• Zalo

Quỹ bình ổn giá điện: Dân hay nhà đèn phải chịu?

Kinh tếThứ Hai, 19/03/2012 05:31:00 +07:00Google News

(VTC News - Người dân đang băn khoăn, nguồn ngân sách của Quỹ sẽ trích từ túi dân hay lấy nguồn từ ngành điện?

(VTC News) - Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành cơ chế điều hành Quỹ bình ổn giá điện. Tuy nhiên, người dân đang băn khoăn, nguồn ngân sách của Quỹ sẽ trích từ túi dân hay lấy nguồn từ ngành điện?

    
   
Liên quan đến vấn đề này, VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Xuân Hiệp, Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam.


- Xin ông cho biết quan điểm về việc hình thành Quỹ bình ổn giá điện?

- Ổn định giá năng lượng trong đó có giá điện là một trong những công cụ quan trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đã được nhiều quốc giá trên thế giới áp dụng. Không có 1 công thức chung cho mọi quốc gia và mọi ngành bằng cách nào để ổn định, tùy thuộc vào điều kiện của từng nước hoặc đặc điểm của từng ngành.

Tuy nhiên, với một sản phẩm cho trước, có hai cách chủ yếu thường làm để ổn định giá cho nó: hoặc dùng vật chất hoặc dùng giá trị, hoặc đồng thời kết hợp cả 2. Với cách thứ nhất người ta có thể tác động vào sản lượng sản phẩm, còn cách thứ hai có thể tác động vào giá thành sản phẩm.

Trong ngành năng lượng, cách thứ nhất có thể áp dụng cho than, dầu, khí. Trong khi đó cách thứ 2 lại áp dụng cho ngành điện.

Cũng lưu ý rằng, nền kinh tế thị trường không nên lạm dụng sự can thiệp, bởi thế chỉ nên can thiệp trong ngắn hạn và khi thực sự cần thiêt. Ngoài ra, cho dù là cách nào đều tạo ra chi phí (mà ta gọi là chi phí bình ổn) và kết cục là một Quỹ bình ổn có thể có lý do để hình thành.

- Vậy theo ông, có nên hay không sự cần thiết thành lập Quỹ này?

- Với cách lập luận như tôi vừa trình bày, việc hình thành Quỹ là có cơ sở của nó, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang chịu rất nhiều tác động của giá cả thế giới. Tuy nhiên, có mấy vấn đề cần được làm rõ. Thứ nhất, cách hình thành nguồn quỹ. Thứ hai, quỹ phải được tính toán bao nhiêu là vừa. Và thứ ba, cách quản lý và vận hành của quỹ.

Ngoài ra, giả sử nếu sau khi tính toán, khối lượng cần có của quỹ là rất lớn thì tính khả thi của quỹ sẽ có vấn đề.  

 Ông Đàm Xuân Hiệp:Cơ chế hoạt động của Quỹ phải có tính tự tác động rất cao để tránh việc xin – cho hoặc lobby vì lợi ích nhóm.

- Để bình ổn, dự báo Quỹ phải có ngân sách rất lớn, trong khi nguồn hình thành quỹ được trích từ giá bán điện. Vậy theo ông, nguồn này có đủ để thực hiện bình ổn, hoặc cần cần bổ sung từ nguồn nào?

- Về cách hình thành nguồn Quỹ ta chưa tính toán nên chưa thể biết chính xác con số lớn hay nhỏ. Nếu Quỹ trích từ giá bán thì người tiêu dùng phải chịu, còn nếu nó như một yếu tố của giá thành thì ngành điện phải chịu.

Trong trường hợp thứ nhất, giá điện có thể tăng cao khiến người tiêu dùng khó chấp nhận. Còn trường hợp thứ hai làm giảm lợi nhuận của ngành điện sẽ ảnh hưởng đến đầu tư phát triển của bản thân ngành này.

Để khắc phục, bổ sung một phần cho nguồn này có thể trích từ tiền thuế xuất nhập khẩu năng lượng, hoặc Nhà nước có thể hỗ trợ khi thật sự cần thông qua hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi.

- Ý kiến đóng góp của ông về việc quản lý và điều hành Quỹ bình ổn giá điện?

- Tôi cũng chưa hiểu rõ Quỹ này hoạt động như thế nào nên chưa thể góp ý được. Tuy nhiên, về nguyên tắc, đơn vị quản lý Quỹ phải độc lập với ngành điện, có quy chế hoạt động rõ ràng. Cơ chế hoạt động của Quỹ phải có tính tự tác động rất cao để tránh việc xin – cho hoặc lobby vì lợi ích nhóm.

- Ông có thấy bất cập, hoặc bài học nào từ quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu để tránh hoặc áp dụng trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá điện?

- Tính bất cập của Quỹ này chưa thể nói khi mà nó chưa đi vào hoạt động. Thế nhưng, nếu các nguyên tắc như đã nói trên không được quan tâm thì tồn tại các bất cập là điều khó tránh.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được báo chí bàn luận và mổ xẻ khá nhiều và chung quy, các bài học cũng đều có căn nguyên từ sự không tôn trọng triệt để các nguyên tắc đã nêu.

- Theo ông, làm thế nào để có một thị trường điện theo cơ chế thị trường?

- Thị trường, theo định nghĩa phải có nhiều người mua, cũng như người bán. Thực tế Việt Nam thiếu hẳn vế thứ hai. Như vậy, để có thị trường thì, trước hết phải có nhiều công ty bán điện hạch toán độc lập và cạnh tranh với nhau một cách bình đẳng. Về phía người mua, họ phải có quyền lựa chọn hoặc thương thảo với người bán. Ngoài ra, phải chia tách giữa các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối của ngành điện.

- Xin cảm ơn ông.


Hà Anh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn