinh tham dự đạt giải. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương và Nghệ An dẫn đầu về số giải. TP.HCM đứng thứ 10.
Bình luận